Nhớ mãi ký ức về Hà Nội mùa Đông năm 1946 (11:26 19/12/2016)


HNP - “Cứ đến mỗi dịp cuối năm là những ký ức về mùa Đông Hà Nội năm 1946 lại ùa về trong tôi. Một mùa Đông rét mướt, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào”. Đó là những chia sẻ của đại tá Nguyễn Huy Du, sinh năm 1930, cựu chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô tham gia chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm xưa.

Đại tá Nguyễn Huy Du phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 18-12


Mùa Đông trong bối cảnh “Ngàn cân treo sợi tóc”
 
Năm nay, đã 86 tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng, đại tá Nguyễn Huy Du nhớ lại: Những năm trước cách mạng Tháng Tám, đất nước ta, dân tộc ta phải sống trong cảnh lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Gia đình ông khi đó là một gia đình viên chức nghèo, luôn bị thất nghiệp. Mấy anh em ông đều không được đi học, riêng ông được người chú ruột mang về nuôi, cho ăn học với mục đích sau này có thể đi làm để kiếm tiền nuôi cha mẹ và các em. Ngày 17/8/1945, ông cùng bạn bè học sinh tham gia mít tinh, biểu tình, cướp diễn đàn của bọn bù nhìn thân Nhật tại Nhà hát lớn Hà Nội, rồi sau đó lao mình vào dòng thác cách mạng đi cướp chính quyền ở Dinh Khâm sai, Bắc Bộ phủ và đánh chiếm Trại Bảo an binh ở phố Hàng Bài. 
 
Sau cách mạng Tháng Tám thành công, ông tiếp tục đi học Trường Trung học Phan Chu Trinh, nhưng những ngày cuối năm năm 1946, thực dân Pháp trở mặt, đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng và gây hấn ngay tại Hà Nội. Chúng ngang nhiên cướp bóc, bắn giết đồng bào ta trên các đường phố, với dã tâm và âm mưu cướp nước ta 1 lần nữa. Căm phẫn trước những hành động tàn bạo của địch, ông đã nghỉ học và trốn gia đình ở lại Hà Nội tham gia chiến đấu. 
 
Đại tá Nguyễn Huy Du nhớ lại: Vào khoảng 8 giờ 3 phút tối, ngày 19/12/1946, đèn điện vụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh nã vào thành Hà Nội. Giờ cứu nước đã đến, ông cùng đồng đội xông ngay ra đường để ngả cây cối, ngả cột đèn, rải mìn, rải chướng ngại vật để ngăn địch tấn công từ trong thành ra. Ông đã cùng Trung đội 3 tự vệ chiến đấu đánh địch ở các phố Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Gai. “Được hơn 1 tuần, thấy tôi hăng hái, nhanh nhẹn nên trên điều tôi về làm trinh sát ở tiểu đoàn 103 khu Đông Thành. Vì Tiểu đoàn khi ấy rất ít người nên bố trí tôi và 1 đồng chí nữa vừa làm trinh sát kiêm liên lạc”, đại tá Nguyễn Huy Du kể. Để chiến đấu hiệu quả, ông được trang bị thêm 1 khẩu súng trường để bắn tỉa quân địch ở thành Cửa Đông, phố Hàng Gà, chợ Hàng Da. Ngoài nhiệm vụ trinh sát, ông còn làm nhiệm vụ dẫn bộ đội đi tập kích, phục kích, phản kích quân địch khi chúng mở các đợt tấn công vào trận địa ta.
 
Ông thuộc làu từng đường đi, lối lại của khu Hoàn Kiếm và Đông Thành. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, quần nhau với địch trong các căn nhà đổ nát, những khu phố bị bắn phá tan hoang, phải sống trong những chiến hào đầy gian khổ, thiếu thốn, nhưng với tinh thần chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh, đặc biệt được sự động viên của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, ông cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân địch. Để đảm bảo cho kháng chiến lâu dài, ông và Trung đoàn vượt vòng vây dày đặc của địch, qua sông Hồng và rút khỏi thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc an toàn. Sau đó ông tiếp tục chiến đấu cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ và trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
 
Trong chiến đấu giải phóng miền Nam, ông chuyển sang đơn vị pháo binh và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau đó ông được điều về Cục Khoa học Quân sự của Bộ Tổng tham mưu, làm nhiệm vụ tổng kết chiến tranh và nghiên cứu về khoa học quân sự cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 10/1997.
 
Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm, ông không thể quên những ký ức về mùa Đông năm 1946, mùa Đông rét mướt, ác liệt, mùa Đông trong thế “Ngàn cân treo sợi tóc”, buộc quân và dân ta phải cầm súng, bảo vệ chính quyền vừa giành được. Cuộc chiến đấu đấu ác liệt nhưng chúng ta đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước; về công tác chuẩn bị, luôn sẵn sàng giáng trả mọi sự khiêu khích của kẻ thù; về phát huy trí tuệ tập thể, chiến lược, chiến thuật và vận dụng sáng tạo bài học của cha ông để đánh địch hiệu quả nhất, đó là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, kết hợp “trong đánh, ngoài vây, trong ngoài cùng đánh”…
 
“Với ý thức, trách nhiệm của người chiến sỹ đã được thử thách, rèn luyện qua các cuộc chiến đấu, chúng tôi xin hứa với nhân dân, với Đảng, Nhà nước sẽ phát huy vai trò của người cán bộ, đảng viên trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong phần đời còn lại. Chúng tôi gửi gắm niềm tin vào các thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, đại tá Nguyễn Huy Du xúc động nói.
 
Động lực và trách nhiệm để thế hệ trẻ phấn đấu, rèn luyện
 
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, sáng 18/12, PGS.TS Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, hiện là Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Trong tâm thức của lớp trẻ chúng tôi, ngày 19/12/1946 là ngày của cả dân tộc Việt Nam với ý chí quyết tâm thà hy sinh tất cả nhưng nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
PGS.TS Trần Xuân Bách đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, sáng 18/12
 
“Thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng xúc động khi biết rằng, cuộc chiến kiên cường giam chân địch của quân và dân Hà Nội năm 1946, mở màn cho Toàn quốc kháng chiến tuy chỉ diễn ra trong 60 ngày đêm nhưng có tầm vóc lớn lao và ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Thủ đô và của cả dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cảm nhận rằng huyền thoại về 60 ngày đêm chiến đấu năm 1946 không chỉ đọng lại trong ký ức của người Hà Nội hôm nay, là kỷ niệm vô giá của bao người dân, chiến  sỹ Trung đoàn Thủ đô năm xưa mà còn đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như một thiên hùng ca bất tử, mãi là biểu tượng đầy tự hào của ý chí quật cường, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của cha anh, kết tinh thành giá trị tinh thần vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay”, PGS.TS Trần Xuân Bách nhấn mạnh.
 
Tuổi trẻ ngày nay càng tự hào và biết ơn về những thế hệ chiến sỹ, những thanh niên quả cảm năm xưa đã sẵn sàng hy sinh, bình thản đi vào chiến đấu một mất một còn với quân thù bằng lòng yêu nước và ý chí quyết tâm son sắt, thề sống chết với Thủ đô, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Bao tấm gương tuổi trẻ anh hùng mãi mãi được lưu truyền trong sử sách, trong tâm khảm thanh thiếu niên Việt Nam, những đội cảm tử quân, vệ quốc đoàn, tự vệ Thành Hà Nội với biết bao chàng trai, cô gái vốn lãng mạn thanh lịch, yêu đời xong vẫn kiên cường, bất khuất, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân, quên mình vì Tổ quốc, tô thắm trang sử vẻ vang của Thủ đô, của dân tộc Việt Nam, viết lên bản hùng ca bất diệt của tuổi trẻ… “Đó là nguồn cảm hứng, động lực thôi thúc các thế hệ trẻ hôm nay hăng say học tập, lao động, nỗ lực cống hiến sức trẻ, vì Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự chủ, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
 
Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha ông, trân trọng biết ơn sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng lớp lớp thế hệ cha anh, cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng. Điều đó không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, quyết tâm học tập mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay. 
 
“Tuổi trẻ hôm nay luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, vinh dự của mình trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi nguyện kế thừa và phát huy chủ nghĩa cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, phấn đấu hết mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, rèn đức, luyện tài để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp”, PGS.TS Trần Xuân Bách khẳng định.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t