Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh với các bệnh nhân chưa tham gia Bảo hiểm Y tế (16:17 04/07/2017)


HNP - Chiều 4/7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thảo luận thông qua Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trình bày tờ trình tại kỳ họp


Theo Tờ trình của UBND TP, hiện nay, người bệnh không có thẻ BHYT thực hiện theo mức giá tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 do HĐND Thành phố ban hành và Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 do UBND Thành phố ban hành. Mức giá này chưa bao gồm phụ cấp đặc thù và tiền lương. 
 
Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC là căn cứ để tính mức giá trong Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 đã khá lạc hậu so với thời giá hiện nay, không phù hợp với lộ trình tính giá quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp Y tế công lập đến năm 2016. Vì vậy, việc ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bằng mức tối đa khung giá quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT sẽ góp phần giải quyết bất cập về sự công bằng giữa hai đối tượng tham gia BHYT và chưa tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT.
 
Hiện nay, thành phố có 82,4% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT; số chưa tham gia là 17,6% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện.
 
Khi thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, việc tăng giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ Y tế tương đương nhau cung cấp cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia và càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tham gia BHYT, đảm bảo chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT bền vững hơn. Bên cạnh đó, với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (17,6%) việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của toàn Thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn.
 
Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy người dân tham gia BHYT tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung. 

Theo báo cáo thẩm tra, mức tối đa khung giá quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT bằng mức giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BTC-BYT đang được thực hiện tại các đơn vị; do đó, việc áp dụng bằng mức tối đa khung giá là phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, về cơ bản chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được BHYT thanh toán. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT (chiếm 17,6 % dân số Hà Nội).
 
Với 94/94 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 90,38% tổng số đại biểu HĐND TP, Nghị quyết Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước đã chính thức được thông qua.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t