Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 17/01/2015 đến ngày 23/01/2015) (17:35 04/02/2015)



Những nội dung trọng tâm
1.Thời sự, chính trị

Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Thế Thảo làm Trưởng ban chỉ đạo, Phó trưởng ban thường trực là Giám đốc Công an thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Văn phòng Thường trực của Ban chỉ đạo đặt tại Công an Thành phố. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các tình huống khủng bố, Ban còn có nhiệm vụ chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả các vụ khủng bố xảy ra trên địa bàn thành phố (trừ các vụ thuộc trách nhiệm tham mưu, xử lý của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng). Chủ tịch Hà Nội làm trưởng ban phòng chống khủng bố thành phố (Vnexpress, 19/01).
Ngày 21/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã đi kiểm tra hiện trường và làm việc với 2 quận Ba Đình và Cầu Giấy về tiến độ dự án đường Trần Phú - Kim Mã (quận Ba Đình), dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy). Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo biểu dương quận Ba Đình và Cầu Giấy cùng các đơn vị thi công 2 công trình trọng điểm của TP, đặc biệt là công tác GPMB. Để dự án sớm đi vào sử dụng, đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GTVT, Sở QH - KT phối hợp với các quận xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kiên quyết không để phát sinh thêm điểm nóng ùn tắc mới; Bám sát việc thực hiện quy hoạch chung của toàn tuyến, trong đó chú trọng đến công tác hợp thửa, hợp khối, không để xuất hiện nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Không để xuất hiện nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại 2 tuyến đường mới (22/1).
Ngày 22-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc làm việc để chuẩn bị một số hoạt động phục vụ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Đại diện Sở VH,TT&DL và Sở Xây dựng đã trình bày các phương án trang trí khánh tiết, bố trí đèn, cây hoa, cây cảnh trên các tuyến phố lớn; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật tại Hoàng thành Thăng Long, trước Nhà hát Lớn Hà Nội và Vườn hoa Lý Thái Tổ. Thông tin đáng chú ý là vào đêm Giao thừa Tết Ất Mùi, ngoài 30 điểm bắn pháo hoa như mọi năm, Giám đốc Sở VH,TT&DL Tô Văn Động đề xuất tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật thí điểm tại bãi giữa sông Hồng, gần khu vực cầu Nhật Tân, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đề xuất tổ chức bắn pháo hoa thí điểm tại bãi giữa sông Hồng (Hà Nội mới, 23/1).
Trên cơ sở đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Theo đó, nhà nước sẽ xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành một bảo tàng thiên nhiên quốc gia đầu hệ có năng lực nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, hỗ trợ cho các bảo tàng thành viên trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam về nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên. Địa điểm xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Khu đô thị sinh thái Quốc Oai, thuộc địa giới hành chính xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; hoặc Khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xây Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Hà Nội (Tiền phong, 20/1).
Sở Công thương Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND các quận huyện tiến hành bố trí các chợ hoa xuân trong khuôn viên các vườn hoa, cóng viên trên địa bàn thành phố và các khu đất trống, đất dự án chưa thực hiện trên địa bàn. Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt trên 50 điểm bố trí chợ hoa xuân, hoạt động mua bán hoa xuân trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, không khí mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán nhộn nhịp, vừa đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hoạt động trái phép như: Vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vỉa hè sông Tô Lịch (dọc đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội), dọc sông Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội)… Hà Nội lập các điểm chợ hoa xuân Tết Ất Mùi (Lao động, 21/1).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) - đơn vị đại diện chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm thuộc đường Vành đai 3 vừa ký hợp đồng gói thầu số 4 Tiểu dự án xây dựng nút giao Trung Hòa nhằm hoàn chỉnh Dự án với liên doanh nhà thầu xây lắp HANSHIN-CIENCO 4. Dự án được coi là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Đại lộ Thăng Long nối với đường vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng. Nút giao có tính chất kết nối giữa Trung tâm thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của thành phố. Qua các nút giao, dòng xe từ các tuyến giao thông trục chính phía Đông Bắc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn có thể đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại. Dự án có tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 698,570 tỷ đồng. 1.000 tỷ đồng xây dựng nút giao Trung Hòa - đường vành đai 3 (Hà Nội mới, 18/1).
Ngày 21-1, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết: UBND TP Hà Nội sẽ tạm ứng hơn 276 tỉ đồng giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế giá cả các mặt hàng dịp tết Nguyên đán Ất Mùi. Trong đó sẽ tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy sản, rau củ quả…. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội dự kiến nhu cầu tiêu dùng dịp tết tại Hà Nội sẽ tăng khoảng 15% -18% khiến giá cả một số mặt hàng sẽ tăng cao. Hà Nội: Chi 276 tỉ đồng bình ổn giá dịp tết (Pháp luật TP HCM, 22/01).
Thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, trong năm 2014 thông qua việc đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế, cơ quan Thuế đã xử lý 10.341 trường hợp vi phạm các lỗi như: Kê khai không đúng, không đủ; với số tiền xử phạt 8,7 tỷ đồng. Nhiệm vụ đặt ra với cơ quan Thuế Hà Nội trong năm 2015 tiếp tục rà soát, theo dõi biến động của người nộp thuế, cập nhập đầy đủ, kịp thời dữ liệu kê khai, nộp thuế của người nộp thuế. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để có các biện pháp công tác phù hợp với từng thời kỳ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Hà Nội: Xử lý 10.341 trường hợp vi phạm kê khai thuế (Hải quan, 19/1).
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc cấp sổ đỏ trên địa bàn Thành phố. Theo đó, trong khoảng thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư. Hà Nội cấp sổ đỏ trong thời hạn không quá 30 ngày (Đầu tư chứng khoán, 20/01).
