Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 14/9/2015 đến ngày 20/9/2015) (14:38 23/09/2015)



Những nội dung trọng tâm:

1. Thời sự, chính trị

Hướng tới ĐH Đảng Thành phố lần thứ XVI và ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Từ ngày 15/9/2015, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Dự thảo Báo cáo "Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020" đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đợt góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ kéo dài đến hết ngày 31/10/2015. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để đông đảo các tầng lớp nhân dân nắm được những nội dung cơ bản trong các dự thảo văn kiện; từ đó động viên, tập hợp những ý kiến trí tuệ, tâm huyết vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng. Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân cũng là nhằm phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, kịp thời bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tìm ra hướng đi chuẩn xác cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững trong tình hình thế giới và khu vực còn có những diễn biến khó lường (Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, 21/9).

Ngày 15/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ-TƯ về “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2010-2015”. Theo Ban Dân tộc Thành phố từ năm 2011-2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; đồng thời kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng cho vùng khó khăn. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 06, từ năm 2013 đến nay Thành phố đã bố trí 837,5 tỷ đồng từ ngân sách cho 105 dự án, trong đó có 99 dự án hoàn thành trong năm 2015. Nhờ nguồn lực rất lớn này, đến nay 100% xã đã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 14/14 xã và 100% số thôn có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh… Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đề nghị Hà Nội cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, phân công hợp lý để giúp đỡ các xã nghèo phát triển bền vững, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn TP giảm xuống dưới 1%, để Hà Nội là điểm sáng, địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo. Hà Nội: Tăng nguồn lực, giảm nghèo cho vùng khó (Đại đoàn kết, 16/9).  

Ngày 16/9, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố chương trình Hội sách Hà Nội 2015 với chủ đề: "Sách và di sản", khai mạc vào 9h ngày 29/9, bế mạc vào 16h ngày 5/10 (mở cửa từ 8h đến 21h hằng ngày) tại Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình). Hội sách Hà Nội 2015 do Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015), hướng tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Hội sách được trưng bày theo 3 chuyên đề là "Đảng và Bác Hồ"; "Tổ quốc - Biển đảo"; "Hà Nội - Thủ đô văn hiến, anh hùng vì hòa bình". Bên cạnh đó là 180 gian hàng của hơn 50 nhà xuất bản, công ty sách trong cả nước giới thiệu tới công chúng hơn 20 nghìn tên sách. Dịp này, công chúng cũng sẽ có cơ hội thưởng thức 2 đêm biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật ca trù tại sân khấu Hoàng thành Thăng Long (tối 29-9 và 3-10)…Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội sách Hà Nội (Nhân dân, 16/9)

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 22 dự án FDI đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 57,2 triệu đô la Mỹ. Trong 5 năm 2011-2015, ngân sách TP Hà Nội đã huy động 49.893 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lãnh đạo TP Hà Nội đã kết hợp trong các hoạt động ngoại giao của Thủ đô và quốc gia quan tâm kêu gọi sự hỗ trợ chính thức cũng như kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp tiên tiến như: Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Israel... vào nông nghiệp Hà Nội. Gần 50.000 tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội (Công an Nhân dân, 20/9).

UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà tang lễ Quốc gia tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội và giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch theo quy định. Theo Quyết định, diện tích khu đất lập quy hoạch là 13,5ha, trong đó bao gồm: Khu Nhà tang lễ có diện tích là 10,5ha và khu cây xanh cách ly phía Nam giáp đại lộ Thăng Long có diện tích là 3ha. Tổ hợp các công trình chính gồm nhà tang lễ, nhà nghỉ chờ, nhà dịch vụ được bố trí theo trục đăng đối, đáp ứng yêu cầu tổ chức các nghi lễ cấp quốc gia, thể hiện sự tri ân, tôn vinh đối với người đã mất. Phê duyệt Quy hoạch Nhà tang lễ Quốc gia tại Hoài Đức (Công an Nhân dân, 19/9).


Theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội, hiện, trục chính sông Nhuệ lòng dẫn bị bồi lắng nghiêm trọng, chất lượng nước ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của dân cư sống hai bên bờ sông và các địa phương trong hệ thống thủy lợi sông Nhuệ. Trước thực trạng trên, UBND Thành phố đã đề nghị các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện dự án Nạo vét trục chính sông Nhuệ từ cống điều tiết hạ lưu Liên Mạc đến đường vành đai 4, thành phố Hà Nội để đảm bảo phát huy hiệu quả của hệ thống cấp nước tưới cho khu vực nội thành Thủ đô và các khu vực phát triển đô thị. Hà Nội: Đề xuất 629,7 tỷ đồng nạo vét sông Nhuệ (Tuổi trẻ, 15/9).

