Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hà Nội (17:13 29/09/2017)


HNP - Sáng 29/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc


Tìm những câu, những ý 'đắt nhất' khuyến nghị cho Hà Nội
 
Tham gia Đoàn công tác của Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương...
 
Về phía TP Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã có chuyển biến tốt, căn bản, đặc biệt 2 năm sau Đại hội. Hà Nội không những ổn định mà phát triển với nhiều mô hình, cách làm tốt, cần phải được tổng kết, khuyến nghị những vấn đề đặt ra. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần nêu rõ ràng quan điểm trong xử lý các kiến nghị của Hà Nội, để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, vì “một lần làm là một lần khó”, nên không thể cứ nói chung chung.
 
“Thời gian ngắn nên các đồng chí tìm những câu, những ý đắt nhất đối với Hà Nội để khuyến nghị, định hướng và nói rõ quan điểm của mình trong xử lý cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị đóng góp ý kiến cho Hà Nội trên tinh thần xây dựng Hà Nội thành Thủ đô hòa bình, phát triển, đổi mới, hội nhập.
 
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng 8,1% trong 9 tháng đầu năm
 
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, 9 tháng năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%, dự kiến, cả năm tăng 8,5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 146.400 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư dự kiến 2,16 tỷ USD; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 125 dự án ngoài ngân sách trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 84 nghìn tỷ đồng,... Thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án với tổng số vốn 74 nghìn tỉ đồng; đang triển khai giải phóng mặt bằng 172 dự án với tổng diện tích 7.091 ha. Trong 9 tháng, thành phố đã phê duyệt 18.449 phương án và 590 trường hợp tái định cư...
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
 
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được chăm lo thường xuyên, đặc biệt là người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hoá cấp quốc gia. Dự kiến năm 2017, toàn thành phố sẽ thực hiện tăng thêm 100 trường công lập đạt chuẩn, nâng tổng số lên 1.222/2.119 trường, bằng 57,7%... Thành phố cũng tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đô thị hiện đại, hướng tới thành phố thông minh; tiếp tục triển khai chương trình “một triệu cây xanh”, đã trồng được trên 600.000 cây xanh...
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nêu những tồn tại hạn chế. Đó là: Sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn do việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép còn xảy ra; tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra, nhất là giờ cao điểm; còn có một số sai phạm trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tài chính về đất đai; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chưa thực sự chủ động...
 
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu hơn 20 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội; đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ; tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế; phân cấp quản lý y tế cơ sở; thuê dịch vụ công nghệ thông tin; cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù… Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm”.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những công việc của Hà Nội đã làm được trong 9 tháng qua, tiếp tục khẳng định là “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. Đồng chí đề nghị TP Hà Nội cần rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch tổng thể ở các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm để đóng góp cho tăng trưởng của cả nước. Bên cạnh đó cần tập trung rà soát quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch chất thải, quy hoạch nghĩa trang…; cần có kế hoạch hóa quá trình thực hiện để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, bền vững; xây dựng các khu đô thị ngoại ô góp phần giảm áp lực nội đô; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân; tiếp tục chỉnh trang đô thị…
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những việc thành phố Hà Nội làm được trong lĩnh vực cải cách hành chính, quan tâm đến phong trào khởi nghiệp; đẩy mạnh hiện đại hóa, chỉnh trang đô thị; thực hiện xong 50% chương trình “một triệu cây xanh”... Đồng chí đề nghị Hà Nội nên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy việc chỉnh trang lại các khu đô thị cũ (Kim Liên, Ngọc Khánh,…), chú trọng không gian sống cho người dân; cần triển khai cụ thể một số dự án lớn như trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài…
 
Hà Nội phải đi đầu về xây dựng chính quyền phục vụ
 
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự thống nhất với báo cáo do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trình bày, ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng và tổng hợp ý kiến các bộ, ngành từ Văn phòng Chính phủ. "Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với thành phố Hà Nội trên tinh thần cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chứ không phải tiếp tục ràng buộc, tiếp tục xin - cho. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến những kiến nghị của Hà Nội" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào hoàn thành kế hoạch chung của cả nước. Hà Nội còn có nhiều mô mình kinh tế mới, cách làm mới, sáng tạo, trong đó có xã hội hoá nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ.
 
Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo hệ phổ thông, mẫu giáo; bảo đảm cho phát triển bền vững của Thủ đô. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm đầu mối là thành công bước đầu của Hà Nội. Bên cạnh đó, an ninh trật tự của thành phố cơ bản được bảo đảm. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước như hạn chế phương tiện xe máy đến năm 2030, bởi đây là xu thế của thời đại.
 
Với những kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 năm qua.
 
Phân tích những thách thức mà Hà Nội đang gặp phải, Thủ tướng cho rằng đó là thách thức từ quản lý một siêu đô thị trong sức ép cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực; thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đi liền là đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút trọng dụng nhân tài cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thách thức về nguồn lực, về phát triển các dịch vụ công trong y tế, văn hoá, thể dục thể thao... đáp ứng đòi hỏi của lượng dân số có trình độ dân trí cao; thách thức giữ vững kỷ luật, kỷ cương, dân chủ.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, định hướng phát triển để bảo đảm "xanh, sạch, bảo tồn, kỷ cương" đang đặt ra với Hà Nội một cách mạnh mẽ. Nguyên tắc cốt lõi của Hà Nội phải là thành phố hoà bình, văn minh, văn hiến, bản sắc và thượng tôn pháp luật.
 
Thủ tướng lưu ý, Hà Nội phải kết hợp chặt chẽ, lan tỏa với các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ sự manh mún dàn trải; tập trung hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, có hệ thống thông tin dùng chung. Đặc biệt tối ưu hóa nguồn tài nguyên, khai thác sử dụng đất hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện Hà Nội có tiềm lực đất đai rất lớn, nếu hạ tầng các vành đai phát triển Hà nội sẽ phát triển được nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội cần tăng cường nâng cao năng lực cán bộ để tương thích với sự năng động trong toàn cầu hóa, đặc biệt năng lực quản trị Thủ đô. Phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ mới. TP Hà Nội cũng cần tiếp tục xây dựng những tiêu chí thành phố vì Hòa Bình, năng động, song song với bảo tồn tốt di sản văn hóa của Thủ đô; đặt người dân và doanh nghiệp vào mục đích phục vụ... "Hà Nội phải là nơi thu hút người tài, người giàu, người dân có văn hóa; mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển, hay nói cách khách Hà Nội phải là thành phố đáng sống" - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết,Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước và những khó khăn, thách thức đang và sẽ đặt ra. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, đạt được những kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ thường xuyên của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương.
 
Cảm ơn những định hướng chiến lược cũng như những sáng kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ chỉ đạo Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t