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội. 12 quận của Hà Nội phải di dời cơ quan, đơn vị quá tải (Kinh tế đô thị, 23/1).
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo trên biển tấm lớn nói riêng là nhu cầu không thể thiếu của doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Hà Nội hiện còn gần 70 biển quảng cáo tấm lớn không phép, sai phép nhưng chưa được xử lý. Quản lý hoạt động quảng cáo tấm lớn: Quá nhiều bất cập (Hà Nội mới, 21/1).
Mặc dù quy định không cho phép xe tự chế lưu hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2008, nhưng hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn xuất hiện hình ảnh những chiếc xe tự chế chở hàng hóa, thậm chí chở người vô tư lưu thông trên đường. Việc xe tự chế ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm tạo ra sự bát nháo, nguy hiểm trên các tuyến đường, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị Thủ đô. Tiềm ẩn tai nạn từ xe tự chế (Kinh tế đô thị 21/1).
Theo phản ánh của người dân ở Tổ dân phố số 15, phường Phương Mai: Kể từ năm 2003, hơn 30 hộ dân ở dãy nhà A2 và lắp ghép 2 gửi nhiều đơn kiến nghị đến UBND quận Đống Đa, UBND phường Phương Mai kiến nghị xử lý một hộ dân lấn chiếm đất lưu không của khu tập thể (KTT) để xây dựng nhà trái phép tại số nhà 32, ngõ 34, phố Phương Mai. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn ung dung tồn tại. Theo Chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết: Qua nghiên cứu hồ sơ về công trình vi phạm, UBND phường nhận thấy, đến nay thời hiệu xử phạt hành chính đã hết nên UBND phường không đủ thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Hiện, UBND phường đang củng cố hồ sơ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của UBND quận Đống Đa đối với trường hợp này. Tại phường Phương Mai (quận Đống Đa): Xử lý công trình xây dựng trái phép: Hơn 10 năm vẫn chưa xong (Hà Nội mới, 19/1).
Phản ánh của một số hộ dân sống ở Khu tập thể Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) về việc nhiều năm qua, trên con đường nằm giữa Khu đô thị mới Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) tiếp giáp với mặt sau của Khu tập thể Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam đã bị một hộ dân sống ở địa bàn này bao quây bằng tường gạch để dựng lều lán phục vụ mục đích riêng. Theo một số hộ dân là cán bộ của Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam, khoảng năm 2006, khu vực này do một hộ dân ký nhận khoán với xã Trung Văn  (trước thuộc huyện Từ Liêm) để sản xuất nông nghiệp và sau đó thì xây tường bao quanh khu vực này. Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội): Nhận khoán đất nông nghiệp để làm… nhà trọ? (Pháp luật Việt Nam, 20/01).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục
Từ ngày 4 đến 10-2 (tức ngày 16 đến 22 tháng Chạp), Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức hội Xuân Hà Nội chào đón Xuân Ất Mùi 2015 tại Cung Thể thao Quần Ngựa. Dự kiến, hội Xuân Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn như: Biểu diễn xiếc, ảo thuật đường phố, thi đấu cờ vua, chơi trò đu tiên, đi cà kheo… Ngoài ra, hội Xuân sẽ có khoảng 300 gian hàng giới thiệu về văn hóa, các làng nghề truyền thống, ẩm thực, du lịch của Hà Nội… Điểm nhấn của không gian hội Xuân sẽ là các gian hàng giới thiệu, quảng bá các lễ hội đặc sắc trên đất Thăng Long như: Hội Gióng, chùa Hương, Cổ Loa... Hà Nội tổ chức hội Xuân chào năm mới (Hà Nội mới, 19/1).
Thông tin Hà Nội đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân - cầu dây văng dài nhất Việt Nam nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Thành phố đã cho phép người dân tham quan cầu Nhật Tân, cầu dây văng dài nhất Việt Nam, do đó Sở có ý tưởng biến cây cầu thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến văn hóa cho du khách thăm Thủ đô. Việc bắn pháo hoa cũng sẽ được làm thường xuyên chứ không phải chỉ vào ngày lễ lớn. Về điểm bắn pháo hoa này, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị, cho rằng đây là một điểm bắn pháo hoa phù hợp. Trong khi đó, TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng nếu định đưa việc bắn pháo hoa thành sự kiện quảng bá, xây dựng điểm du lịch thì cần phải chú ý các không gian công cộng xung quanh. Ở cầu Nhật Tân, rất dễ nguy hiểm khi người xem giẫm đạp lên nhau. Bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân ? (Tiền phong, 22/01).
 UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, văn minh tại lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, dẹp nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. UBND TP yêu cầu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND TP nếu để xảy ra vi phạm trong mùa lễ hội năm 2015. Hà Nội cấm dịch vụ đổi tiền lẻ tại các lễ hội (Tiền phong, 20/1).
Ngày 22/1, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm phát động chiến dịch “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng” tại trường mầm non Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Theo Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2014 cả nước ghi nhận 80.685 trường hợp mắc. Tại Hà Nội, năm 2014 toàn Thành phố ghi nhận 1.171 trường hợp mắc, số mắc giảm 57,2% so với năm 2013. Còn tính từ đầu năm đến 21/1, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 50 trường hợp nghi mắc tay chân miệng, phân bố rải rác tại 14/30 quận, huyện, thị xã. Điều đáng mừng là 36 ca bệnh đã khỏi hoàn toàn, còn 14 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Theo nhận định, trong thời gian tới, bệnh tay chân miệng có thể sẽ diễn biến phức tạp, nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời, dịch có khả năng phát triển và lan rộng trên địa bàn. Hà Nội: Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở 14 quận, huyện (Hà Nội mới, 22/1).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t