Người đàn ông “đan” mơ ước (15:08 23/12/2009)


HNP - Trong lễ bế mạc và trao giải thưởng Chương trình mỹ thuật quốc tế được tổ chức tại Đức năm 2003 với hơn 60 nước tham gia, người ta đặc biệt chú ý tới một người đàn ông nhỏ nhắn ngồi thu mình, im lặng ở một góc hội trường bởi không chịu được… máy lạnh.

Một lát sau, Ban Tổ chức xướng tên những người đạt giải. Người đàn ông đó rón rén bước lên bục sân khấu, “ẵm” về giải thưởng cao nhất cho mẫu sáng tạo tráp ăn hỏi truyền thống, sản phẩm nghề mây, giang đan Việt Nam. Không ai khác, anh chính là nông dân Nguyễn Văn Trung ở làng Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ - người khuyết tật được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, bàn tay vàng của nghề thủ công tinh xảo; hay, để gần gũi hơn, người ta gọi anh là: Người đàn ông đan ảnh Bác Hồ.
Tai nạn 16 tuổi
Tai nạn năm 16 tuổi đã biến anh Nguyễn Văn Trung từ một người lành lặn, khoẻ mạnh thành người tật nguyền với đôi chân so le yếu ớt, vĩnh viễn không bao giờ còn có thể bước những bước đi bình thường trên mặt đất. Anh kể: “Mùng một Tết năm 1969, tôi nhớ thế, khi cùng chúng bạn thăm nhà thầy giáo, bỗng tôi thấy nhói đau ở chân, tưởng chỉ thế thôi, ai ngờ mấy ngày sau vết đau không những không giảm mà còn sưng tấy lên, vô cùng nhức nhối. Sau khi đi chích bỏ vết đau, bó thuốc, vết thương bị nhiễm trùng lở loét, bốc mùi rất khó chịu. Bác sỹ tuyên bố tháo khớp để tránh lan rộng vùng nhiễm trùng. Không chịu được sự thật này, tôi nhất định đòi về, chịu để vết đau hành hạ. Về nhà, nhờ bốc thuốc của một ông lang trong làng, vùng nhiễm trùng ở chân tôi được chữa khỏi sau khi đã kịp để lại một di chứng không thể nào khắc phục. Cái chân tật, bị teo, co lại, ngắn hơn hẳn so với cái chân lành. Tôi vĩnh viễn không đi lại bình thường được nữa”.
“Tự dưng đang lành lặn lại ra người tàn phế, đến người yếu đuối còn không chịu được nữa là tôi - thanh niên tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, đang còn vô tư, sốc vác, sôi nổi. Khi đó tôi suy sụp ghê sớm, chẳng thiết ăn uống gì, nhiều lúc chỉ muốn chết. Mẹ tôi thương lắm, cứ khóc rồi lại dỗ dành “Cứ thế này rồi chết thôi con”. Suốt một năm ròng nằm vô dụng một chỗ, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân cũng phải cậy vào tay mẹ già, nhà lại nghèo xác, nghèo xơ. Ý nghĩ không lẽ để mẹ nuôi báo cô cứ dằn vặt tâm trí tôi. Cầm lòng không đậu, tôi quyết chí “đứng dậy”, bắt đầu từ những nỗ lực bản thân để khôi phục tinh thần”.
“Khổ không để đâu cho hết khi 17-18 tuổi đầu tôi lại bắt đầu tập ngồi, tập đứng rồi tập đi như một đứa trẻ. Đầu tiên là những bước lần lần khó nhọc quanh góc giường, rồi chống gậy đi quanh nhà, được một thời gian, tôi mon men ra ngõ, rồi bỏ gậy. Gặp người làng chào hỏi “Anh Trung đang tập đi đấy” mà buồn cười, mà ứa nước mắt. Cũng may quanh tôi luôn có người thân, hàng xóm động viên, giúp đỡ. Cứ thế tôi dần đi được, dù chỉ bằng những bước trúc trắc, chông chênh”.
Không chỉ đi được, anh Trung còn bắt đầu học nghề, tham gia công tác đoàn ở địa phương, rồi lấy vợ. Vợ anh Trung, em gái của đồng chí Bí thư Đoàn xã những năm 70, vì cảm mến nết hiền lành, hay lam hay làm của anh, mà gật đầu chịu theo anh từ đó.
Nghệ nhân, bàn tay vàng nghề thủ công tinh xảo
Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là anh Nguyễn Văn Trung, nghệ nhân, bàn tay vàng nghề thủ công tinh xảo của làng nghề mây, giang đan Phú Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn. Trong ngôi nhà khang trang với quanh mình là những mẫu sản phẩm mây, giang đan tiêu biểu do anh sáng tác, anh Trung rủ rỉ kể lại những ngày đầu chập chững học nghề lập thân, lập nghiệp như thế nào, chốc chốc anh lại tủm tỉm cười, nụ cười thẹn thùng pha chút tự hào mãn nguyện: “Do sức khỏe yếu, chân tật nguyền, không làm được những nghề mất nhiều sức lực, tôi quyết định chọn nghề mây, giang đan - nghề truyền thống của làng để lập nghiệp. Tự biết những hạn chế của mình nên tôi tu chí lắm, cái gì mới, cái gì hay cũng cố công tìm hiểu, học cho kỳ được, rồi lại về mày mò, tìm cách làm mới để có thể vừa có phương pháp đan đơn giản vừa có sản phẩm đẹp hơn. Lần đầu công bố mẫu mới do mình nghĩ ra, ai xem cũng khen tôi khéo, người thế mà có hoa tay. Tôi vui lắm, dặn mình càng phải cóo gắng hơn. Nhà nghèo, nhiều lúc “bí” tiền mua nguyên liệu, tôi phải “giật” tạm người này một ít, người kia một ít. Về sau, không chịu được kiểu “cò con” này, tôi đánh liều vay tiền Nhà nước”.
