Hà Nội chú trọng công tác giải quyết việc làm cho người lao động (15:28 12/02/2018)


HNP - Trong năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Phiên giao dịch việc làm tại huyện Ứng Hòa


Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Thành phố đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề, quy chế chuyên môn, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Lao động -TBXH Hà Nội, tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 152.000 lao động, đạt 100% kế hoạch. Ước tỉ lệ thất nghiệp chung năm 2017 là 2,44%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,12%, đạt mục tiêu thành phố đặt ra. Để đạt được kết quả trên, trong năm, Sở LĐTBXH đã chủ động tham mưu và phối hợp triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, chú trọng đẩy mạnh chất lượng hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm, xây dựng hệ thống sàn giao dịch vệ tinh ở các quận, huyện nhằm kết nối giữa các sàn giao dịch, cung cấp về thông tin cung, cầu thị trường lao động; triển khai thông tin về thị trường lao động trên Website của Sở và các đơn vị tuyển dụng, tạo điều kiện kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Sở Lao động-TBXH đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thu thập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2017; Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020; Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

Trong năm 2017, toàn thành phố đã giải quyết cho 3.500 lượt hộ gia đình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 1.171 tỷ đồng, tạo việc làm cho 41.000 lao động; các đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đưa 3.100 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Sở Lao động - TBXH cũng đã tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; điều tra nhu cầu sử dụng lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2017. Chấp thuận 4.580 vị trí công việc dự kiến sử dụng lao động người nước ngoài, cấp và cấp lại 7.521 giấy phép lao động cho người nước ngoài, miễn cấp giấy phép lao động cho 825 lao động nước ngoài.

Công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững, học nghề để tạo việc làm tại chỗ, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn cũng là một nhóm giải pháp quan trọng. Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Theo đó, thành phố đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề và thị trường lao động. Thực tế là thời gian qua, công tác đào tạo đã được các quận, huyện triển khai khá bài bản, chất lượng đào tạo được chú trọng. Từ góc độ doanh nghiệp thì các đơn vị đã quan tâm đến công tác đào tạo, gắn với việc tiếp nhận lao động qua đào tạo; với bà con nông dân đây là người được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước, sau khóa đào tạo có cơ hội chuyển đổi ngành nghề và nâng cao thu nhập tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%.

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức tư vấn: trực tiếp, qua điện thoại, trực tuyến qua internet... để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật về ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài Thành phố, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài Thành phố thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học, tư vấn, giới thiệu việc làm… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm, cung cấp thông tin về cơ sở dạy nghề, các nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng lao động.

Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt là có cơ chế, thu hút đầu tư trên địa bàn hợp lý, tăng cường công tác liên kết, giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm...Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Với những giải pháp trên, năm 2018, toàn thành phố phấn đấu giải quyết việc làm cho 152.000 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,5%.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t