Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 21/03/2015 đến ngày 27/3/2015) (16:59 03/04/2015)



Những nội dung trọng tâm
1.Thời sự, chính trị
Tối ngày 28/3, Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) đã được trang trọng tổ chức tại tòa nhà Quốc hội. Tới dự lễ khai mạc có Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký IPU cùng nhiều đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội các nước, nghị sĩ đại diện cho nghị viện các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam… Phát biểu chào mừng IPU 132, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ niềm vinh dự khi Việt Nam được tín nhiệm tổ chức IPU 132. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước gửi lời chào, tình cảm chân thành và lòng mến khách của nhân dân Việt Nam tới các vị khách quý, hi vọng các đại biểu có những khoảng thời gian tuyệt vời khám phá vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Chủ tịch nước cho biết, suốt gần 130 năm qua, IPU đã thành diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng, đóng góp tích cực trong hợp tác, phát triển, công bằng, tiến bộ xã hội và quyền con người. Sự tồn tại, phát triển, ngày càng lớn mạnh của IPU là minh chứng hùng hồn trong việc xây dựng một thế giới hợp tác, ổn định, phồn vinh. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến Hà Nội để dự IPU 132, khám phá một đất nước đa sắc tộc, tôn giáo, giàu bản sắc văn hóa. Chủ tịch IPU cám ơn nước chủ nhà Việt Nam đã dành sự thu xếp chu đáo, mến khách, nỗ lực hết sức để thời gian ở Việt Nam của mỗi đại biểu thực sự đáng nhớ.  Sau lễ khai mạc, những phiên họp chính thức của IPU 132 sẽ diễn ra từ ngày 29/3 đến hết ngày 1/4 , với gần 70 cuộc tiếp xúc song phương và 70 cuộc thảo luận vì mục tiêu phát triển bền vững của thế giới sau năm 2015. Trong tuần, báo chí tiếp tục đăng tải nhiều thông tin khác xoay quanh các hoạt động, công tác chuẩn bị cho IPU 132 của nước chủ nhà Việt Nam: IPU 132 chính thức được khai mạc tại Hà Nội (Hà Nội mới, 28/3); Công an TP Hà Nội ra quân bảo vệ IPU 132 (Kinh tế đô thị, 24/3); Xuất quân bảo vệ Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới 132 (Vietnam plus, 24/3). Gần 400 sinh viên tình nguyện phục vụ IPU 132 (VTC News, 25/3). Nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng IPU 132 (Tin tức, 23/3). Hà Nội: Tạm cấm xe nhiều tuyến đường từ 28/3 (VnMedia, 22/3). Ngành y tế Hà Nội lên phương án phục vụ IPU-132 (Hà Nội mới, 22/3).  
Tuần qua, trên  các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và công luận tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên một số tuyến phố thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Trước những phản ánh bức xúc của báo chí và dư luận, ngày 24/3, tại cuộc họp giao ban báo chí, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Thường trực Thành ủy đã họp với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm vụ việc chặt hạ cây xanh; đồng thời sẽ sớm báo cáo đề án “cải tạo, thay thế cây xanh” lên Thủ tướng, Ban Bí thư.  Dư luận bức xúc trước việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là có lý do chính đáng. Do cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước những hệ quả do việc làm của mình gây ra; có sự nôn nóng và giản đơn. Tuy nhiên, chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn. Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm. Trước mắt, thực hiện việc dừng cải tạo, thay thế cây để đánh giá, rà soát, hoàn thiện tất cả các quy trình, thủ tục liên quan; phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay thế, cây nào để lại, hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng. Để xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra vụ việc này. Sai phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc đến đó. Liên quan đến 21 câu hỏi của các nhà báo trong buổi họp báo ngày 20/3 của UBND TP Hà Nội về việc chặt hạ và thay thế cây xanh, ngày 25/3, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản trả lời chính thức các cơ quan báo chí. Trong công văn, Sở Xây dựng khẳng định, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển. Cũng theo Sở Xây dựng, việc thay thế cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch, cây