Công tác quản lý, vận hành hồ chứa: Tồn tại những bất cập (15:04 05/07/2017)


HNP - Lợi ích kinh tế, ý nghĩa xã hội mà các hồ chứa mang lại là rất lớn, khẳng định được vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn cuộc sống người dân và sản xuất. Tuy nhiên, qua quá trình vận hành và sử dụng hồ chứa trên địa bàn TP Hà Nội do lịch sử để lại đang bộc lộ khiếm khuyết, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nói chung.

Lợi ích to lớn từ các hồ chứa nước

Việc đắp đập trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp có từ rất lâu. Các hồ chứa được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất đối việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào khai thác 104 hồ chứa nước thủy lợi lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế khoảng 177 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho trên 18.000ha sản xuất nông nghiệp hằng năm…  

Qua rà soát, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đang quản lý 29 hồ chứa nước lớn (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi quản lý 8 hồ chứa, Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông tích quản lý 17 hồ chứa, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quản lý 4 hồ chứa). Trong đó có 6 hồ có dung tích 5 triệu m3 gồm: Đồng Mô (thị xã Sơn Tây dung tích 61,9 triệu m3), Suối Hai (huyện Ba Vì dung tích 46,8 triệu m3), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức dung tích 11,9 triệu m3), Đồng Sương (huyện Chương Mỹ dung tích 10,5 triệu m3), Văn Sơn (huyện Chương Mỹ dung tích 7 triệu m3), Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây dung tích 6,2 triệu m3). Các hồ chứa còn lại (75 hồ chứa nhỏ) do các quận, huyện, thị xã đang quản lý.

Có thể nói, với số lượng lớn hồ chứa nước hiện có trên địa bàn thành phố đã và đang phục vụ đa mục tiêu, đóng vai trò tích cực trong phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai và một số lợi ích khác như điều hòa khí hậu, lưu thông thủy lợi, chống ô nhiễm, cung cấp nước sinh hoạt… Theo nhận xét của các chuyên gia ngành Thủy lợi, hiệu quả tổng hợp mà các hồ chứa nước đem lại là rất lớn. Điều kiện tự nhiên này đã tạo thuận lợi trong xây dựng, khai thác các hồ chứa nước, đáp ứng các nhu cầu về nước cho dân sinh và các ngành kinh tế quốc dân. Có lẽ lợi ích từ các hồ nước rất lớn, có lẽ không cần phải bàn thêm.

Nhưng còn đó những bất cập

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các hồ chứa nước được xây dựng từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Sau hơn 40 năm khai thác, sử dụng nên nhiều hạng mục như đập đất, tràn, công lấy nước của các hồ chứa đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình. Nhiều hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa, bị sạt, rò rỉ, tổn thất lượng nước lớn, đa số các hồ chưa có thiết bị quan trắc. Công tác bảo trì, duy tu bảo dưỡng đập được các chủ đập thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành. Tuy nhiên do điều kiện ngân sách bố trí cho công tác sửa chữa hồ, đập còn khó khăn nên còn một số hồ chứa chưa được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đầy đủ để đáp ứng yêu cầu vận hành phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Điều đáng lo ngại nhất là công tác quản lý còn bất cập. Điều này thể hiện ở chỗ, năng lực quản lý, vận hành của các chủ đập là UBND các huyện, thị xã còn hạn chế, chưa đáp ứng theo quy định. Nhiều hồ chứa chưa được lập và ban hành quy trình vận hành; nhiều thiết bị công trình đã bị xuống cấp dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, vận hành; công tác duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí; hiện tượng lấn chiếm lòng hồ còn diễn ra và chưa được chính quyền cơ sở xử lý triệt để. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống công trình thủy lợi bị chia cắt, tạo ra các khu đất xen kẹt, khiến hệ thống tưới, tiêu trong khu vực hoạt động hiệu suất không cao, gây nên úng, ngập cục bộ khi có mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục vụ sản xuất của các công trình thủy lợi. Ngoài ra, tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi vẫn là vấn đề nhức nhối…

Để cải thiện công tác quản lý, vận hành hồ chứa nước, trước mắt, cần nghiên cứu bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, sổ tay hướng dẫn quản lý an toàn đập để duy định hướng dẫn thực hiện như: Tiêu chuẩn tính toán và đánh giá tác động do vỡ đập; tiêu chuẩn hướng dẫn lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập; tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đập, kiểm địch chất lượng đập. Cùng với đó, bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, phục vụ công tác quản lý khai thác và chỉ đạo bảo đảm an toàn đập của các cấp quản lý. Từng bước trang bị các hệ thống giám sát, quản lý tự động, hệ thống giám sát, cảnh báo lũ hạ du cho các hồ chứa lớn để hỗ trợ việc quản lý, vận hành và ra quyết định chỉ đạo trong những trường hợp ứng phó khẩn cấp. Bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hồ chứa đã xuống cấp hư hỏng, cắm mốc bảo vệ hành lang lòng hồ, đập dâng…

Như vậy, quy trình vận hành hồ, đập ở đây phải mang tính hệ thống và đáp ứng yêu cầu dùng nước trong mùa khô và giảm nhẹ lũ cho hạ du trong mùa lũ. Quy trình đó cũng phải tính toán đến nhu cầu sử dụng nước của các ngành và nước cho hệ sinh thái như giao thông thuỷ nội địa, nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, duy trì đời sống của hệ thủy sinh...


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t