Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 09/8/2014 đến ngày 15/8/2014) (02:56 25/08/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự - chính trị

Kỳ thi tuyển công chức TP Hà Nội năm 2014 (khai mạc ngày 10-8, dự kiến hoàn thành phần thi trắc nghiệm ngày 19-8) được UBND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, đồng thời hoàn chỉnh những biện pháp chống tiêu cực đã được áp dụng thành công trong kỳ thi năm trước. Ông Trần Văn Hải, Phó Chánh Thanh tra thành phố được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban giám sát kỳ thi tuyển công chức năm 2014. Ban giám sát kỳ thi có 20 thành viên của 4 cơ quan gồm: Thanh tra, CATP, Sở Tư pháp và Sở Nội vụ, trong đó, một nửa số thành viên (10 người) là cán bộ công an thành phố. Ông Trần Văn Hải khẳng định, các hoạt động giám sát, kiểm tra đã được tăng cường hơn nhằm chống tiêu cực. Hà Nội tổ chức thi tuyển công chức năm 2014: Chuẩn mực “bộ lọc” đầu vào (Hà Nội mới, 12/8).

Chiều 12-8, trong cuộc giao ban báo chí, trả lời về tình hình điều tra vụ mua bán trẻ xảy ra ở chùa Bồ Đề (quận Long Biên), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, quá trình điều tra xác định, sư trụ trì Thích Đàm Lan không liên quan đến việc mua bán trẻ em. 10 cháu trong số này đã được bố mẹ đẻ đón về, cháu còn lại được nhận làm con nuôi chứ không có hiện tượng mua bán người. Trưa 12/8, tất cả các trẻ em ở tại chùa Bồ Đề vẫn sinh hoạt bình thường, dù trước đó có thông tin chuyển toàn bộ trẻ khỏi ngôi chùa này. Chưa có kết luận sư Thích Đàm Lan liên quan mua bán trẻ (Dân trí, 12/8); Chưa có kết luận về trụ trì chùa Bồ Đề liên quan vụ mua bán trẻ em (VOV, 12/8). Sư trụ trì chùa Bồ Đề không liên quan đến việc mua bán trẻ em (Hà Nội mới, 13/8); Sẽ công bố kết quả thanh tra nghi án tại chùa Bồ Đề trong tuần này (VietnamPlus.vn, 12/8); "Không có chuyện 11 trẻ chùa Bồ Đề mất tích" (Đời sống & Pháp luật Online, 12/8); Công an khẳng định không có chuyện 11 bé ở chùa Bồ Đề bị “mất tích” (Dân Việt, 12/8); Chưa chuyển các trẻ ở chùa Bồ Đề (Tiền phong Online, 12/8); Xác minh trẻ biến mất ở chùa Bồ Đề: Vẫn thiếu 3 bé (Khampha.vn, 13/8).

Hội sách với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” sẽ diễn ra từ ngày 26/9 - 2/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Đây là hoạt động do Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội tổ chức, kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) và 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Hội sách là hoạt động góp phần nâng cao văn hóa đọc, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô. Tổ chức hội sách “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” (VOV, 13/8). Hội sách “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” (An ninh Thủ đô, 14/8).

Từ 20/7 đến nay, hàng trăm hộ dân ở một số lô nhà khu đô thị mới Định Công phải chịu cảnh mất nước. Khoảng 3 lô nhà (mỗi lô khoảng 80 hộ với gần 400 nhân khẩu) và một tòa chung cư (CT6) bị ảnh hưởng bởi đợt mất nước này. Công ty HUDS, đơn vị dịch vụ hiện vẫn không có câu trả lời với người dân về việc bao giờ được cung cấp nước trở lại. Hà Nội: Mất nước cả tháng, dân Định Công than trời! (VnMedia, 16/8).

Sau khoảng thời gian trầm lắng trước sự truy quét của lực lượng chức năng, hoạt động khai thác cát và mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép lại "làm mưa, làm gió" dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khảo sát dọc các tuyến sông chính trên địa bàn Hà Nội cho thấy vẫn còn tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép làm vương vãi cát đen trên mặt đê, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phía dưới thềm sông, bãi sông, vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc chất cao như núi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ. Tại xã Văn Nhân (Phú Xuyên), địa điểm cách kè Cát Bi mấy bước chân, vào giữa mùa mưa lũ nhưng vật liệu xây dựng tập kết cao hơn cả mặt đê. Ngược lên quận Hoàng Mai, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, nhất là khu vực dưới chân cầu Thăng Long..., cát đen được xác định là không rõ nguồn gốc khá nhiều. “Cát tặc” lại lộng hành (Hà Nội mới, 18/8).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5894/UBND-XDGT, giao nhiệm vụ cho sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND khoá XIV, kỳ họp thứ 10, quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng (Xây dựng, 11/8).

