Giải đáp về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động theo quy định mới của Bộ Luật Lao động (15:53 14/07/2020)


HNP - Sáng 14/7, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Quy định mới của Bộ Luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021”.

Lãnh đạo LĐLĐ TP và Báo Lao động Thủ đô tặng hoa cho các chuyên gia tham gia tư vấn tại buổi giao lưu trực tuyến


Tham gia buổi giao lưu có các Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn cấp cơ sở, người lao động và 3 chuyên gia trực tiếp trả lời những thắc mắc của công nhân viên chức lao động cũng như bạn đọc trực tuyến gồm: Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
 
Khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Bộ Luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều có rất nhiều điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo hướng có lợi hơn Luật hiện hành. Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người lao động, người sử dụng lao động để giúp thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Với sự tham gia giao lưu, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, buổi giao lưu hướng tới mục đích trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật về lao động cho đoàn viên, người lao động và chủ sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
 
Tại buổi giao lưu trực tuyến đã có gần 20 câu hỏi của những người tham gia trực tiếp và những khán giả trực tuyến. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như: cách tính BHYT, BHXH và các vấn đề tiền lương, quyền lợi của người lao động khi tham gia các loại bảo hiểm nêu trên; Các vấn đề về tuyển dụng lao động, viên chức sau 1/7/2020, quyền lợi và các chế độ của người lao động; vấn đề nghỉ hưu, tăng tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề độc hại, chuyên môn…
 
Anh Đỗ Văn Hùng đặt câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến
 
Đáng chú ý, anh Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn xiếc Việt Nam) đặt hai câu hỏi là: Theo Luật sửa đổi, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do. Đối với ngành xiếc, việc đào tạo diễn viên rất mất thời gian và tốn nhiều tiền của, tuy nhiên, sau 1 thời gian diễn viên lại muốn chuyển sang đơn vị khác. Xin chuyên gia cho biết, nếu đơn vị không muốn cho người lao động nghỉ thì có giải pháp nào không? Và hiện Luật đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đối với diễn viên xiếc có đặc thù nghề nghiệp nhất định, đến tầm 45 tuổi là khó có khả năng làm việc nữa. Vậy có chính sách gì cho những nghề đặc thù như vậy?
 
Trả lời câu hỏi của anh Hùng, chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân cho biết: Quan hệ lao động là sự thỏa thuận, tự nguyện của cả 2 bên và được thực hiện dựa trên quyền của người lao động. Việc người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do nhằm đảm bảo trên quyền của người lao động được tự do làm việc. Người lao động muốn nghỉ cần phải đảm bảo thời gian báo trước cho chủ sử dụng lao động để đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất của mình. Đối với trường hợp là ngành nghề đặc thù, trong quá trình đào tạo, đơn vị có thể thỏa thuận với người lao động về thời gian, chi phí đào tạo để có thể giữ chân người lao động. Việc giữ chân đó không chỉ dựa trên quy định của pháp luật mà còn là chế độ đãi ngộ riêng của doanh nghiệp trong việc tạo dựng môi trường làm việc thích hợp cho người lao động.
 
Để giải đáp thắc mắc trong câu hỏi thứ 2 của anh Hùng, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho rằng: ngành ngề của anh là ngành đặc biệt, được xếp vào ngành nghề nặng nhọc độc hại. Đối với những lao động có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại, suy giảm khả năng lao động 61% sẽ không quy định về tuổi đời nghỉ hưu. Do vậy, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ không có nhiều thay đổi…
 
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó, có LĐLĐ quận Hai Bà Trưng để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Đồng thời, đánh giá cao sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của LĐLĐ quận Hai Bà Trưng trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người lao động. 
 
Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Đặng Thị Phương Hoa nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền lợi của người lao động, vì vậy, chắc chắn đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này. Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Đặng Thị Phương Hoa đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật. Với các chuyên gia, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Đặng Thị Phương Hoa mong muốn sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động. Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Đặng Thị Phương Hoa đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t