Từ đầu năm 2000, nghiên cứu khảo cổ học tại Di chỉ khảo cổ học Bãi Hàm Rồng đã khẳng định các dấu tích sản xuất của làng nghề gốm sứ thủ công tại Kim Lan với những lò gốm được hình thành ít nhất từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) với 2 loại: Phổ biến, thông dụng như bát trang trí bằng khuôn in trong hoặc không trang trí có men trắng hoặc men ngọc và loại cao cấp như bát vẽ trang trí màu nâu sắt hoặc màu lam cobalt... và kéo dài sang thời Hậu Lê (thế kỷ XVII- XVIII). Khám phá khảo cổ học còn cho thấy Kim Lan có thể có những lò sản xuất gốm hoa lam phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm của lò gốm ở Kim Lan không những đáp ứng thị trường trong nước mà đã từng xuất ra các thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Indonesia và Philipines) qua thương cảng Vân Đồn từ thế kỷ XIV.
Hiện nay, các sản phẩm gốm sứ Kim Lan tập trung ở dòng sản phẩm gia dụng với các mặt hàng chính là bát, đĩa, chén, bình hoa…; Gốm kiến trúc như Ngói trang trí, con tiện lan can; Các sản phẩm phục vụ thờ cúng như bát hương và bước đầu phát triển các sản phẩm mỹ nghệ như tranh sứ…
Nét đặc trưng của Làng nghề gốm sứ Kim Lan đó là yếu tố truyền thống vẫn được gìn giữ, các sản phẩm gốm thủ công được sử dụng lò hộp cao, đốt bằng than, mồi lửa bằng củi. So với các lò ga hiện được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi khác thì lò hộp khó quản lý về nhiệt độ nung, thời gian nung lâu, không tạo được các sản phẩm có chất lượng đồng đều và màu men sáng bóng, tỷ lệ hư hỏng cao nhưng ngược lại giữ được đặc tính thủ công trong sản phẩm, sản phẩm thô ráp, màu men ngà và đặc biệt là duy trì được kỹ thuật nung bằng lò hộp, loại lò chỉ có duy nhất ở Kim Lan và Bát Tràng không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn trên toàn Châu Á. Đây chính là điểm đặc thù khác biệt và riêng có ở Kim Lan.
Điểm đặc biệt của gốm Kim Lan là các sản phẩm không quá cầu kỳ về họa tiết, tuy đơn giản nhưng tạo được sự tiện dụng, thoải mái cho người sử dụng. Xác định độ an toàn của sản phẩm gốm sứ được quyết định bởi chất liệu được sử dụng làm men và vẽ hoa văn cho sản phẩm, người làm gốm Kim Lan vẫn làm theo cách truyền thống, sử dụng đá vôi và tro củi để làm men tráng sản phẩm gốm, không sử dụng oxit đồng để vẽ hoa văn cho sản phẩm của mình như các sản phẩm cùng loại khác. Tuy nhiên, để đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài nước cũng như phục vụ nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, người làm gốm Kim Lan đã vẽ nhiều loại hoa văn có kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại.
Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế của sản phẩm gốm sứ Kim Lan trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; Tạo điều kiện cho việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; gia tăng giá trị ngành du lịch, hình thành một trung tâm du lịch kết hợp Bát Tràng - Kim Lan với các chương trình du lịch trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử gốm sứ và mua sắm sản phẩm gốm sứ; chuyển dịch cơ cấu lao động; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả và đảm bảo môi trường bền vững; Đồng thời bảo tồn và phát triển bền vững một nghề thủ công truyền thống lâu đời tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Từ năm 2012, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gốm sứ Kim Lan". Sau hai năm triển khai và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết, ngày 26 tháng 12 năm 2013 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận số 217258 bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” cho sản phẩm gốm sứ của xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” được bảo hộ đi vào vận hành sẽ khôi phục và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của một loại hình sản phẩm, một nghề, một làng thủ công truyền thống. Sẽ tăng khả năng nhận biết và khẳng định danh tiếng, chất lượng cho sản phẩm. Đồng thời là cơ sở để thống nhất một số quy chuẩn trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và tính đồng đều của sản phẩm. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh sẽ tăng cường được khả năng tiếp cận thị trường cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, người tiêu dùng được chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng.
Nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” được bảo hộ là công cụ hữu hiệu và là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với sản phẩm gốm sứ của địa phương mình.
Đây là cơ hội để người dân làng nghề củng cố niềm tin vào hoạt động sinh kế dựa vào nghề truyền thống trên cơ sở: Được pháp luật bảo vệ khi nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” bị xâm phạm; được giảm thiểu và hạn chế rủi ro trong sản xuất cũng như tiêu thụ trên cơ sở chuẩn hóa, thống nhất về chất lượng sản phẩm; được tạo điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại, hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời đây cũng là một thách thực rất lớn khi chúng ta vừa phải bảo tồn vừa phải phát triển sản phẩm truyền thống lâu đời trong có chế thị trường hiện nay.