mới được trồng vào đúng vị trí cây được thay thế và trồng bổ sung tại các khu vực, vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu mật độ cây xanh hiện có mà còn tăng lên theo quy hoạch (chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực đô thị lõi khoảng 4m2/người). Theo báo Kinh tế Đô thị, chủ trương xây dựng một Thủ đô ngàn năm văn hiến xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường đang là hướng đi phù hợp và là mong muốn của cả Nhân dân và lãnh đạo Hà Nội. Việc Thành phố  lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra sâu hơn, toàn diện hơn, đồng thời tạm đình chỉ công tác của một số lãnh đạo, chuyên viên liên quan đến đề án triển khai chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố đã thể hiện sự cầu thị, biết lắng nghe và quyết liệt làm sáng tỏ vấn đề để trả lời công luận, dư luận một cách thấu đáo và rõ ràng nhất.  Báo Kinh tế đô thị cũng chỉ rõ, việc chặt cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi không hề liên quan đến “đề án chặt chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh” của Thành phố nhưng một số cơ quan báo chí vẫn sử dụng hình ảnh những cây xà cừ này để làm dẫn chứng cho việc thay thế cây kém chất lượng, thải loại ở Hà Nội. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thay thế cây xanh (An ninh thủ đô, 24/3); Hà Nội sẽ báo cáo đầy đủ, chi tiết lên Thủ tướng vụ cây xanh (Hà Nội mới, 24/3); Sở Xây dựng HN trả lời báo chí về việc chặt hạ và thay thế cây xanh (Hà Nội mới, 25/3);  Đình chỉ công tác 3 cán bộ Sở Xây dựng (Kinh tế đô thị, 24/3). HN khẳng định cây trên phố Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm (Vietnamnet, 25/3). Cần thiết nhưng phải có lộ trình và thông tin rộng rãi (Hà Nội mới, 26/3).
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hội nghị thảo luận, lấy ý kiến góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Theo đó, kế hoạch của Thành ủy xác định nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung trí tuệ của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhân dân thủ đô và ý kiến của các bộ, ngành trung ương đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Cũng theo kế hoạch, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy qua các thời kỳ; lấy ý kiến đóng góp của cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành Thành phố; lấy ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số hội quần chúng của Thành phố... Hà Nội lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVI (Tuổi trẻ, 26/3).
Ngày 24/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt các thế hệ lực lượng dân quân tự vệ anh hùng trên địa bàn Thủ đô nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935-28/3/2015). Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống quý báu của dân quân tự vệ Thủ đô, đồng thời bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng dân quân tự vệ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để xây dựng và bảo vệ Thủ đô văn minh, giàu đẹp. Đây cũng là dịp để các thế hệ dân quân tự vệ gặp gỡ và tri ân thế hệ đi trước; tự hào trong môi trường rèn luyện vừa sản xuất vừa chiến đấu, lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội đã trưởng thành và ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho quê hương, xứng đáng với truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến trung dũng, anh hùng. Hà Nội tri ân các thế hệ lực lượng dân quân tự vệ anh hùng (Vietnam plus, 24/3).
UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2015 trên địa bàn TP.  Năm 2014, công tác kiểm soát TTHC của TP Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực, TTHC được kiểm soát chặt chẽ, nhiều TTHC được đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, thực hiện, giảm chi phí cho người dân khi thực hiện tại các cơ quan Nhà nước.  Bước sang năm 2015, TP Hà Nội sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết  30c/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, xác định nhiệm vụ cải cách TTHC là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, là khâu đột phá của cải cách hành chính năm 2015. Hà Nội: Triển khai kiểm soát thủ tục hành chính (Đại đoàn kết, 25/03).
