Các đại biểu dự Hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố phục vụ phát triển khoa học công nghệ
Trình bày tóm tắt 2 dự thảo Nghị quyết "quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" và "Quy định cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội", Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết: Việc ban hành hai nghị quyết này là rất quan trọng đối với Hà Nội trong giai đoạn mới, nhằm cụ thể hóa những chính sách và tháo gỡ tất cả điểm nghẽn trước đây liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp của Hà Nội.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn trình bày dự thảo
Trong đó, Nghị quyết về chính sách đặc thù để phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo có 5 điểm nhấn rất quan trọng là: Cơ chế về tuyển chọn, đặt hàng; Chuyển giao không bồi hoàn các kết quả tài sản và sản phẩm, trao quyền tự quyết cho người chủ trì và cơ quan chủ trì; Ưu đãi về tài chính, cơ chế về thuế, phí; Thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học để làm việc ở các cơ sở của Thành phố; Kinh phí, các nhiệm vụ liên quan đến các định mức, dự toán.
Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố có 3 điểm nhấn về: Đầu tư hỗ trợ hình thành, quản lý và vận hành hạ tầng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ trong các hoạt động chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Góp ý vào các dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, hai nghị quyết không chỉ cụ thể hóa Luật Thủ đô mà còn là những căn cứ quan trọng đáp ứng đòi hỏi thực tiễn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những điểm nghẽn về: Đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực… trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được hai nghị quyết tháo gỡ nhờ những cơ chế chính sách mới.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật phát biểu
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật cũng cho rằng, việc ban hành hai nghị quyết sẽ mở ra cơ hội mới, thuận lợi mới về cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, cho phép vận dụng tốt hơn các cơ chế đặc thù để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc.
PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế phân tích, Nghị quyết về "Quy định cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sang sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội" đã quy định chi tiết các quy định khoản 1, điểm d khoản 3 và khoản 5 Điều 23 của Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là các quy định cốt lõi liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương thức khoán, chuyển giao không bồi hoàn và cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô.
PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế phát biểu
Theo PGS.TS Bùi Thị An, hiện nay, chúng ta đã có các lĩnh vực trọng điểm nhưng lại chưa rõ quy trình xác định danh mục nhiệm vụ trọng điểm. Do đó, Ban soạn thảo nên xây dựng tiêu chí rõ như tính cấp thiết của dự thảo với Hà Nội, tính liên ngành, kết nối doanh nghiệp ra thị trường... để tránh tiêu cực và không hiệu quả.
Dự thảo nên bổ sung thêm chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và của Hà Nội đối với các doanh nghiệp, tài chính cho khoa học công nghệ để thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trọng điểm… Bên cạnh đó, nên có phương thức khoán sản phẩm đầu ra một cách linh hoạt sẽ hiệu quả hơn.
Đóng góp ý kiến góp ý tại Hội nghị, ông Mai Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là một yêu cầu tất yếu, thể hiện tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ tiên tiến, năng động.
Tuy nhiên, để cơ chế này phát huy hiệu quả mà không trở thành kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, dự thảo đã bổ sung một số nội dung bảo đảm tính chặt chẽ như: Quy định rõ tiêu chí rủi ro được chấp nhận trong nghiên cứu; cơ chế giám sát, đánh giá giữa kỳ và hậu kiểm các dự án; trách nhiệm của hội đồng khoa học, cơ quan chủ trì và người đứng đầu tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương ghi nhận, các ý kiến đã thể hiện tinh thần đồng hành cùng với Mặt trận và Thành phố, tham gia trực tiếp vào những vấn đề rất quan trọng mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và triển khai cụ thể hóa những nội dung nghị quyết mới của Trung ương, Thành phố.
Đồng chí cũng đánh giá cao Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội và đề nghị Sở tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, lưu ý phân rõ nhóm, lĩnh vực từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Các sở ngành liên quan, cùng Mặt trận và các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường những thông tin, công khai nội dung dự thảo để thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và các chuyên gia, người có đam mê với lĩnh vực này.
Ngoài ra, tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết, trong đó, chú trọng giám sát chính đối tượng được thụ hưởng; phối hợp để nâng cao tính hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo…