Chương trình số 06-CTr/TU: Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, bền vững (09:50 04/10/2017)


HNP - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, Thành ủy đã ban hành 08 chương trình công tác toàn khóa, trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020". Đây là Chương trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển đô thị bền vững. Sau một năm triển khai, diện mạo của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, trật tự văn minh đô thị ngày càng được cải thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Thành phố đã đề ra.

Cầu vượt nút giao Cổ Linh được khánh thành đưa vào hoạt động năm 2017


Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Thành phố đã tập trung đầu tư, hoàn thành các công trình trọng điểm, các dự án giao thông trọng điểm (nút giao, công trình cầu vượt) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được bắt đầu đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông: Thi công hoàn thành đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng - Sông Lừ); Hoàn thành xây dựng, tổ chức thông xe đưa vào khai thác sử dụng 02 cầu vượt; tuyến xe buýt BRT từ Kim Mã đi Yên Nghĩa (thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội); 12 công trình cầu yếu, quan trọng trên địa bàn các quận, huyện. Khởi công 03 công trình cấp bách, chống ùn tắc giao thông thực hiện theo cơ chế đặc thù. Đồng thời, ký Hợp đồng BT dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở; Hướng dẫn các nhà đầu tư tổ chức triển khai nghiên cứu thực hiện đầu tư 05 bãi đỗ xe ngầm và 04 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh)…

Giao thông công cộng được phát triển cả về số lượng và chất lượng; sắp xếp, tổ chức lại các điểm trông giữ xe; thường xuyên rà soát việc phân luồng tổ chức giao thông bố trí hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông hợp lý và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Thành phố cũng đã thực hiện tốt việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư cấp nước nông thôn. Dự kiến, đến hết năm 2017, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cấp nước cho 155 xã (1,4 triệu người); Hoàn thành 16 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cung cấp nước sạch cho 409.284 người (59 xã) (tăng thêm 9,4%, nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn lên từ 40% lên 49,4%). Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cấp nước giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 cho 30 xã, với 52.744 hộ, xấp xỉ 210.976 người. Đồng thời, tiếp tục bảo đảm thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm 2016 và 2017 khu vực đô thị. Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ trên địa bàn Thành phố.

Triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, nhằm tăng độ phủ xanh, đặc biệt cây xanh đô thị trở thành một bộ phận quan trọng của cảnh quan đô thị, đồng thời cải thiện môi trường, giảm bụi, giảm tiếng ồn cho Thành phố. Đến nay, Thành phố đã triển khai trồng mới khoảng 444.776 cây, cắt tỉa 48.272 cây, trong đó, có cả sự đóng góp của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mong muốn chung tay xây dựng Thủ đô.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục triển khai công tác thanh thải, sắp xếp đường dây cáp, dây thông tin trên các tuyến cột điện tại 81 tuyến phố; thực hiện công tác hạ ngầm cáp đi nổi theo phương thức xã hội hóa: đã hoàn thành thi công hạ ngầm 18/18 tuyến. Bảo đảm duy tu, duy trì hoạt động ổn định của hệ thống chiếu sáng đường phố; triển khai đầu tư, thay thế thí điểm đèn chiếu sáng công cộng hiện có bằng đèn công nghệ LED để tiết kiệm năng lượng, đạt yêu cầu chiếu sáng và nâng cao mỹ quan đô thị…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể: một số công trình trọng điểm trên địa bàn triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ; Mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành. Việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tuy có chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng sử dụng lòng đường, hè phố hình thành các điểm, tụ điểm “chợ xanh”, “chợ cóc” không đúng quy định; tình trạng trông giữ phương tiện không đúng quy định còn diễn ra. Trật tự đô thị tại các địa bàn giáp ranh còn tiềm ẩn phức tạp...

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU; Thành phố sẽ tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị: phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành một số dự án xây dựng đường cao tốc, hướng tâm, vành đai và đường sắt đô thị thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giao thông vận tải đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đẩy nhanh nghiên cứu, đầu tư nhà ga trung tâm kết nối với các hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng đa phương thức kết hợp với trung tâm dịch vụ thương mại, khách sạn nhà hàng tại khu vực ga Hà Nội; Rà soát, đầu tư đồng bộ kết nối hạ tầng (xe buýt, xe buýt nhanh,...) với các tuyến đường sắt đang xây dựng để tăng hiệu quả khai thác.

Hoàn thành hiệu chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các dự án theo kế hoạch ưu tiên; triển khai xây dựng một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sử dụng công nghệ hiện đại của Đức. Dự kiến đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành việc đấu nối cấp nước cho khu vực đô thị, đạt tỷ lệ 99-100%. Đối với khu vực nông thôn sẽ hoàn thành 16 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cung cấp nước sạch cho 409.284 người dân ở 59 xã.

Tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải để nâng công suất xử lý nước thải như: Hệ thống thu gom Yên Xá (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019); hoàn thành chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ; hệ thống thoát nước khu vực quận Long Biên, Hà Đông và một số khu đô thị mới bị úng ngập; nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom Phú Đô, Tây Hồ Tây... Cải tạo, khơi thông các kênh mương, sông, cống, hồ bảo đảm thoát nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với 19 cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hạn chế việc phát sinh nguồn rác thải nơi công cộng; cơ giới hóa việc thu gom rác, vận chuyển rác bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị...


Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t