Xuất hiện sự cố sạt lở đê điều: Ẩn họa khó lường (22:08 27/09/2019)


HNP - Trên tuyến đê sông Hồng và sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phúc Thọ, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều sự cố sạt lở mái đê, bờ sông. Đáng ngại, đang trong mùa mưa bão, các sự cố đê điều xảy ra khó lường, khiến người dân sinh sống dọc các sông trên địa bàn thành phố thấp thỏm lo âu.

Diễn biến sạt lở phức tạp

Thời gian qua, người dân xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) luôn sống trong cảnh phấp phỏng lo âu do khu vực bãi sông Hồng tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở nguy hiểm. Tại vị trí tương ứng từ K94+010 đến K94+500, xã Tự Nhiên, xảy ra 3 cung sạt thẳng đứng không có mái, có chỗ bị hàm ếch, chênh cao từ mặt đất nhìn xuống mặt nước khoảng 6m. Trong đó, cung sạt cách bến đò tự nhiên khoảng 180m về phía hạ lưu kéo dài khoảng 50m, rộng 40m, chiều cao khoảng 5m. Tại vị trí này, người dân địa phương đã đóng cọc tạm để hạn chế sạt lở tiếp diễn. Liền kề khu vực này, xuất hiện 2 cung sạt, cung sạt thứ nhất dài khoảng 40m, rộng 6m, chênh cao 5m, cung sạt thứ 2 cách bến đò Chương Dương khoảng 100m, chiều dài sạt lở khoảng 50m, rộng khoảng 4m, chênh cao khoảng 3m.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, khu vực bờ sông Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã bị sạt lở từ năm 2018. Sự cố này đã được thành phố cho phép triển khai dự án xử lý sự cố từ K94+389 đến K94+889 với phạm vi xử lý chống sạt lở dài 500m. Thế nhưng, theo khảo sát của cơ quan chức năng, khu vực này hiện nay bị xói lở khá phức tạp, nhất là từ thời điểm tháng 2 đến nay, có những vị trí xói sâu khoảng 3,5m.

Liền kề huyện Thường Tín, tuyến đê hữu Hồng thuộc xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) cũng xảy ra xảy ra sự cố sạt lở tương ứng từ K102+170 đến K102+210 kéo dài khoảng 50m, gồm 02 cung sạt. Cung sạt thứ nhất dài 12m, sạt sâu từ 0,3 đến 0,5m; cung sạt thứ 2 dài 11m, sạt sâu từ 0,3 đến 0,5m khiến người dân lo lắng ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản.

Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại một số địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy, hiện tượng sạt lở đê điều ở một số nơi cũng đang diễn ra phức tạp. Trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các xã Viên Nội, Đồng Tiến, Đội Bình (huyện Ứng Hòa) liên tiếp xảy ra sự cố. Đặc biệt, tại xã Đội Bình, mái đê phía hạ lưu tương ứng vị trí từ K79+460 đến K79+650 đã xảy ra 3 vị trí sạt mái. Có chỗ, cung sạt dài 18m, rộng 5m, sâu 0,9m. Đáng lo ngại, chân đê tại các vị trí sạt lở là đầm, ao, mái đê dốc, nền đất yếu, cứ mưa lớn là xuất hiện tình trạng sạt lở.

Tương tự, tuyến đê hữu Đáy đoạn qua xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) xảy ra sự cố sạt trượt mái thượng lưu tại vị trí K12+450 đến K12+480 kéo dài khoảng 30m, bước đầu, chính quyền địa phương đã xử lý bằng cọc tre, đắp đất mái đê ngăn chặn sự cố phát triển. Còn tuyến đê hữu Đáy qua xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ tương ứng từ K3+040 đến K3+070 xảy ra cung sạt dài 30m. Cũng trên tuyến đê nay, trong phạm vi từ K2+900 đến K3+100, mái đê có nhiều cung sạt nhỏ.

Chủ động các biện pháp ứng phó

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều nguyên nhân xảy ra sự cố đê điều trong thời gian qua. Đơn cử, đối với tuyến đê sông Đáy chủ yếu là do nền đất yếu, khi có mưa lớn làm đất bão hòa, làm giảm khả năng kháng cắt của đất gây ra sự cố sạt trượt.

Đối với tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Thường Tín, nguyên nhân gây ra sự cố là do khu vực sạt lở, bờ sông có độ dốc lớn, dòng chảy áp sát bờ. Địa chất khu vực này chủ yếu là cát pha kết cấu rời rạc. Mặt khác, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn làm đất bão hòa, làm giảm khả năng kháng cắt của đất, kết hợp với mực nước sông thay đổi lên xuống gây sạt lở bờ sông. Ở phía đối diện khu vực sạt lở thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được xây dựng 5 kè mỏ hàn làm dòng chủ lưu chuyển dần sang phía bờ hữu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở trên.

Còn nguyên nhân sự cố sạt lở đê hữu Hồng ở xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua gây mưa lớn làm đất bão hòa, làm giảm khả năng kháng cắt của đất, kết hợp với chênh cao giữa mặt đất và chân đê lớn gây ra sự cố sạt trượt.

Qua tìm hiểu được biết, đối với các sự cố đê điều trên, các sở, ngành thành phố đang tích cực triển khai các phương án để sớm khắc phục hậu quả; đồng thời, giao chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động sơ tán tài sản và người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm; tiếp tục thực hiện việc cảnh báo, cắm biển báo sự cố công trình, hạn chế người dân qua lại tại khu vực sự cố; thông tin tuyên truyền cho người dân khu vực biết để phòng tránh.

Cùng với đó, các địa phương có công trình đê điều bị sự cố đang phối hợp chặt chẽ với Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội trong việc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Trường hợp phát hiện tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng tài sản của nhân dân, theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phải báo ngay về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng phương án tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ” bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê, sẵn sàng xử lý khi sự cố phát triển, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của sự cố đê điều.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t