Huyện Gia Lâm: Sẵn sàng cho bước chuyển mình, bứt phá (13:55 26/01/2023)


HNP - Năm 2022, dưới sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện, kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Huyện đã hoàn thành 15/16 chỉ tiêu Thành phố giao và 19/21 chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,52% so với cùng kỳ - đạt cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 4.535,8 tỷ đồng, là năm đầu tiên huyện Gia Lâm tự đảm bảo cân đối ngân sách..

Trụ sở Huyện uỷ- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm


Với phương châm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Gia Lâm đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an sinh xã hội. Cơ cấu giá trị sản xuất  theo ngành: Dịch vụ: 42,7% (KH 42,2%), Công nghiệp, xây dựng: 50,2% (KH 50,7%), Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 7,1% (KH 7,1%). Hiện, trên địa bàn huyện có 3.732 doanh nghiệp, trong đó, 769 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022. Cấp mới chứng nhận đăng kinh doanh cho 2.581 hộ kinh doanh cá thể, 4 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký trên 964,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 89 sản phẩm OCOP được Thành phố phân hạng, hoàn thành hồ sơ trình Thành phố đánh giá, phân hạng 30 sản phẩm OCOP năm 2022. Huyện đang triển khai kế hoạch đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh giai đoạn 2021-2025”, năm 2022, huyện Gia Lâm đã triển khai 29/29 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cấp mới giấy chứng nhận VietGap cho 110ha rau, cây ăn quả; cấp chứng nhận các vùng sản xuất rau, quả an toàn đảm bảo ATTP diện tích 1.693,5ha. Chuyển đổi 120,5ha đất trồng lúa, màu sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh đạt 100% kế hoạch.
 
Đáng chú ý, trong năm 2022, huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB. Trong năm, toàn huyện đã triển khai 242 dự án, tổng số vốn đầu tư 1.357,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 94%. Đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 132 dự án chuyển tiếp, tiếp tục triển khai thi công 110 dự án, gồm 44 dự án chuyển tiếp và 66 dự án mới.
 
Tổ chức thực hiện GPMB 42 dự án tổng diện tích 39,5ha, trong đó, đã hoàn thành 32,1ha, đạt 81,3% kế hoạch. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục công khai cơ chế chính sách và lợi ích của dự án để nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ chủ trương thu hồi đất của Nhà nước

Công tác khắc phục vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công được triển khai quyết liệt.100% các trường hợp vi phạm trong năm đã giải quyết triệt để, khắc phục được 174/323 trường hợp vi phạm từ các năm 2020 trở về trước, đạt 53,9%, còn giải quyết 149 trường hợp, gồm 81 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp 64/CP, 68 trường hợp vi phạm trên đất công. Huyện đã rà soát quỹ đất để đầu tư vườn hoa, sân chơi, ao hồ phục vụ mục đích sinh hoạt cộng đồng với 240 vị trí.

Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, đảm bảo mỹ quan đô thị. Huyện đã tổ chức thí điểm các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Đầu tư mới 6 sân chơi, vườn hoa; 32 ao, hồ đã được kè tách nước thải tạo cảnh quan môi trường; trồng mới 4.707 cây xanh bóng mát, 2 vườn hoa với diện tích khoảng 300m2, 7 đoạn đường nở hoa với tổng chiều dài 2.250m…
 
Đường Thành Trung - Thị trấn Trâu Quỳ khang trang, sạch đẹp
 
Với quyết tâm chính trị cao, Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận và công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được thực hiện đồng bộ. Kết quả, năm 2022, có 11/11 xã đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố công nhận NTM nâng cao, kiểu mẫu. Huyện cũng đã hoàn thành 25/27 tiêu chí thành lập quận theo Nghị quyết 1210, 1211 (2 tiêu chí chưa đạt, gồm: Mật độ đường giao thông đô thị và Cơ sở y tế cấp đô thị); Theo Nghị quyết 26, 27 sửa đổi Nghị quyết 1210, 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực từ 1/1/12023 thì huyện đã đạt 28/31 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Trường THPT đạt chuẩn quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn tương ứng của huyện NTM nâng cao trở lên; Tiêu chí công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị và Tiêu chí Mật độ đường giao thông đô thị. Đối với các tiêu chuẩn thành lập phường, huyện đã hoàn thiện 8/18 tiêu chí theo Nghị quyết 26, 27 và đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, hoàn chỉnh kế hoạch chi tiết xây dựng Đề án thành lập quận và các phường để triển khai thực hiện.
 
Bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội được duy trì và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tính hết năm 2022, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của huyện đạt 96,15%. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Thành phố. Hiện, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo, giảm 78 hộ cận nghèo (đạt 243,75% kế hoạch); giải quyết việc làm cho 8.964 lao động, đạt 109,3% kế hoạch.

Với những kết quả nổi bật đã đạt được, năm 2022, Huyện ủy Gia Lâm tiếp tục đề nghị Thành ủy Hà Nội xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đảng bộ Huyện có 8 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Huyện có 1 tập thể được Huân chương Lao động hạng Nhất; 13 tập thể được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố và ngành dọc cấp trên tặng Bằng khen.
 
Năm 2023, huyện Gia Lâm đặt mục tiêu tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ- Công nghiệp, xây dựng; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý đô thị-xây dựng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu và tiêu chí thành lập quận, phường. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Song song với đó, đẩy mạnh CCHC, củng cố, sắp xếp bộ máy, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp. Phấn đấu đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t