Từ năm 2010 Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã có dự án hỗ trợ đầu tư nước sinh hoạt nông thôn cho hai thôn Hiệu Chân và Cẩm Hà thuộc xã nghèoTân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội), theo đó, 2 xã này được triển khai xây dựng 2 trạm cấp nước mi ni để cấp nước cho 409 hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch, nhưng thực tế dự án mới lắp đường ống, đồng hồ cho hơn 300 hộ và chỉ có trạm cấp nước ở thôn Hiệu Chân hoạt động, còn trạm ở thôn Cẩm Hà thì trong tình trạng… "đắp chiếu". Theo ông Đỗ Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng là do số lượng hộ dùng nước sạch quá ít, hàng tháng xã phải bù lỗ tới 50% chi phí vận hành, quản lý trạm và tiêu thụ điện năng. Phải chăng đã có vấn đề trong khâu khảo sát dự án từ ban đầu dẫn đến công trình đầu tư của nhà nước bị lãng phí, sử dụng không hiệu quả. Hà Nội: Công trình tiền tỷ để “đắp chiếu” (Gia đình & xã hội, 11/8).

Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình tiến hành thanh lý, sắp xếp, bó gọn các đường dây, cáp thông tin để giải quyết vấn nạn "mạng nhện" giữa lòng Thủ đô. Theo ghi nhận của ICTnews, tại tuyến phố Phạm Ngọc Thạch các tuyến cáp của Viettel được treo trên cột điện ở tuyến phố Phạm Ngọc Thạch đã được bó gọn và treo logo của nhà mạng rất rõ ràng. Sáng nay, có thêm logo trên cáp của CMC Telecom. Thanh tra Sở Giao thông Công chính Hà Nội và Công an Phường Kim Liên cũng được tăng cường hỗ trợ cho buổi dẹp "mạng nhện" cáp viễn thông và truyền hình. Cận cảnh Hà Nội dẹp "mạng nhện" cáp viễn thông, truyền hình (ICTnews, 11/8).

Bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2012, đến nay dự án chôn lấp rác thải tại xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) đã ngốn hết 23 tỷ đồng vậy mà đến nay dự án vẫn chỉ như một cái ao làng trong khi đó theo thiết kế cuối năm 2014 dự án phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo Phòng TN &MT huyện Ứng Hòa, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên sau hơn 2 năm khởi công, đến nay dự án mới thực hiện được trên 40% khối lượng công việc với tổng nguồn vốn đã giải ngân là 23 tỷ đồng. Ứng Hòa, Hà Nội: Ngốn 23 tỷ đồng, dự án chôn lấp rác vẫn nham nhở (Đại đoàn kết, 11/8).

Tại buổi làm việc về công tác đảm bảo ATGT dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 và kỷ nhiệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 diễn ra sáng 12-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Taxi không có phù hiệu Hà Nội chở khách từ các địa phương về sẽ được yêu cầu quay trở lại, không được tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, không được giao ca, đi vào sảnh khách sạn, bệnh viện, bến xe... như taxi có phù hiệu Hà Nội”. Đặc biệt, TP cũng chỉ đạo Thanh tra giao thông, Cảnh sát khu vực giám sát chặt chẽ taxi ngoại tỉnh, kiên quyết xử lý taxi dù. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: Các xe taxi ngoại tỉnh không bị cấm, chỉ không được phép hoạt động cố định tại Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 107 doanh nghiệp taxi với hơn 17.000 xe hoạt động và đã ở mức bão hòa. Ngoài ra, có khoảng trên 2.000 xe do các địa phương lân cận cấp phù hiệu đang hoạt động trên địa bàn thành phố, nhiều xe trong số này mang biển số của Hà Nội dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng. Thời gian qua có một số hãng taxi lách bằng cách đăng ký kinh doanh ở các địa phương lân cận nhưng lại đưa về Hà Nội hoạt động, chính lượng taxi này không có bến bãi, không có điểm đỗ điểm dừng, gây mất trật tự nên Hà Nội không thể quản lý được. Cấm taxi các tỉnh hoạt động tại Thủ đô Hà Nội (VOV, 13/8); Taxi ngoại tỉnh không được đón khách ở Hà Nội (An ninh Thủ đô, 13/8); Hà Nội phản hồi chuyện 'cấm taxi ngoại tỉnh' (Thanh niên Online, 14/8); Phó thủ tướng ủng hộ Hà Nội xử lý nghiêm taxi ngoại tỉnh (VnExpress, 14/8).

