Huyện Ba Vì tiếp tục nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới (16:25 30/09/2023)


HNP - Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg công nhận huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Cùng với niềm vui đó, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (26/7/1968 - 26/7/2023), huyện Ba Vì đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là niềm vinh dự, là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì trong thời gian qua. 

Huyện Ba Vì đạt nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng nông thôn mới


Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên trên 421km2, dân số trên 310 nghìn người; là vùng đất địa linh, vùng đất cổ, có truyền thống văn hoá lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao cùng sinh sống với những phong tục, tập quán, nét văn hoá riêng biệt như Tết nhảy của người Dao, nghệ thuật đánh Cồng Chiêng của người Mường... Có Vườn Quốc Gia Ba Vì diện tích trên 6.200 ha với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp về núi, rừng, thác, suối, sông, hồ gắn với các khu du lịch nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, … đặc biệt là Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9; cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ có Tục thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
Bên cạnh việc luôn đón nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, cùng với những tiềm năng thế mạnh của huyện về du lịch trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là thuận lợi thì trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì cũng gặp không ít khó khăn: bình quân mỗi xã chỉ đạt 05/19 tiêu chí, cả 31 xã chưa có đồ án quy hoạch xã nông thôn mới, các quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thu nhập của nhân dân còn thấp; số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề kinh tế trong nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện...
 
Để giải quyết được những khó khăn trên, Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, như: triển khai đồng loạt đến 30 xã và 01 thị trấn với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được" để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, tổ chức tham quan, học tập các mô hình, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên cả nước; Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề. Quá trình thực hiện được triển khai đồng bộ, bài bản từ huyện tới cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân, tạo ra những đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì.
 
Cụ thể, công tác quy hoạch của huyện đã được tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ. Năm 2012, phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới của 30/30 xã. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh để phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch đã được phê duyệt: Quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã đảm bảo khớp nối về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan kiến trúc đồng thời đảm bảo hài hòa, đồng bộ theo hướng phát triển đô thị.
 
Xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề để phát triển. Với quan điểm chỉ đạo phát huy mạnh mẽ vai trò của toàn xã hội, trong đó huy động nguồn lực của cộng đồng, sự tham gia của doanh nghiệp và nhân dân là quan trọng. Từ đó, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có nhiều sáng tạo và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và thực sự trở thành phong trào tụ hội ý Đảng, lòng dân. Hệ thống giao thông từ đường làng, ngõ xóm, kênh, mương nội đồng đến đường liên thôn, liên xã, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, các công trình bảo vệ môi trường, các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Huyện đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư với hơn 9.943 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đóng góp từ nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 1.000km đường giao thông, 400km rãnh thoát nước ở khu dân cư. Cải tạo, xây mới 230km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa thôn; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã... Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản. 
 
Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nhân dân, là tiêu chí để nhân dân cảm nhận rõ nét về chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển: Giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%; Giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8%/năm. Toàn huyện có 138 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 75 sản phẩm đạt 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao; trọng tâm là các sản phẩm từ sữa, thịt, rau quả; đã có giá trị trên thị trường. Với lợi thế vị trí và địa hình đẹp, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng thu hút 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch dịch vụ. Thu nhập bình quân toàn huyện, năm 2022, đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010). 
 
Công tác văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục và Đào tạo được quan tâm, chăm lo, 100% giáo viên đạt chuẩn, 86% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 96%; chất lượng dạy và học được nâng cao, công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư. Ba Vì là huyện đầu tiên triển khai hiệu quả mô hình bác sỹ gia đình; Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, nhất là công tác phòng chống đại dịch covid 19. Công tác an sinh xã hội được chăm lo, công tác đào tạo nghề được chú trọng, nhiều lao động nông thôn được tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 83,5%. Trung bình mỗi năm, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động... Đầu tư cho công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, đến hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,57%. 
 
Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được đẩy mạnh. Toàn huyện không còn xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo. Cùng với đó, hệ thống chính trị của huyện được củng cố và tăng cường. Cải cách hành chính được chú trọng, đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn, trình độ năng lực không ngừng nâng cao và thường xuyên được kiện toàn. 30/30 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Gần 97% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, huyện Ba Vì xác định phấn đấu tiếp tục duy trì nâng cao các tiêu chí Huyện Nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện sẽ tập trung tăng cường và đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội. Đẩy mạnh tiến độ lập và triển khai quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn của các xã. Khớp nối các quy hoạch ngành, đồng bộ với quy hoạch vùng. Duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
Cùng với đó là đẩy mạnh chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo, phát triển văn hoá; đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào huyện. Đồng thời tăng cường quản lý sau đầu tư để phát huy giá trị của công trình. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 
 
“Phát huy truyền thống lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển, với niềm tin vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, với sự nỗ lực chủ động và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì quyết tâm, đoàn kết, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng lớn mạnh, phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng Thủ đô hiện đại văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là huyện anh hùng của Thủ đô anh hùng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t