Theo Sở Công Thương cho biết: Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2015 sẽ được tổ chức từ 1/11 đến hết 30/11/2015, với chủ đề “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm hưởng ứng cuộc “Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thông điệp “Tháng Khuyến mại - Lợi ích cho Cộng đồng”. Sự kiện “Ngày Vàng khuyến mại” dự kiến sẽ được diễn ra vào ngày 14, 15-11 với 25 - 30 điểm Vàng là các siêu thị điện máy, siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại, các điểm phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng, các điểm dịch vụ lớn. Các Điểm Vàng sẽ tiếp tục thực hiện giảm giá lên đến 50% nhằm tạo ưu đãi lớn nhất cho người tiêu dùng trong Tháng khuyến mại. Khởi động Tháng khuyến mại Hà Nội 2015 (Đại đoàn kết, 18/9)

Thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều ngày 15/9, Sở Giao thông Vận tải cho biết: 9 tháng đầu năm, toàn Thành phố xảy ra 1.330 vụ tai nạn giao thông, làm 476 người chết, 1.091 người bị thương, so với cùng kỳ 2014 giảm 164 vụ (10,9%), giảm 14 người chết (2,86%) và giảm 294 người bị thương (21,2%). Lực lượng thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý trên 21 nghìn trường hợp vi phạm, tước trên 3 nghìn GPLX, tạm giữ 511 phương tiện và phạt tiền gần 40 tỷ đồng. Liên quan đến công tác quản lý cước vận tải, Sở GTVT cũng cho biết, đến nay, đã có 39/89 doanh nghiệp taxi kê khai đăng ký giảm giá cước từ 4-10,2%; 11/61 đơn vị vận tải tuyến cố định giảm từ 1,8-11%. Thời gian tới Thành phố cũng sẽ điều chỉnh lại giá vé xe buýt. Hà Nội còn hơn 50 điểm, tuyến đường nguy cơ ùn tắc cao (Giao thông, 17/9)

Tại Hội nghị giao ban thực hiện Chỉ thị 82/CT-BTTTT ngày 24-12-2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, ngày 17/9, Sở TT&TT Hà Nội cho biết: đã ban hành 12 công văn đề nghị DN cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc 37 đầu số và 372 số điện thoại phát tán tin nhắn rác. Sở TT&TT cũng đã phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tập trung vào đối tượng kinh doanh sim rác và DN cung cấp dịch vụ nội dung. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 56 triệu đồng, tịch thu gần 12.500 sim rác và 11 thiết bị kích hoạt không cần bẻ sim. Các DN cung cấp dịch vụ di động cũng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, trong đó đã chấm dứt hợp đồng kinh doanh với 10 tổng đài 1900 và 5 đầu số; chặn trên 630.000 thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo...Đánh giá chất lượng dịch vụ di động bằng tiêu chí chặn tin rác (Hà Nội mới, 17/9).

3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục
Nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Mátxcơva và góp phần tích cực vào sự phát triển tình hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa 2 nước Việt-Nga, theo UBND TP Hà Nội: Chương trình giao lưu văn hóa “Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva” sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 23/9 tại Mátxcơva (Liên bang Nga). Ngoài lễ khai mạc, chương trình còn có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao 2 thành phố Hà Nội - Mátxcơva; triển lãm ảnh về Hà Nội kết hợp nghệ thuật sắp đặt các con rối (rối cạn); hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội - Mátxcơva; chương trình gặp gỡ, nói chuyện và giao lưu văn hóa nghệ thuật với cộng đồng người Việt ở Mátxcơva… Giao lưu văn hóa “Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva” (Công an nhân dân, 18/9)

Sau đợt thanh kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 1/9 - 20/9, theo Sở Y tế, phần lớn các cơ sở đã đáp ứng được các thủ tục pháp lý trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong 18 cơ sở, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu chưa đảm bảo vệ sinh, trong số đó có 2 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); 5 cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm các loại bánh Trung thu; 3 cơ sở ghi nhãn thực phẩm chưa đúng theo quy định. Về điều kiện vệ sinh, 6 cơ sở không đạt yêu cầu. Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh (Hà Nội mới, 20/9).

Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi với mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở tháng. Theo đó, mức thu BHYT học sinh, sinh viên sẽ tính theo năm tài chính (từ 1/1 đến 31/12) trong khi mọi năm thu theo đơn vị năm học (tức là tháng 9 năm nay đến tháng 9 năm sau). Cũng từ quy định mới này, học sinh, sinh viên năm học 2015-2016 phải đóng tới 15 tháng BHYT (3 tháng cuối năm 2015 và 12 tháng năm 2016) với số tiền lên gần gấp đôi so với năm học cũ. Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã có yêu cầu các trường thực hiện thu tiền BHYT học sinh, sinh viên tiếp 3 tháng cuối năm 2015, sang năm sau sẽ thực hiện thu 6 tháng một lần nhưng vẫn có trường tại Hà Nội thu gộp cả 15 tháng BHYT vào đầu năm học. Nhiều trường tại Hà Nội vẫn thu gộp BHYT “phớt lờ” lệnh của Bộ, Sở GD&ĐT (Pháp luật xã hội, 15/9).



Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t