Hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương (15:36 25/06/2024)


HNP - Chiều 25/6, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chủ trì Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ đầu năm đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước về công thương được chỉ đạo tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu Thành phố giao. Điểm sáng trong lĩnh vực công thương của Thành phố là ước tính 5 tháng đầu năm, Chỉ số IIP tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,7%; khai khoáng giảm 7,3%. Một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ, như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,4%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 11,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,1%. 
 
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 336,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 215,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 10%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 43 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% và tăng 12,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% và tăng 48,9%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 67,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 4,3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5, giảm 0,13% so với tháng trước, tăng 0,59% so với tháng 12/2023 và tăng 5,43% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 5,31% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
 
Về xuất nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 7,16 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 4,19 tỷ USD, tăng 10,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,97 tỷ USD, tăng 3,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 15,98 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 13,35 tỷ USD, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 2,63 tỷ USD, giảm 0,7%. 
 
Đạt được kết quả này, trước hết là do Sở Công Thương đã chủ động, sớm tham mưu trình UBND Thành phố ban hành các kế hoạch, chương trình lớn từ quý IV/2023 là cơ sở để tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 bảo đảm tiến độ, không có việc chậm muộn. Còn tại cấp huyện đã kịp thời phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực công thương; công tác quản lý nhà nước về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; an toàn thực phẩm, quản lý giá, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của Nhân dân được thực hiện tốt. Đồng thời chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trưởng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
 
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ về quản lý thương mại gồm: Công tác quy hoạch; quản lý nhà nước về chợ; các loại hình văn minh thương mại; bình ổn thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; phát triển các điểm bán sản phẩm OCOP; quản lý các mặt hàng kinh doanh có điều kiện… Đối với các quận, huyện, thị xã triển khai 10 nội dung về quản lý thương mại.
 
Lĩnh vực quản lý công nghiệp, Sở Công Thương sẽ triển khai 3 nhóm nhiệm vụ; lĩnh vực quản lý năng lượng, Sở triển khai 2 nhóm nhiệm vụ, các quận, huyện, thị xã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ. Song song đó, Sở Công Thương và các quận, huyện, thị xã cũng tập trung triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu về khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp; phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất và tiêu dùng bền vững…
 
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về công thương. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phát huy kết quả đạt được, đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn qua hệ thống phát thanh truyền hình tại địa phương; thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng cơ sở, thực trạng, tình hình hoạt động việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương thuộc phạm vi quản lý.
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu UBND Thành phố giao trong năm 2024; tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ; xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn; chỉ đạo các ban quản lý chợ, các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, vận động các hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết chung tay chống rác thải nhựa theo chỉ tiêu của Thành phố; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi có những biến động bất thường trong hoạt động bán lẻ xăng dầu trên địa bàn… 

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t