Tuổi trẻ đem đến sức sống mới cho làng nghề truyền thống (22:42 30/03/2018)


HNP - Bước vào thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng nghề truyền thống gặp nhiều thách thức khi giới trẻ rời làng quê tìm kiếm cơ hội làm ăn. Nhưng với tình yêu quê hương, nhiều thanh niên đã ở lại quyết giữ gìn, phát huy nghề truyền thống. Xứ Đoài đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa trẻ tuổi. Bằng tài hoa, trí tuệ và những sáng tạo của tuổi trẻ, họ đang làm rạng danh mảnh đất trăm nghề.


Nghề khảm trai đòi sự tỉ mỉ, cầu kỳ. Người thợ phải ngồi một chỗ ngày này qua ngày khác mài, giũa, khảm... những vỏ trai, vỏ ốc mới hoàn thành được sản phẩm. Thời đại công nghệ, nhiều thanh niên làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ không muốn ngồi lì cả ngày với trai, với ốc. Nhưng có một người đã đem đến nhiều đổi mới cho làng nghề, đó là nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lăng. Đất Chuôn Ngọ vốn nghề khảm trai nhiều đời. Xưa kia, các cụ thường khảm hoành phi, câu đối, các sản phẩm gia dụng như tủ, bàn, ghế... Nguyễn Văn Lăng làm quen với những sắc màu lấp lánh của trai, ốc từ tấm bé. Cậu bé Lăng tò mò lấy những mảnh vụn trai, ốc gắn thành những hình ngộ nghĩnh. Đó là bước chập chững đầu tiên trong cái nghiệp "vỏ trai". Từ vỏ trai, ốc, người thợ phải cưa nhỏ thành những hình hoa, lá, động vật mình cần, sau đó, còn dùng dao khắc lên những đường nét. Nguyễn Văn Lăng đã trải qua nhiều thất bại. Phải làm đi làm lại vô khối lần mới tạo được hình mình mong muốn. Phải mất ngót chục năm, Nguyễn Văn Lăng mới thạo nghề.

Cũng là những bức tranh dân gian khảm trên gỗ, nhưng người ta thấy ở tranh của Nguyễn Văn Lăng luôn có hồn. Các chi tiết nhỏ nhất như: chòm râu, đôi mắt, nét mặt của nhân vật hay động tác của các con chim, thú... đều được Nguyễn Văn Lăng dùng dao tỉa tạo tác sống động. Nhưng bước đột phá trong nghề khảm trai của Nguyễn Văn Lăng phải kể đến khảm chân dung. Vẽ chân dung đã khó, khảm bằng dao trên chất liệu cứng như vỏ ốc, vỏ trai còn khó hơn. Những nét gọt giũa, chạm khắc phải làm sao thể hiện được thần thái của người được khảm. Kiên trì là mẹ của thành công. Cây dao trên tay Nguyễn Văn Lăng trở thành "cây bút". Một trong những chân dung đẹp nhất anh tạo ra là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh thường bảo, như mọi người dân khác, hình ảnh Bác Hồ luôn in đậm trong tâm trí anh. Nguyễn Văn Lăng đã dành nhiều tâm huyết để tạo hình Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng khảm trai. Nguyễn Văn Lăng đã xem nhiều ảnh chân dung Bác, xem nhiều tư liệu về Bác Hồ trước khi bắt tay vào công việc. Anh cẩn trọng tạo hình từng nếp nhăn trên trán, thận trọng với từng góc độ sáng tối ở gò má, đôi mắt, tỉ mỉ tạo hình chòm râu... Và rồi hoàn thành, không ai ngờ được chân dung Bác Hồ trong khảm trai lại đẹp, lại gần gũi thế. Anh khảm chân dung Bác ở nhiều thời điểm khác nhau và coi đó là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời. Nguyễn Văn Lăng đã tạo ra một xu thế mới của Chuôn Ngọ: Khảm chân dung. Có những bức tranh trị giá hàng trăm triệu đồng. Năm 2010, khi mới hơn 30 tuổi, Nguyễn Văn Lăng đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

Nhiều người quan niệm nghề thủ công gắn với những người "thế hệ cũ". Thanh niên làng người đi học, người đi làm các khu công nghiệp... Tuổi trẻ rời làng nghề là thách thức lớn đặt ra với nhiều làng nghề tại Hà Nội cũng như cả nước. Nhưng cũng nhiều người "ngược dòng", gửi trọn tình yêu vào nghề truyền thống cha ông để lại. Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang ở làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) cũng là một trong những người "ngược dòng" như thế. 34 tuổi đời, thì Quang đã có đến... 25 năm tuổi nghề. Khi mới khoảng lên mười, Quang đã bắt đầu mày mò tập đan các sản phẩm. Những chiếc giỏ, chiếc đĩa... mây tre đã được cậu bé cho ra đời. Lớn lên chút nữa, Nguyễn Phương Quang ý thức được rằng, nghề mây tre đan là niềm tự hào của gia đình, khi ông, cha Nguyễn Phương Quang đều là những nghệ nhân có tiếng. Quang gắn bó với mây tre đan bằng tình yêu và cả trách nhiệm.

Thủa ban đầu, Quang học và rèn kỹ thuật đan cổ với các họa tiết truyền thống như đan hoa dâu, đan đường gấm, kết hợp với các đường kỉ hà. Sau khi thành thạo, chàng thanh niên ấy lại thử nghiệm thêm những lối đan mới, những sản phẩm mới. Cho ra những sản phẩm mới là cả quá trình công phu. Nếu tạc gỗ, chỉ cần khéo tay, người thợ sẽ đục đẽo, tỉa gọt khúc gỗ thành hình. Nhưng từ những sợi mây, sợi tre biến hành một sản phẩm hình khối là câu chuyện khác. Quang phải thử nghiệm nhiều lần. Đan rồi tháo ra. Đan xong, đan lại là chuyện thường tình. Nhất là những chi tiết trên sản phẩm, phải chọn lối đan cho phù hợp thì khi "lên hình", các đường nét mới chau truốt, ưng ý. Qua nhiều lần thử nghiệm, mẫu mới mới vừa mắt. Sản phẩm làm ra, còn qua khâu làm màu. Ở Phú Vinh, nhiều người phun sơn, vừa nhanh, vừa tiện. Riêng Nguyễn Phương Quang, thừa hưởng những kỹ năng do cha anh là nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh truyền lại, anh sử dụng hoàn toàn các biện pháp thủ công. Các màu sắc được làm từ hỗn hợp các loại lá sòi, lá bàng... đun lên rồi nhuộm. Các nước phát triển rất chuộng cách làm màu tự nhiên. Nhờ thế, sản phẩm của gia đình anh thuận lợi hơn trong việc tìm đến những thị trường quốc tế.

Nguyễn Phương Quang là tác giả của sản phẩm "Bình sen mây" nổi tiếng trưng bày tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và nhiều sản phẩm đặc sắc khác. Nguyễn Phương Quang đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016. Hiện tại, Công ty TNHH Việt Quang do cha anh - Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh làm Giám đốc, nhưng công việc quản lý phần lớn do Nguyễn Phương Quang phụ trách. Sản phẩm của Công ty đã vươn tới thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Ý , Đức, Nhật Bản... Công ty TNHH Việt Quang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn mười lao động.

Hà Nội có hơn 1200 làng nghề. Hoạt động của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Và chính tuổi trẻ đang góp phần đem lại sức sống mới cho những làng nghề truyền thống.


Lam Sơn


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t