Chuyện anh Trung say mê nghề mây, giang đan, say mê cải tiến đến mức thế chấp nhà để vay vốn mua nguyên liệu sáng tạo mẫu mới, khiến không dứoi hai lần nhà ở bị niêmphong, có lẽ chẳng người nào trong làng Phú Vinh không biết.
Niềm say mê sáng tạo, sự tin tưởng vào khả năng của mình đã không phụ anh Trung. Những mẫu sản phẩm mây, giang đan do anh sáng tác từ những mặt hàng đơn giản, hữu dụng như giỏ ấm, khay, đĩa, hộp đựng giấy… đến những sản phẩm dùng để trang trí với nhiều chi tiết cầu kỳ như chao đèn, tráp trầu cau, lọ hoa… được trong làng, ngoài xã biết đến, người đua nhau học mẫu về làm, bởi những mẫu anh sáng tạo ra đều dễ làm hơn hẳn so với những mẫu đan truyền thống khác mà tiêu biểu là mẫu đan móc xiên đã trở nên phổ biến khắp vùng. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục thiết kế nhiều kiểu từ mẫu hàng mới đến những nguyên liệu độc đáo như cỏ tranh, bèo tây… tung ra thị trường, những sản phẩm không ngừng tạo nên sự thích thú cho khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài. Trung bình mỗi năm, anh Trung sáng tạo được từ 15 đến 20 mẫu các loại. Anh Trung cũng chính là người đầu tiên sáng tạo ra cách đan tranh bằng nguyên liệu mây với ý tưởng giới thiệu đỉnh cao của nghề thủ công tinh xảo quê mình với hàng trăm sản phẩm tranh là chân dung các vị lãnh tụ. Bức tranh anh đan chân dung Bác Hồ năm 1980 hiện giờ vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hơn cả triệu phú
Uy tín anh Trung tạo dựng cho mình đã không chỉ giúp anh sống được bằng nghề, trở thành một trong ít người có tiền tỷ từ nghề thủ công tinh xảo, mà còn tạo cho anh cơ hội dạy nghề cho nhiều người lao động. Đã ngót nghét 40 năm trôi qua kể từ tai nạn năm 16 tuổi cho đến ngày anh có được Công ty TNHH Hoa Sơn như bây giờ, anh không chỉ tập trung cho công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá mà còn tham gia dạy nghề cho hàng nghìn người lao động trong nước ở các tỉnh như: Phú Thọ, Vĩnh Yên, Hoà Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Bên cạnh việc dạy nghề, kinh doanh bận rộn, anh vẫn tranh thủ dành khoảng thời gian rỗi hiếm hoi để sáng tạo mẫu. Trong 40 năm sáng tạo mẫu cho sản phẩm nghề mây, giang đan, anh đã nhận được hàng chục Bằng khen, Huy chương, giấy chứng nhận… tại các cuộc thi sáng tạo mẫu trong nước và quốc tế, trong đó phải kể đến các giải thưởng: “Tuổi trẻ sáng tạo” tổ chức tại Liên Xô; Huy chương vàng “Chương trình nghệ thuật Đông Dương”; “Bàn tay vàng nghề thủ công tinh xảo” Châu Á; Huy chương vàng Hội chợ triển lãm Kỹ thuật - mỹ thuật Việt Nam…
Khi được hỏi hiện giờ anh có mong muốn gì, anh đã không ngần ngại trình bày nguyện vọng được tạo điều kiện mở lớp dạy nghề cho người tật nguyền, giúp họ có việc làm, có thu nhập ổn định. Anh nói: “Tôi là người khuyết tậ mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật thì càng phù hợp, càng thuyết phục phải không?”.
Nhìn những bước chân yếu ớt, khiến thân hình như chao trên mặt đất của anh Nguyễn Văn Trung, mà lại là những “bước đi” thật tự tin, chỗ dựa vững chắc cho các con anh khôn lớn, tự hào, tôi cứ thầm nghĩ: Người đàn ông nhỏ bé này phải có một ý chí, một nghị lực đáng kinh ngạc mới có thể tạo dựng được những ước mơ, những điều kỳ diệu như thế trên mặt đất. Bởi với anh, mặt đất này quả thật không bằng phẳng, êm đềm như với nhiều người. Không chỉ có vậy, anh còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều người khác, những người không may mắn như mình, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, điều không phải người lành lặn, giàu có nào cũng làm được.
 


Thanh Thuỷ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t