Kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng (16:01 03/07/2017)


HNP - Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017. Phiên họp dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước, dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội


Trong ngày 3/7, hội nghị đã bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017; kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; báo cáo thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
 
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,1%. Đã có thêm 5 xã được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới, 02 huyện (Thanh Trì, Hoài Đức) đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới. Khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế đạt 2,33 triệu lượt, tăng 14% (trong đó khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 1,746 triệu lượt, tăng 17,3% so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 30/6/2017 là 104.616 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán và tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
 
Trong công tác cải cách hành chính, Thành phố tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành để cắt giảm, phối hợp liên thông các TTHC. Thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%... Thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Chỉ số cải cách hành chính (PARIndex) tăng 6 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 
 
Đáng chú ý, năm 2016, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Tính đến thời điểm này, Thành phố đã hoàn thành kết nối mạng WAN, hạ tầng CNTT đến 584/584 xã, phường, thị trấn. 100% cán bộ xã, phường được đào tạo chuẩn kỹ năng về CNTT. 100% từ sở, ngành đến phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối trên môi trường mạng. 90% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử. Xây dựng song cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân và khai thác hiệu quả… Triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, 584 xã, phường; Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công đạt kết quả cao: Lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện, thị xã đạt trên 90%, đăng ký kinh doanh trên 70%, thuế 98%, hải quan 100%, Bảo hiểm xã hội trên 80%... 
 
Những nỗ lực trên đã góp phần giúp năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay; Vốn đăng ký đầu tư ngoài ngân sách ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016 (chưa tính 5,2 tỷ USD trong Biên bản ghi nhớ đầu tư vào Hà Nội của đối tác Nhật Bản đầu tháng 6 vừa qua). Đặc biệt, Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, TP đã giới thiệu danh mục 136 dự án đến các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1,1 triệu tỷ đồng. Các nhà đầu tư ký 15 biên bản ghi nhớ với kinh phí dự kiến thực hiện gần 135.000 tỷ đồng; đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư trên 74.000 tỷ đồng… Đi cùng với những giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng cho nhà đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành phố cũng tập trung các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; Duy trì trật tự đô thị…
 
Dù đạt được những kết quả khả quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong 6 tháng qua. Thêm vào đó, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức; thời tiết diễn biến phức tạp, khí hậu nắng nóng, diễn biến khó lường. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,5 - 9%, 6 tháng cuối năm phải tăng trên 9,5%, UBND TP Hà Nội sẽ quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các Chương trình, Kế hoạch TP đã ban hành, bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t