Chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy nông nghiệp Hà Nội phát triển (14:10 22/08/2017)


HNP - Trong hơn bốn năm qua, nhờ những quyết sách đúng đắn của Thành phố, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt của Hà Nội phát triển khá bền vững. Một trong những cách làm hiệu quả là thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm theo chuỗi


Xác định hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay là phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như tập quán chăn nuôi tại các địa phương để tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền, an toàn, có nguồn gốc, từ năm 2013 đến nay, Thành phố Hà Nội đã tập trung mạnh trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn liên kết chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành, phát triển 21 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm (gồm 8 chuỗi liên kết về lợn thịt; 8 chuỗi liên kết về gia cầm; 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm; 1 chuỗi liên kết về bò sữa). 
 
Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học... Riêng năm 2016, hình thành thêm 3 chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học. Các huyện, thị xã đã tích cực gắn chăn nuôi với giết mổ và tiêu thụ ngay tại địa phương. Tổ chức tìm kiếm các doanh nghiệp, ký tiêu thụ sản phẩm để bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành như: tại xã Thọ Lộc của huyện Phúc Thọ, xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai, xã Vân Tảo huyện Thường Tín.
 
Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392 nghìn quả trứng; 22 tấn thịt lợn; 11 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 100 tấn sữa. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nhờ các mắt xích hoạt động hiệu quả mà chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Như tại cơ sở của Hợp tác xã Hoàng Long, chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm do hợp tác xã xây dựng được, mang thương hiệu AZ đã có mặt trên thị trường từ cuối năm 2016. AZ là sản phẩm thịt lợn sinh học, có chất lượng thơm ngon, không hàm lượng kháng sinh, không chất tạo nạc nên được người tiêu dùng đón nhận. Cho dù mức giá của nó không hề rẻ như những sản phẩm cùng loại. Trải qua đợt bão giá vừa qua, sản phẩm của Hoàng Long vẫn phát triển ổn định. Theo đánh giá của ban lãnh đạo đơn vị, có được thành công đó, là nhờ có chuỗi liên kết. Mọi kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của đơn vị đều đã được tính toán nên biến động của thị trường cũng không ảnh hưởng quá lớn.
 
Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam đã thay đổi cách nghĩ cách làm, cũng nhờ có chuỗi liên kết. Từ đó, sản phẩm rau của bà con trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Lĩnh Nam, có mức giá khá ổn định và cao hơn thị trường từ 15 đến 20%. 
 
Tại huyện Mỹ Đức, nhận thấy hiệu quả từ việc phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm công ty TNHH xuất nhập khẩu nấm ăn Thanh Cao huyện Mỹ Đức đã xây dựng nhà xưởng khép kín, vô trùng. Hệ thống tự động, điều khiển toàn bộ nhiệt độ, độ ẩm ở mức tối ưu nhất, giúp cây nấm có thể phát triển quanh năm. Khác với trồng nấu truyền thống việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, 1 kg nguyên liệu sẽ cho 1kg nấm. Nhờ vậy, mà chỉ với 5.000m2 nhà xưởng, mỗi năm, Công ty này có thể cung cấp ra thị trường từ 400 đến 500 tấn nấm, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 20 lần trồng lúa, gấp 10 lần trồng rau...
 
Bên cạnh kết quả đạt được việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hiện đang còn nhiều bất cập đòi hỏi phải có những thay đổi cùng sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và người sản xuất, người tiêu dùng. Chênh lệch giữa giá thị trường và cổng trại còn cao, người chăn nuôi thường bị các thương lái ép giá nên chưa khuyến khích được các đối tượng này quản lý tốt an toàn thực phẩm từ chăn nuôi. Người sản xuất rau an toàn vẫn khó lòng cạnh tranh với rau truyền thống khi vẫn phải đem ra chợ tiêu thụ. 
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, thành phố sẽ tích cực kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ với người sản xuất nông sản ngày càng gần nhau hơn bằng nhiều hình thức. Nhằm giải quyết bài toán “đầu ra” cho nông sản và an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, thành phố sẽ tập trung phát triển các hình thức kinh tế hợp tác (Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Liên minh Hợp tác xã...) đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới.
 
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 152.000 doanh nghiệp, trong đó, có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số doanh nghiệp đã tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t