Gia Lâm: Hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao (14:12 20/04/2018)


HNP - Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nông nghiệp, nông thôn huyện Gia Lâm đã có những bước chuyển biến nhất định, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, về phát triển nông nghiệp: Nông - lâm - thủy sản trên địa bàn huyện tăng bình quân 1,18%/năm, trong đó giá trị canh tác trên một ha đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng (tăng 3,4 triệu đồng/ha so năm 2015). Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng; diện tích đất nông nghiệp thực hiện chuyển đổi theo định hướng quy hoạch vùng biến động 1.055,92 ha: giảm dần tỷ trọng diện tích trồng lúa, màu; tăng tỷ trọng diện tích rau, quả an toàn có giá trị kinh tế cao. 

Vùng sản xuất rau, quả an toàn diện tích gieo trồng 2.189,5ha, trong đó, giá trị sản xuất vùng rau đạt 115,7 tỷ đồng; giá trị thu nhập trung bình tại các vùng quả đạt 200-300 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha; cá biệt có những mô hình cho thu nhập 700 triệu -1 tỷ đồng/ha tại Kiêu Kỵ, Lệ Chi. 

Huyện đã duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện là 9.800 hộ (2.132 hộ chăn nuôi bò, 3.199 hộ chăn nuôi lợn và 4.469 hộ nuôi gia cầm). Về quy mô chăn nuôi: hiện có 123 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, trong đó chăn nuôi bò có 22 trang trại: 12 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô (trên 10 con/hộ) ngoài khu dân cư; 10 trang trại, gia trại chăn nuôi bò thịt (quy mô trên 50 con). Chăn nuôi lợn có 83 trang trại, gia trại nuôi lợn nạc ngoài khu dân cư với quy mô từ 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Chăn nuôi gia cầm có 18 trang trại, gia trại nuôi quy mô trên 2000 con. Số trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn tập trung tại các xã Yên Thường, Trung Mầu, Phù Đổng, Kim Sơn, Dương Quang, Lệ Chi, Kim Lan, Văn Đức…

Năm 2016, huyện Gia Lâm đã tập trung xây dựng quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp tại 20 xã, thị trấn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trên cơ sở đó xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”. Kết quả tính đến hết tháng 3/2018: đã phê duyệt 54 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ; tổ chức 56 lớp tập huấn về vệ sinh ATTP tại các xã vùng rau, quả tập trung; triển khai 19 mô hình mới về tổ chức sản xuất và phòng trừ sâu bệnh; cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau, quả đủ điều kiện ATTP cho 1.002ha của 13 xã.

Trên địa bàn cũng hình thành 17 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, có 8 mô hình trồng trọt như: rau thủy canh xã Đa Tốn, các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGap xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn, mô hình hoa lan giá trị cao; có 9 mô hình chăn nuôi như: nuôi trùn quế xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi bò sữa, lợn thịt... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lợi thế của huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức lập hồ sơ đăng ký chứng nhận và được Trung tâm chứng nhận nông nghiệp Thành phố cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho 27,18ha diện tích vùng quả sản xuất tập trung tại xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn. Phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các xã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của các xã: Kim Sơn, Đa Tốn, Yên Viên và Dương Xá. 
 
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020, huyện đã ban hành nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các mặt: sản xuất lúa, rau an toàn, cây ăn quả, hoa cây cảnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất, thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Kết quả, trong 2 năm (2016-2017), tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp đối với các tuyến đường nội đồng, kênh mương, đường điện tại 06 xã (Trung Mầu, Kiêu Kỵ, Lệ Chi, Phú Thị, Dương Quang, Kim Sơn) với tổng kinh phí trên 47,94 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí trên 9,8 tỷ đồng.

Về xây dựng NTM, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, tính đến tháng 3/2018, toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn xã NTM (giai đoạn 2011-2015, có 15/20 xã được công nhận xã NTM; 05 xã còn lại được công nhận xã NTM năm 2016-2017).
 
Nhờ những kết quả trong phát triển kinh tế nên đời sống người dân trên địa bàn huyện đã có bước chuyển tích cực. Năm 2017, toàn huyện đã giảm được 281 hộ nghèo, đạt 216,15% chỉ tiêu đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm (tăng so với thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố 3,2 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5% (trong đó có 66,5% được sử dụng nước sạch); hình thức an táng từ hung táng sang hỏa táng ngày càng tăng đạt 62,9%, an táng đúng nơi quy định.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 20/20 xã và Huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; Tập trung chuyển đổi cơ cấu cơ cấu cây trồng vật nuôi; khai thác sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái.
 
Thực hiện đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các trạm y tế xã, các nhà văn hóa thôn, xóm, các trường học, hệ thống giao thông nông thôn, công trình thể thao, các công trình vui chơi,… để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân. Xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa; thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội văn minh, tiến bộ. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thông, các di sản văn hóa trên địa bàn.

Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t