Xã vùng cao Yên Bình trên đường đổi mới (13:01 15/08/2013)


HNP - Trong những năm qua, cùng với những chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã tập trung phát huy nội lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Những con đường nhựa đã thay thế đường đất đỏ ở các xã miền núi của huyện Thạch Thất


Những đổi mới về kinh tế xã hội ở xã vùng cao Yên Bình

Là 1 trong 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất, Yên Bình là xã thuộc địa bàn vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức trên 2 con số. Tuy nhiên, sau 5 năm về với Thủ đô, được sự quan tâm đầu tư của thành phố cùng các cấp, các ngành, 3 xã đã có những chuyển biến toàn diện trên các mặt, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Yên Bình là xã có tới 80% lao động sản xuất nông nghiệp, vì vậy xã luôn chú trọng phát triển nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Toàn xã hiện có 4 - 5ha trồng chuối tiêu hồng, 3 mẫu trồng hoa. Tính bình quân, mỗi sào hoa hồng, hoa cúc cho thu nhập 10 triệu đồng/sào/vụ, hoa ly cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ngày càng tăng. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,8 triệu đồng/người/năm (năm 2008 chỉ đạt 9 - 10 triệu đồng/người/năm). Đến nay, Yên Bình có 8/9 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện, 9/9 thôn đều có nhà văn hóa.

Tính đến hết năm 2012, toàn xã còn 84 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5%. Xã phấn đấu, đến cuối 2013, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, tổng thu nhập trên địa bàn xã ước đạt 25 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực nông lâm thủy sản ước đạt 12,8 tỷ đồng. Trong thời gian qua, xã đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm huyện tiếp tục triển khai chặt chẽ công tác trồng và bảo vệ rừng. Thường xuyên cử cán bộ chuyên môn kiểm tra và phát hiện xử lý kịp thời các vụ cháy rừng. Đồng thời, xứ lý nghiêm một số hộ khai thác rừng trái phép. Gắn công tác trồng và bảo vệ rừng với công tác bảo vệ môi trường, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là một lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Để nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, xã đã tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tuyên truyền  về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", vì vậy, có tới 95% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa. Vừa qua, xã đã phối hợp với nhà văn hóa huyện tổ chức liên hoan cồng chiêng 3 xã dân tộc miền núi huyện Thạch Thất. Các hoạt động văn hóa văn nghệ được diễn ra rất phong phú, đa dạng với nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, ném còn, bắn nỏ…   

Hướng đến làm giàu từ phát triển nông nghiệp

Theo ông Đặng Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, ngoài trồng lúa, xã còn tổ chức trồng ngô, cây rau màu trồng 3 vụ trong năm;  vật nuôi chủ yếu là chăn nuôi lợn và gà gia cầm. Chăn nuôi hội gia đình phát triển, đặc biệt, xã đang phát triển nhiều trang trại lợn xây dựng hệ thống chuồng trại ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, xã có khoảng gần 30 trang trại mỗi trại có khoảng từ 100 đến 500 con lợn. Có những trại sản xuất với quy mô lớn (10.000 con) hiệu quả kinh tế cao. Những trang trại này không chỉ giải quyết việc làm mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương.

Xác định nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng tạo động lực để phát triển kinh tế trên địa bàn, xã đã chủ động phối hợp với huyện, nhận sự  hỗ trợ của thành phố, phát triển các loại cây phù hợp với từng điều kiện đất đai. Xã đã xây dựng vùng trồng chuối tiêu hồng, bưởi Diễn, đang xây dựng vùng sản xuất đu đủ và những năm gần đây xã đã hỗ trợ nông dân về giống vốn kỹ thuật phát triển trồng hoa ở thôn Dân Lập. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng hoa ly, hoa lay ơn, cúc, hoa hồng, phục vụ cho các địa phương khác và vào dịp lễ, cuối năm.

Yên Bình có 60% diện tích đất tự nhiên là đất rừng, vì vậy, xã đã chủ trương phát triển trồng rừng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Kinh tế vườn rừng phát triển đã mở ra hướng làm ăn mới. Nhiều hộ đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Hàng năm, các hộ nông dân phát triển kinh tế đồi rừng tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ hàng trăm triệu đồng, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
Phó Chủ tịch xã Yên Bình Đặng Hồng Ngọc mong muốn, trong thời gian tới, thành phố triển khai tốt các nội dung trong chương trình kế hoạch 166/KH-UBND thành phố về triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015; hỗ trợ các xã miền núi gặp nhiều khó khăn trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các chương trình về đầu tư cho giáo dục, đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa..

Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, từ khi hợp nhất về Hà Nội, các xã miền núi đã được UBND TP quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng và triển khai các mô hình phát triển sản xuất. Trong đó, riêng đầu tư hệ thống điện cho 3 xã miền núi đạt 27 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ các giống ngô, hoa, lúa chất lượng cao và đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã đã được nâng lên đáng kể.


Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t
Bạn vui lòng chọn file quảng cáo để hiển thị !