Mô hình "Sạch đồng ruộng" ở Hà Nội: Hiệu quả, thiết thực, sức lan tỏa rộng (15:43 20/10/2017)


HNP - Sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình "Sạch đồng ruộng" do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội phát động đã huy động sự vào cuộc, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân. Vì vậy, tình trạng vứt chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã giảm hẳn, góp phần làm cho Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Thay đổi thói quen
 
Lâu nay, việc vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, kênh mương ở các cánh đồng đã trở thành thói quen của nhiều người dân ở huyện Quốc Oai. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, bởi dư lượng còn sót lại trong các vỏ, bao bì đựng thuốc mà còn có thể gây ra tai nạn cho người dân khi đi làm đồng. Triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quốc Oai chỉ đạo làm điểm tại 4 xã (Nghĩa Hương, Phượng Cách, Yên Sơn, Ngọc Liệp) nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tạo thói quen tốt trong canh tác cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Tại xã Ngọc Liệp, hưởng ứng phong trào, chị em phụ nữ đã tích cực ra quân thu gom bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng. Sau 1 năm thực hiện mô hình "Sạch ruộng đồng", chị em ở địa phương này đã thu gom được 900kg vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật. Đây đã trở thành việc làm thường xuyên của chị em trong xã, mỗi khi đi phun thuốc trừ sâu bảo vệ mùa màng đều thu gom vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật đem đi tiêu hủy đúng quy định.
 
Không chỉ thu gom chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chị em phụ nữ ở huyện Quốc Oai còn tích cực làm sạch đồng ruộng như: Thu gom cỏ dại, thu gom ốc bươu vàng, nạo vét kênh mương nội đồng. Nhờ vậy, ruộng đồng bị ốc bươu vàng gây hại đã giảm đáng kể. Trên nhiều cánh đồng ở huyện Quốc Oai không còn cảnh bao bì, túi ni lông, chai lọ thuốc bảo vệ vứt bừa bãi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng động và gây ách tắc dòng chảy kênh mương.
 
Hưởng ứng phong trào "Sạch đồng ruộng", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì cũng đã có nhiều hoạt động thi đua nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường. Ngoài tích cực tuyên truyền về tác hại của tàn dư của vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, các cấp hội phụ nữ ở địa phương này đã tổ chức ký cam kết bảo đảm vệ sinh đồng ruộng. Toàn huyện đã huy động 2 đợt tổng vệ sinh với hàng nghìn lượt phụ nữ tham gia. Thông qua nhiều hoạt động, nhiều chị em phụ nữ huyện Ba Vì đã nhận thức rõ tác hại của bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như túi ni lông, công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Chị Nguyễn Thị Thanh, xã Vật Lại cho biết, đây là mô hình cần tiếp tục được nhân rộng, duy trì, phát huy góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí.
 
Không riêng huyện Quốc Oai, Ba Vì, chị em phụ nữ ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố tham gia tích cực triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng" đem lại hiệu ứng tích cực. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, có 18 huyện, thị xã và quận Long Biên đã phát động ra quân làm sạch ruộng đồng tại 33 xã làm điểm. Đến nay, toàn thành phố có 243 xã đã triển khai thực hiện mô hình "Sạch đồng ruộng"; 100% cán bộ, hội viên canh tác trên đồng ruộng cam kết đảm bảo việc sử dụng thuốc bảo vệ theo quy định; vận động cán bộ, hội viên tham gia nạo vét, khơi thông hơn 2.900 mét kênh mương; thu gom hơn 200 tấn rác thải, túi ni lông, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng...
 
Nhân rộng mô hình
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết, sau 1 năm triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng" đã huy động được sự vào cuộc, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân. Người dân đã có ý thức hơn sau mỗi lần đi phun thuốc trừ sâu, bón phân cho lúa... Các chất thải đều được để đúng nơi quy định và tiến hành xử lý, không còn nhiều những chiếc túi ni lông bay phất phơ hay vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng; kênh mương được khơi thông sạch sẽ. Đáng nói, nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của người dân ngày càng được nâng cao... 
 
Có thể nói, hiệu quả của mô hình “Sạch đồng ruộng” không những đem lại năng suất, chất lượng, cung cấp những sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà một điều hết sức quan trọng là mô hình có sức lan tỏa được các cấp, các ngành đánh giá cao. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong việc thực hiện các tiêu chí và tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bảo vệ môi trường và xây dựng đô thị văn minh.
 
Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng" vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Kinh phí thực hiện mô hình không có, việc vận chuyển và xử lý chất thải nông nghiệp chưa đảm bảo quy trình, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế...
 
Để tiếp tục nhân rộng mô hình "Sạch đồng ruộng", thời gian tới, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng đến 100% xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, các cấp hội phụ nữ cần lập kế hoạch, lộ trình cụ thể; chủ động tham mưu với cấp ủy, làm việc với UBND các cấp để đề xuất, kiến nghị tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí nhằm tiếp tục triển khai xây dựng, duy trì mô hình; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội làm sạch đồng ruộng. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chăn nuôi an toàn... cũng phải được triển khai đồng bộ đến được với từng hội viên, người dân.

Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t