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng hầm bộ hành. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra quản lý, khai thác hầm đi bộ trên địa bàn thủ đô của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, nhiều hầm  bộ hành vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Thống kê của Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có 17 hầm đi bộ (H1-H17) tại dự án xây dựng đường Vành đai III giai đoạn I đoạn Mai Dịch-Pháp Vân do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, và đã bàn giao 14 hầm cho Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội quản lý và khai thác. Bốn hầm đi bộ (H1-H4) ở dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL 32 đoạn Cầu Diễn-Nhổn chưa thể bàn giao do vẫn còn dang dở. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào vận hành số hầm đi bộ trên gần như không phát huy hiệu quả. Không ít hầm bỏ không, là nơi tập kết hàng hóa, rác thải, khu trú ngụ của các đối tượng xã hội… Tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng hầm bộ hành rất ít. Xung quanh khu vực cửa hầm cỏ mọc um tùm, rác thải, vật liệu xây dựng ngập ngụa. Theo nhận định của Thanh tra Bộ GTVT, các hầm đi bộ chưa được bàn giao đồng loạt để đơn vị quản lý, khai thác do việc thi công kéo dài (chậm tiến độ), nhà thầu thi công không tổ chức bảo vệ, bơm hút nước, dọn vệ sinh khu vực công trình đang thi công. Còn theo đại diện Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội, hầm bộ hành được đầu tư xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, với kinh phí 3-7 tỷ đồng/hầm. Đến nay, nhiều hầm vẫn chưa được bàn giao để khai thác sử dụng vì thủ tục hoặc hạ tầng chưa xong. Việc khai thác hầm, đường đi bộ chưa có hiệu quả có nguyên nhân do thiếu sự đồng bộ trong công tác xây dựng, bàn giao, quản lý, khai thác, sử dụng hầm đương bộ của các cơ quan liên quan. Hầm bộ hành ở Hà Nội: Kém hiệu quả, “chôn” tiền tỷ dưới lòng đất (VietnamPlus, 12/8). Nhiều bất cập trong duy tu, quản lý vỉa hè (An ninh thủ đô, 18/8).

Chiều 12.8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tình trạng xuống cấp, nguy hiểm của các tòa nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội và bàn các giải pháp xây dựng lại. Có nhiều vướng mắc khiến việc cải tạo, xây dựng mới gần như giậm chân tại chỗ và ở nhiều nơi, người dân mặc dù sống trong chung cư thuộc loại cũ nát, nguy hiểm nhất nước nhưng vẫn nhất định không chịu di dời! Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tỏ ra hết sức bức xúc với thực trạng người dân không chịu di dời khỏi các chung cư này. Ông Thảo đề nghị Bộ XD kiến nghị với Chính phủ cho nâng thêm tầng khi thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư cũ trong khu vực nội đô. Trong số 165 nhà chung cư được phân loại cấp nguy hiểm (cấp C, D) cần cải tạo hoặc phá dỡ, hiện mới chỉ có 14 chung cư cũ, xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại, chiếm chưa đầy 10% so với tổng số. Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ còn chưa đạt yêu cầu theo Nghị Quyết 34 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực tham gia cải tạo, xây dựng nhà chung cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Yêu cầu đặt ra trước mắt là tổ chức ngay việc lập, phê duyệt quy hoạch các khu chung cư theo hướng tổng thể, đúng quy hoạch. Quy định về tầng cao các công trình xây dựng cũng cần được xem xét, nghiên cứu lại trên cơ sở khoa học. Bộ Xây dựng  và UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, xin ý kiến trình Chính phủ sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế.Cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội: Thủ đô còn nhem nhuốc đến bao giờ? (Lao động, 13/8); Mới có 10% chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo (Chinhphu.vn, 13/8).

