Ứng dụng thương mại điện tử ở Hà Nội: Xu thế tất yếu (22:13 27/12/2016)


HNP - Công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã thúc đẩy nhiều loại hình như giao dịch kinh doanh thông qua mạng Internet, hay phát triển công cụ trung gian thanh toán... Trong xu thế đó, Hà Nội đã chủ động hoàn thiện, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mới này.

Hiệu quả rõ rệt

Qua rà soát, toàn thành phố có khoảng 5.052 website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân, trong đó có 1.180 website thương mại điện tử đã thông báo đăng ký hoạt động. Sự gắn kết bằng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ lực để vươn ra tiếp cận với thị trường và hoạt động quảng bá quy mô. Thông qua xây dựng website, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khá hiệu quả. Đơn cử như “Ngày mua sắm mùa Thu năm 2016” thống kê trong vòng 24 giờ, ngày 30/9/2016, đã có khoảng 5 triệu lượt khách hàng truy cập và xem sản phẩm trên website OnlineFriday.vn, đã có 160.000 đơn hàng giao dịch thành công, ước tính giúp doanh nghiệp thu về 203 tỷ đồng. Cũng thông qua giao dịch qua mạnh Internet, người tiêu dùng không cần phải đến tận cơ sở sản xuất, kinh doanh, chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên mạng là sản phẩm có thể đưa đến tận tay.

Nhằm đẩy mạnh loại hình giao dịch đầy linh hoạt này, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử và đạt được kết quả khả quan. Đơn cử, cơ quan đăng ký kinh doanh thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 16.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là gần 140.000 tỷ đồng, trong đó, số hồ sơ trực tuyến giải quyết chiếm 7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, sau khi vận động thực hiện 100% hồ sơ qua mạng đối với 12 thủ tục về đăng ký kinh doanh không thu phí, lệ phí, số lượng hồ sơ tiếp nhận qua mạng đã tăng đáng kể, từ 22/8 đến 20/9 đã có gần 5.400 lượt hồ sơ được tiếp nhận qua mạng, chiếm 45% trên tổng sổ hồ sơ tiếp nhận. Tương tự, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử. Hiện nay, Hà Nội có 94 thành viên và đơn vị thành viên tham gia trực tiếp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đã triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhiều tiện ích như Phone banking, Internet banking, Home banking, Ví điện tử... được ứng dụng và đang phát triển trên thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, khuyến khích mở rộng giao dịch với ngân hàng, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.

Nắm bắt tiện ích và xu thế phát triển công nghệ thông tin, các sở, ngành thành phố đã tận dụng triệt để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn trong lĩnh vực thuế, đến nay, Cục thuế Hà Nội đã cập nhật danh bạ của toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vào cơ sở dữ liệu. Cục Thuế Hà Nội đã đồng bộ triển khai nộp hồ sơ khai thuế qua mạng tới nhiều doanh nghiệp. Qua đó đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, thủ tục nộp hồ sơ khai thuế đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả cao và an toàn, không giới hạn về không gian, thời gian trong ngày, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cơ quan thuế vừa xử lý tờ khai nhanh do không phải nhập lại dữ liệu, vừa giảm số lao động và thời gian tiếp nhận hồ sơ khai thuế, vừa thuận lợi về lưu trữ hồ sơ và tra cứu dữ liệu. Đặc biệt đáp ứng được nhu cầu phục vụ số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng trong khi nhân lực chưa được bổ sung tương ứng.

Phát huy tính ưu việt

Đánh giá kết quả công tác thương mại điện tử của thành phố, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Thương mại điện tử thành phố rất tích cực xây dựng và triển khai chuyên đề liên quan đến lĩnh vực thuế trong giao dịch thương mại điện tử; phát triển công cụ trung gian thanh toán; đấu tranh hành vi vi phạm trên môi trường mạng... Đặc biệt, các cấp, các ngành rất quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử. Nhờ vậy đã có sự thay đổi tích cực từ nhận thức, quan điểm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở. Theo bà Lan, thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, để hội nhập cùng xu thế đó, các doanh nghiệp Hà Nội cũng cần tìm hiểu nhiều hơn nữa về lợi ích của kênh quảng bá này, tận dụng mọi thế mạnh, các hình thức quảng bá để đưa doanh nghiệp lớn mạnh. Về phía sở, ngành thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách quản lý và phát triển thương mại điện tử đến tổ chức, cá nhân. Cụ thể, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc kê khai thuế qua mạng để duy trì và nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp kê khai qua mạng; hướng dẫn trình tự, thủ tục luân chuyển và giải quyết hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính về nhà, đất khi được cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất trên địa bàn thành phố... Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt để báo cáo, đề xuất tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đáp ứng yêu cầu thực tế do công nghệ thông tin và viễn thông ngày càng phát triển kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là cho các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử, các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao để đối phó với tình trạng gia tăng của tội phạm thanh toán hiện nay; phát hiện đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao. Triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn thanh toán qua POS cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ; sắp xếp hợp lý hóa mạng lưới ATM, POS đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô. Chú trọng, phát triển đào tạo cán bộ chuyên sâu để có thể làm chủ công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại trong giai đoạn tiếp theo.


Quốc Bảo


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t