Khởi sắc từ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (12:41 15/10/2018)


HNP - Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các nhóm giải pháp, đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, có ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Vườn trồng hoa ly của người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng


Tháng 6/2013, “Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã chủ trương điều chỉnh và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hiện có, đồng thời, tìm kiếm những sản phẩm nông nghiệp mới phù hợp, được ứng dụng công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.
 
Theo báo cáo, riêng năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của thành phố đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2013. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 tăng bình quân 2,23%/năm. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tích cực giúp giá trị kinh tế trên 1ha canh tác đạt bình quân 269 triệu đồng. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng (cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,57%. Vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ.
 
Nhiều chính sách khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển HTX, doanh nghiệp được triển khai đồng bộ. Từ đó, thành phố đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao. Toàn Thành phố đã có 115 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, các huyện có nhiều mô hình liên kết như: Ứng Hòa 21 mô hình, Gia Lâm 18 mô hình, Đông Anh 14 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Quốc Oai 9 mô hình, Mỹ Đức 8 mô hình, Thạch Thất 6 mô hình,... Các mô hình liên kết đã giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
 
Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từng bước được nâng cao, trình độ sản xuất của người nông dân ngày một nâng lên đặc biệt là việc sử dụng giống mới và đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. 
 
Trong 5 năm qua, Thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATTP, theo đó đã ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2013-2017, tổ chức 2.606 lớp tập huấn cho 179.395 lượt người tham gia với nội dung tập trung hướng dẫn quy trình giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thực hành ATTP trong sản xuất, sơ chế rau an toàn, rau VietGAP, tổ chức thanh kiểm tra 59.755 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông, lâm, thủy sản, phát hiện 7.692 cơ sở không đạt yêu cầu, xử phạt 2.355 cơ sở, số tiền trên 11 tỷ đồng.
 
Để có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, trong những năm qua và thành phố đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp 45 trạm bơm tưới tiêu, 9 hồ chứa nước, 51 dự án cải tạo, nạo vét hệ thống kênh mương; xây mới được 1.838km kênh mương cấp 3, đưa tỷ lệ km đạt chuẩn từ 6,42% (năm 2013) lên 32,6% (năm 2017). Các hệ thống đê sông trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Đuống được nâng cấp và hàng năm thực hiện công tác duy tu, duy trì đê điều, thủy lợi…
 
Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”, tăng 3 huyện so với năm 2013. Bên cạnh đó, 294/386 xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 244 xã so với năm 2013. Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
 
Đánh giá về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thủ đô, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là thành công của công tác dồn ghép ruộng đất, tạo đòn bẩy cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. 
 
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phát huy lợi thế là nơi tập trung nguồn tri thức lớn để phát triển trở thành trọng điểm của cả nước về chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nhằm gắn kết nông nghiệp vùng ngoại thành với trung tâm. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới xây dựng vành đai xanh cho các nông sản an toàn…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t