Có 1.162 công trình vi phạm trật tự xây dựng được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2014 là thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết. Lý giải tồn tại này, ông Phan Văn Bảo, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số công trình xây dựng không phép tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện ngoại thành, chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết, UBND huyện chưa ban hành quy định cụ thể về quản lý cấp phép xây dựng trên các địa bàn dân cư nên việc cấp phép còn khó khăn. Mặt khác do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người dân ở khu vực nông thôn chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng đô thị dẫn đến khi xây dựng vẫn theo thói quen tự phát. Còn về số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép chiếm tỷ lệ còn cao và vẫn tập trung chủ yếu tại các quận nội thành vì mật độ dân cư cao, giá trị nhà đất là rất lớn, do đó các chủ đầu tư cố tình xây dựng tối đa diện tích (vượt mật độ và số tầng) để thu được lợi ích kinh tế từ việc vi phạm sai phép. Hà Nội: Công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tăng mạnh (Hải quan, 13/8).  

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố còn hơn 190 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang các cấp chính quyền phối hợp với chủ đầu tư dự án tiếp tục phân loại và tập trung xử lý dứt điểm. Để tránh không để phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo” khi mở đường, rút kinh nghiệm từ tuyến đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, thành phố đã yêu cầu các đơn vị lập dự án phải khảo sát giữa thiết kế và thực địa. Các trường hợp khi giải phóng mặt bằng, diện tích không đủ điều kiện xây dựng, phải lên phương án thu hồi và nằm trong kinh phí dự án. Nếu để phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo” thì chủ dự án và các quận, huyện liên quan phải chịu trách nhiệm. Đến nay, nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội vẫn mọc lên sau hàng loạt những dự án mở đường. Thành phố đã có nhiều cuộc họp và nhiều lần quyết tâm xử lý triệt để, nhưng tình trạng này vẫn chậm thay đổi. Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm nhà “siêu mỏng, siêu méo” (Vietnamplus, 13/8); Hà Nội: Vẫn nóng chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo (Báo Xây dựng, 15/8).

Với đề xuất lắp camera, trước mắt Công an thành phố phối hợp với Sở GTVT Hà Nội xử phạt người điều khiển xe ô tô đi sai làn, lấn vạch. Người điều khiển ô tô vi phạm lần sau sẽ bị phạt nặng hơn đằng trước. Với biện pháp này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung tin rằng ý thức của người tham gia giao thông sẽ tốt hơn. Giám đốc Công an Hà Nội đề xuất lắp camera phạt nguội ô tô đi sai làn (Dân trí điện tử, 14/8). Sẽ lắp camera phạt nguội xe đi sai làn ở thủ đô (Vnexpress, 14/8).

Theo cam kết của chính quyền huyện Đan Phượng: Bắt đầu từ 15/8, tất cả những ngôi nhà xây sai phép trên đất nông nghiệp tại xã Thượng Mỗ huyện Đan Phượng, TP Hà Nội sẽ bị phá bỏ hoàn toàn. UBND huyện Đan Phượng đã huy động lực lượng chức năng phối hợp cùng UBND xã thực hiện việc tháo dỡ, cưỡng chế tháo dỡ những công trình biệt thự nhà vườn xây dựng trái phép trên đất giao cho nông dân phát triển kinh tế V.A.C từ nhiều năm trước. Việc làm này nhận được sự ủng hộ từ nhiều người dân. Tuy nhiên, cách công trình bị cưỡng chế chỉ vài trăm mét, một công trình khác cũng nằm trong danh sách vi phạm vẫn tiến hành xây dựng như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí được gắn thêm một tấm biển mới có tên Công ty TNHH Nông Sinh nhằm che mắt người dân và chính quyền địa phương. Hà Nội: Phá bỏ hoàn toàn nhà xây sai phép trên đất nông nghiệp (vtv.vn, 16/8).

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: Tại 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) từ năm 2011-2013, đã chi 1.000 tỉ đồng để đầu tư, sửa chữa lại hè phố. Tuy nhiên, số tiền bỏ ra chưa tương xứng với chất lượng khi vỉa hè tại 4 quận này vẫn tồn tại tình trạng nhem nhuốc, bừa bãi. Đặc biệt là là tình trạng vỉa hè chưa làm xong đã bị đào bới, xuống cấp. Trước tình trạng nhiều cơ quan chức năng tham gia quản lý, duy tu hè phố dẫn đến việc trách nhiệm khi xảy ra sự việc không rõ ràng, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, nhất quán, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Vỉa hè Hà Nội: Nhiều đầu mối quản lý, trách nhiệm không rõ ràng (VietnamPlus, 15/8); Vỉa hè Hà Nội sẽ không còn bị đào bới bừa bãi? (Petrotime.vn, 15/8).

