Quận Long Biên: Nhiều chính sách khuyến khích xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn (22:28 16/06/2017)


HNP - Trong những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quận Long Biên tập trung chỉ đạo quyết liệt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn được tiếp cận với sản phẩm rau, quả, thực phẩm an toàn, UBND quận đã khuyến khích xây dựng chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau, quả, thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Quận giai đoạn 2017-2020.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn quận Long Biên có 1.236ha đất nông nghiệp, trong đó, 594,0ha trong đồng và 642,0ha ngoài bãi. Đất trồng cây ăn quả có khoảng 630ha, trong đó, vùng quả được công nhận vùng quả an toàn 240ha; đất trồng rau 85ha, trong đó, 18ha rau an toàn; 120ha đất nuôi trồng thủy sản; đất trồng cây khác 220ha; còn lại đất sản xuất kém hiệu quả, hoang hóa. Trên địa bàn quận có tổng số khoảng 4.000 cơ sở tham gia trồng trọt, trong đó, số cơ sở sản xuất có sản phẩm đưa ra thị trường trên 1.300 cơ sở. Trong số 1.300 cơ sở này hiện đã có 1.128 cơ sở (bằng 86,8%) đã ký cam kết theo Thông tư số 51/TT-BNN&PTNT về Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

Về chăn nuôi, toàn quận có 720 cơ sở chăn nuôi; trong đó, chăn nuôi có sản phẩm bán ra thị trường khoảng 450 cơ sở (có 48 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, với gần 400 con; 308 cơ sở chăn nuôi lợn với gần 4.000 con; 94 cơ sở chăn nuôi gia cầm với gần 8.000 con). Trong 450 cơ sở hiện đã có 100% cơ sở ký cam kết theo thông tư số 51/TT-BNN&PTNT.

Về mạng lưới tiêu thụ, quận Long Biên hiện có 28 chợ dân sinh, 3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn, 07 siêu thị với gần 1.200 cơ sở chế biến, kinh doanh, trong đó, thuộc lĩnh vực nông nghiệp: 604 cơ sở; lĩnh vực công thương: 596 cơ sở. Trong 1.200 cơ sở kinh doanh hiện có 3 trung tâm thương mại, 4 siêu thị và khoảng 42 cơ sở đăng ký kinh doanh rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn lại các cơ sở kinh doanh không có bao nhãn, không niêm yết giá.

Thực tế cho thấy sản lượng rau, quả, thực phẩm được sản xuất trên địa bàn quận để phục vụ cho nhân dân tại quận chỉ đáp ứng từ 6 - 8%, số rau, quả, thực phẩm còn lại được đưa vào từ các quận, huyện, tỉnh thành khác và nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới. Tuy nhu cầu tiêu dùng là rất lớn, nhưng những cơ sở kinh doanh sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quận hiện còn ít chưa thuận tiện cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh trong chợ chủ yếu là các cơ sở chưa có bao nhãn, không niêm yết giá do đó người tiêu dùng khó phân biệt giữa sản phẩm an toàn và không an toàn. Đặc biệt khi xác định được sản xuất không an toàn việc xử lý theo quy định gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, trong năm 2017, quận Long Biên đặt mục tiêu, toàn quận có ít nhất 60 cửa hàng kinh doanh rau, quả, thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc. Đến năm 2020, toàn quận có ít nhất 150 cửa hàng, mỗi phường có ít nhất 6 cửa hàng kinh doanh rau, quả, thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc. Các cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn phải đáp ứng được tiêu chí: Sản phẩm mua vào phải rõ nguồn gốc xuất xứ; sản phẩm bán ra phải được bao gói, có tem, nhãn, mác, túi đựng rõ nguồn gốc hoặc rõ cơ sở bán. Theo đó, quận sẽ có chính sách hỗ trợ xây dựng các cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn là các cơ sở là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh rau, quả, thực phẩm tươi sống mới mở trong giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn quận.

Hàng năm, UBND quận Long Biên sẽ tổ chức tuyên truyền công khai những cơ sở kinh doanh sản phẩm an toàn rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, xây dựng các phóng sự để quảng bá hình ảnh, tổ chức tuyên truyền đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện hỗ trợ các cửa hàng, quận sẽ có cơ chế hỗ trợ 50% tiền thuê cửa hàng năm thứ nhất; mức tối đa không quá 6 triệu đồng/cửa hàng/năm; Hỗ trợ 70% kinh phí lắp đặt mới các biểu gian hàng, biển quảng bá hình ảnh; mức tối đa không quá 2 triệu đồng/gian hàng.

Để triển khai thực hiện mục tiêu trên, UBND quận sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết các nội dung để giúp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuận tiện trong việc đăng ký, mở các cửa hàng và được nhận các cơ chế hỗ trợ của Thành phố, Quận theo quy định. Đồng thời, thành lập tổ thẩm định các cơ sở và tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để các doanh nghiệp, nhân dân biết đăng ký tham gia mở các cửa hàng kinh doanh rau, quả, sản phẩm rõ nguồn gốc. Ngoài ra, UBND quận cũng sẽ thành lập tổ kiểm tra liên ngành của Quận để thực hiện kiểm tra định kỳ, bất thường về việc chấp hành các quy định. Trường hợp có vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc hình thành các cửa hàng kinh doanh rau, quả, thực phẩm rõ nguồn gốc trên địa bàn quận sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn được những rau, quả, thực phẩm an toàn góp phần bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn Quận. Ngoài ra, cũng giúp xây dựng được thương hiệu, có những địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn sẽ thu hút được lượng khách lớn đến mua hàng tại quận.


Diệp Liên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t