Hà Nội: Nhiều người dân được thụ hưởng từ Dự án Lifsap (13:41 15/05/2018)


HNP - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát kết quả thực hiện Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm TP Hà Nội (Dự án Lifsap). Dự án này được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tiểu hợp phần khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong các vùng ưu tiên (Chăn nuôi áp dụng VietGap), đến nay, tại 4 huyện thực hiện áp dụng chăn nuôi VietGap của dự án là Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai, Thường Tín đã hình thành 90 nhóm liên kết hợp tác sản xuất chăn nuôi với gần 1.800 hộ chăn nuôi tham gia. Các hộ tham gia dự án thường xuyên được tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất chăn nuôi VietGap như: Chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống thuốc thú y, ghi chép sổ sách, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, được dự án hỗ trợ thiết bị phòng chống dịch bệnh, dụng cụ chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí cải tạo sửa chữa chuồng trại, công trình xử lý chất thải để đáp ứng theo yêu cầu VietGap. Thông qua việc thành các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết được các hộ chăn nuôi cùng chung đầu vào đầu ra. Dự án Lifsap Hà Nội đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường do giảm được chi phí sản xuất và đã tạo ra một nguồn cung cấp sản phẩm ổn định về số lượng, chủng loại cho thị trường. Dự án này cũng đã hỗ trợ được 1.029 công trình xử lý chất thải chăn nuôi.

Tương tự, đối với tiểu hợp phần nâng cấp các lò mổ và các chợ thực phẩm: Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển chăn nuôi áp dụng GAP, dự án đã hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ theo hướng có gắn kết với các vùng GAP của dự án và các chợ thực phẩm được nâng cấp, thí điểm hình thành các kênh sản xuất tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, hay còn gọi là sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Với hoạt động giết mổ, đến nay, trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ kinh phí nâng cấp 9 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, trong đó, có 6 cơ sở giết mổ lợn với công suất giết mổ theo thiết kế trên 50 lợn/ngày và 3 cơ sở giết mổ gia cầm với công suất thiết kế là 1000 con/ngày. Hỗ trợ để cải thiện trước mắt điều kiện vệ sinh thú y cho 20 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ, công suất giết mổ từ 3-30 con lợn/ngày cải tạo hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ việc giết mổ để cải thiện trước mắt điều kiện vệ sinh thú y và tăng cường công tác quản lý.

Với hoạt động nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống: Đến nay, dự án đã tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng của 36 khu chợ buôn bán thực phẩm tươi sống trên địa bàn các huyện ngoại thành. Các chợ được lựa chọn là những chợ đảm bảo các tiêu chí: Tiêu thụ thịt của các hộ chăn nuôi thuộc vùng GAP, có sản lượng tiêu thụ lớn, là trung tâm của vùng, có số lượng người tiêu thụ đông, có sức ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, dự án đã quan tâm đến việc xử lý chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện điều kiện kinh doanh tại các khu chợ, đạt tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người dân hưởng ứng, phấn khởi tham gia.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t