3. Văn hóa - Y tế - Giáo dục

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã thành điểm nóng. Mọi công tác chống dịch đã được khởi động từ ngày 1/8, đã lập các kíp trực tăng cường giám sát 24/24h tại cảng hàng không Nội Bài, thực hiện giám sát 100% các chuyến bay quốc tế đến VN. Từ ngày 9/8, đã áp dụng tờ khai y tế với chuyến bay đầu tiên từ Ai Cập. 2 máy kiểm tra thân nhiệt đưa vào hoạt động và bên canh đó có 2 máy dự phòng. Thiết lập các phương án thu dung người nghi nhiễm bệnh. Trung tâm đã dự trữ sẵn sàng 1.000 khẩu trang N95 và 10.000 khẩu trang giấy, 500 bộ trang phục phòng hộ, 600 áo choàng phòng hộ, kính nhựa, ủng cao su, găng tay dùng một lần, hóa chất chloramines B, 2 thùng 70kg khử khuẩn, xe cấp cứu với đủ trang phục phòng hộ ứng trực thường xuyên. Đến ngày 11.8, chưa phát hiện hành khách nào có dấu hiệu mắc bệnh. Đặc biệt, gần 300 lao động VN trở về từ Lybia đã được giám sát chặt chẽ và hướng dẫn khai tờ khai y tế. Đối tượng phải khai báo y tế là khách nhập cảnh Việt Nam từ vùng đang có dịch Ebola (như Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria). Ngày 14-8, Sở Y tế Hà Nội đã giao cho 5 bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm virus Ebola (nếu có) là: Bệnh viện Thanh Nhàn, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Hà Đông và Đức Giang. Hiện cả 5 bệnh viện này đều đã chuẩn bị khu cách ly với khoảng 160 giường sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, ngành y tế Thủ đô cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế bao gồm: 261 máy thở các loại, 300 monitor theo dõi bệnh nhân, 350 bơm tiêm điện, 24 máy su páp hỗ trợ thở, thuốc, dịch truyền, hóa chất xử lý môi trường phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc virus Ebola, đồng thời củng cố các đội phòng, chống dịch cơ động của thành phố và các quận/huyện/thị xã. Hà Nội sẵn sàng với đại dịch Ebola (Pháp luật và Xã hội, 12/8). Hà Nội “sôi sục” phòng, chống dịch Ebola (Lao động điện tử, 12/8); Dồn sức chống dịch Ebola nhưng không lơ là dịch bệnh khác (An ninh Thủ đô, 13/8); Hà Nội phân công 5 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Ebola (An ninh thủ đô, 15/8).

Nhiều năm nay, người dân xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn sống trong nỗi hoang mang, lo sợ khi người trong làng từ trẻ đến già cứ “rơi rụng” dần vì căn bệnh ung thư. Hầu hết người dân ở đây đều khẳng định rằng, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư là do nguồn nước bị nhiễm độc, cụ thể do chất thải của các làng nghề ở các xã lân cận đổ dồn ra con sông chảy qua xã, gây nên sự ô nhiễm trầm trọng. Ông Trần Quang Trung (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đồng) xác nhận việc dòng sông chảy qua xã Sơn Đồng bị ô nhiễm do chất thải của các làng nghề tại các xã lân cận là có thật. Chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh lên UBND huyện, thành phố, yêu cầu phải chỉ đạo xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trả lại sự “trong sạch” cho dòng sông cũng như nguồn nước sinh hoạt của dân làng. Tuy nhiên, đến nay các trạm xử lý nước thải chưa được xây dựng, chính quyền xã Sơn Đồng vẫn vận động người dân tự bảo vệ mình bằng cách xây bể hứng nước mưa, lọc nước bằng máy, đá cuội, thạch anh… Làng nằm chờ “thần chết” ung thư giữa lòng Hà Nội (Pháp luật Việt Nam, 11/8).

Ngày 12/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT phối hợp với Đội Kinh tế tổng hợp, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra tại các cơ sở khám bệnh tại Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Quá trình kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân ở Phùng Hưng, lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng lớn các thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số máy móc, thiết bị y tế vi phạm để thẩm định và xử lý theo quy định của pháp luật. Phát hiện nhiều thiết bị y tế không nguồn gốc ở Hà Đông (Tiền phong Online, 12/8); Phát hiện hàng loạt thiết bị y tế không rõ nguồn gốc (Lao động điện tử, 12/8); Hà Nội: Phát hiện thêm nhiều thiết bị y tế không rõ xuất xứ (Pháp luật và Xã hội, 13/8).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t