2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
Trong thời gian qua việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn TP đang gặp rất nhiều vướng mắc.  UBND TP đã có các chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên, theo đánh giá việc thực hiện của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn TP còn hạn chế, tiến độ thực hiện chậm. Những tồn tại từ trước đây trong công tác quản lý, sử dụng đất chậm được xử lý, khắc phục theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Để khắc phục tình trạng trên, ngày 24/3/2015, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đo đạc hiện trạng, cắm mốc ranh giới sử dụng đất các nông, lâm trường, trạm trại đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6925/QĐ-UBND ngày 15/11/2013 để làm tài liệu, cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.  Hà Nội: “Xiết” quản lý đất tại các nông, lâm trường, trạm trại  (Hà Nội mới, 26/3).
Ngày 25.3, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thiện hệ thống dữ liệu, thiết bị, hạ tầng và sẵn sàng cho kế hoạch thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng Internet từ tháng 4.2015. Địa điểm thực hiện cấp đổi tại Phòng cấp, đổi  giấy phép lái xe của Sở GTVT số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Lệ phí xin cấp đổi GPLX qua mạng là 135.000 đồng mỗi trường hợp. Thời gian cấp, đổi khoảng 2 giờ. Hiện tại, Sở GTVT đang hoàn thiện trang tin điện tử để người dân có thể truy cập vào cấp đổi giấy phép lái xe. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên thí điểm, thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng. Hà Nội bắt đầu cấp đổi GPLX qua mạng từ tháng 4 (Dân Việt, 25/3).
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 1885/UBND-CT về việc tăng cường chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.  Theo báo cáo của Sở Công thương, trong năm 2014 vừa qua, UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai giải tỏa 150 tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố, góp phần giữ gìn trật tự và văn minh đô thị Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, đã xuất hiện nhiều tụ điểm chợ cóc mới phát sinh hoặc tái họp, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến công tác giữ gìn trật tự và văn minh đô thị. Tăng cường giải tỏa chợ cóc, chợ tạm (Hà Nội mới, 22/3).
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa yêu cầu Công an TP phối hợp với Sở GTVT tiếp tục rà soát, kiểm tra toàn diện hoạt động taxi trên địa bàn TP.  Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra và đối chiếu các tiêu chí về taxi sẽ rút giấy phép đối với các đơn vị không đủ điều kiện; cho phép tăng số lượng đối với các đơn vị đủ điều kiện theo lộ trình tại Đề án Taxi đã được UBND TP phê duyệt; đề xuất niêm yết khẩu hiệu tuyên truyền về “Năm Trật tự và văn minh đô thị-2015” trên xe taxi. Kết quả rà soát, kiểm tra báo cáo UBND TP trước ngày 30-4. Tổng rà soát, kiểm tra hoạt động taxi (Hà Nội mới, 22/3).
Ngày 26/1/2015, báo Kinh tế và Đô thị đã có bài: “Hàng quán “bát nháo” trước sân vận động Mỹ Đình” phản ánh việc bán hàng rong khu vực trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Sau khi Báo phản ánh, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành Công văn số 101/UBND-VP UBND ngày 27/1 chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng chiếm bãi cỏ làm tụ điểm bán hàng lại tái phát rầm rộ trở lại trực tiếp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Bất lực trước tình trạng hàng rong trước SVĐ Mỹ Đình? (Kinh tế đô thị, 20/3).
Con đường Nguyễn Cảnh Dị nối từ khu vực cầu Định Công đi xuống khu đô thị Đại Từ - Đại Kim dài 750 m, rộng 5-7m nằm trong dự án Khu đô thị Đại Kim – Định Công của Cty CP KDPT và đô thị Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Để giải quyết tình trạng đường xuống cấp, ngày 12/3 vừa qua, UBND quận Hoàng Mai đã họp bàn tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, do tuyến đường thuộc phạm vi dự án khu đô thị Đại Kim đã được UBND TP.Hà Nội giao đất cho Cty CP KDPT và đô thị Hà Nội thực hiện nên quận Hoàng Mai không đủ cơ sở để bố trí vốn cải tạo mặt đường. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Công ty KDPT và đô thị Hà Nội cần sớm hoàn thành tu sửa lại mặt đường ven Sông Lừ theo hiện trạng nền đường, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trước ngày 30/4.  Méo mặt đi trên đoạn đường “đau khổ” giữa lòng Hà Nội (Dân Việt, 25/3).
