Mỹ Đức: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần thúc đẩy xây dựng NTM (15:08 25/06/2018)


HNP - Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Mỹ Đức đã có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Có được kết quả trước tiên là nhờ công tác chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đoàn đại biểu đi thăm mô hình cấy lúa tại xã Lê Thanh, Mỹ Đức


Để có nguồn lực xây dựng NTM và tạo việc làm thu nhập cho người dân nông thôn, trong thời gian qua, huyện Mỹ Đức đã quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung, trong đó, đã xây dựng được vùng chuyên canh tập trung lúa chất lượng cao ở các xã: Mỹ Thành, Tuy Lai, An Mỹ, Phùng Xá, Xuy Xá, Lê Thanh, Hồng Sơn, Hợp Tiến… Vùng rau an toàn ở các xã Lê Thanh với 47ha, Bột Xuyên là 55ha, Phúc Lâm 32ha. Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở ở các xã An Phú (110ha), vùng nuôi thủy sản ở Hợp Thanh (112,5ha), An Tiến (60ha)…Đã có 15 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân theo quy hoạch tại Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND.
 
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nhiều mô hình khuyến nông đã phát huy được hiệu quả. Đã từng bước giảm diện tích cấy lúa lai, mở rộng diện tích các giống lúa thuần mới có năng suất, chất lượng tốt, giống lúa chất lượng để thay thế giống Khang dân, Q5. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có mô hình trồng cây ăn quả tập trung, như: 30ha bưởi Diễn tại xã Bột Xuyên, năng suất đạt 119,0 tạ/ha; sản lượng 503 tấn; trung bình lãi 250-300 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư tại xã An Mỹ với diện tích 5,12ha, quy mô 7 chuồng, với hơn 500 lợn/chuồng, năng suất 900 tấn/năm. Trừ chi phí còn lợi nhuận là 1,4 tỷ đồng/năm, giá trị thu nhập tăng 240 triệu đồng/ha so trồng lúa.
 
Bên cạnh đó, các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng mang lại hiệu quả cao, nổi bật là công nghệ cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Vụ Xuân năm 2016 đưa vào thí điểm tại HTX nông nghiệp Lê Thanh với diện tích 0,95ha. Đánh giá mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị khoảng 14,2% so với cấy theo phương pháp truyền thống. Đến nay, qua 3 vụ lúa, diện tích cấy lúa theo phương pháp hàng biên đã tăng lên gần 150 ha/mỗi vụ tại 14 HTXNN trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
 
Về xây dựng thương hiệu cho nông sản, vừa qua, huyện đã phối hợp với các sở, ngành của thành phố hướng dẫn Công ty TNHH KINOCO Thanh Cao xây dựng mô hình sản xuất Nấm Kim châm theo công nghệ Nhật Bản, quy mô 0,3ha tại xã Đốc Tín. Đến nay, đã được Bộ Nông nghiệp &PTNT công nhận là đơn vị sản xuất nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao năm 2017. Ngoài ra, huyện cũng tập trung phát triển một số cây trồng truyền thống; Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng nhãn hiệu tập thể Rau Sắng Chùa Hương.
 
Trong xây dựng NTM, huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, nên các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Anh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông qua các hội nghị, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi bộ, về mục đích, nội dung, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của huyện đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tính đến nay, huyện đã có 9/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2011.
 
Nhờ việc đầu tư xây dựng NTM, đến nay, hệ thống đường trục xã kiên cố hoá 107,9/117,69km; Đường liên thôn kiên cố hoá 182/190,53km, tăng 39km so năm 2011; Đường ngõ xóm đã kiên cố hoá được 431/440,06km, tăng 177,5km so năm 2011. Đường trục chính nội đồng đã kiên cố hoá 141,45km, tăng 114,95km so năm 2011.
 
Kênh tưới cấp 3 đã kiên cố hoá 114,76km, tăng 3,2% so năm 2011. Hệ thống đê, kè, trạm bơm cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất; điện nông thôn đến nay có 21/21 xã trên địa bàn huyện có 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; có 34/76 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 21 trường so với năm 2011; có 121/122 thôn có các nhà văn hóa, khu thể thao, đạt 99,18% tăng 11 nhà văn hóa so với năm. Số làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” là 110/122 làng, đạt 90,16%, tăng 50 làng so với năm 2011.
 
Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 7,4 triệu đồng/người/năm đến năm 2017 là 34,1 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 16,7% năm 2011 xuống còn 4,2% năm 2017; tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 100%, tăng 25% so với năm 2008; Số dân cư được dùng nước sạch 61.394 người dân, tăng 52.394 người dân so với năm 2008; tỷ lệ dân cư được dùng nước sạch 31,5%, tăng 26,43% so với năm 2008.
 
Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo xanh sạch đẹp và gắn với du lịch, huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhất là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ lực, cũng như nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t