Khu nhà E4 – Đại học Y Hà Nội (phường Trung Tự - Đống Đa – Hà Nội) có hơn 100 hộ dân đang sinh sống trong tình trạng “cấp cứu” về môi trường sống. Từ năm 2013 đến nay, người dân của tòa nhà hơn 40 năm tuổi này luôn phải sống trong cảnh dột nát, chật chội do diện tích mỗi căn nhà ở đây rất nhỏ (12m2) nên hầu hết các hộ dân đều phải cơi nới để làm phòng vệ sinh, nhà bếp, phòng tắm. Trải qua thời gian, những "chuồng cọp" đã hoen rỉ, nhem nhuốc, đặc biệt các ống nước thải tự phát của các hộ gia đình phần lớn được dẫn đổ trực tiếp xuống sông Lừ trước mặt. Do tự "thiết kế" nên chất lượng của các loại ống này rất kém, trải qua thời gian dài không được bảo dưỡng, kiểm tra, thay thế nên nhiều ống nước xả thải đã bị vỡ, nước thải rò rỉ bốc mùi hôi thối.  Ống xả thải lộ thiên vây khu dân cư (Kinh tế đô thị, 25/3).
Đê sông Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông từ thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ vào nội thành và ngược lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cứ vào dịp chợ phiên, rất nhiều tiểu thương chợ Bá, cụm 6, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng lại đem các loại hàng hóa, quần áo bày bán trên mặt đê gây cản trở, ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Chợ tự phát họp trên đê (Kinh tế đô thị, 24/3).
3. Văn hóa, y tế và giáo dục
Trang TripAdvisor vừa công bố giải thưởng Travelers 'Choice Awards dành cho những điểm đến được yêu thích năm 2015. Theo đó, đứng đầu danh sách là thành phố Marrakech, Morocco. Hà Nội - thủ đô của Việt Nam xếp thứ 4 trong Top 10 điểm được bình chọn. Theo lời nhận xét củaTripAdvisor, vẻ đẹp duyên dáng của thủ đô Hà Nội đã tồn tại từ bao đời nay, từ khu phố cổ, các di tích, kiến trúc cho đến những tòa nhà cao ốc hiện đại. Tất cả làm nên vẻ đẹp hấp dẫn khiến thành phố trở thành một trong số điểm đến được yêu thích nhất năm nay. Những hồ nước, công viên, những đại lộ rợp bóng mát và hơn 600 đền chùa miếu mạo đã tăng thêm sự hấp dẫn của thành phố này. Đến đây, du khách có thể dễ dàng khám phá bằng taxi.  Hà Nội đứng thứ 4 trong những điểm đến tốt nhất thế giới (Tiền phong, 26/3). Hà Nội lọt top 25 điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới (VTV, 25/3).
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 129 năm ngày Quốc tế lao động, chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao trên địa bàn: tổ chức cuộc chạy đồng hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm, bắn pháo hoa chào mừng tại 5 điểm trên địa bàn Thành phố; phối hợp tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể thao trên địa bàn các quận huyện thị xã… Hà Nội bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp 30/4 (Kinh tế đô thị, 23/3).
Hàng trăm em nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo ở các thôn thuộc xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) nhiều năm qua vẫn ngày ngày phải đi học nhờ tại nhà văn hóa (NVH) thôn, trụ sở HTX nông nghiệp, hoặc trường tiểu học. Điều kiện học tập, chăm sóc hạn chế khiến người dân lo lắng cho sự phát triển thể chất và nhận thức của các bé. Trước sự việc trên, theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm cho biết, đến hết năm 2014, xã mới đạt và cơ bản đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Trong đó, một số tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, chợ, đặc biệt là giáo dục đang trở thành rào cản lớn trên đường về đích NTM của xã. Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh: Điểm trường mầm non thiếu trầm trọng (Kinh tế đô thị, 27/3).
 


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t