Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn: Xây dựng thành Thăng Long mới (11:14 06/05/2015)


HNP - Theo Phương Đình địa dư (Quyển 5, tr. 2a): Năm Gia Long thứ 4 (1805) phá thành cũ (do nhà Lê xây đắp - TG) và xây lại một tòa thành mới. Thành mới này hình gân vuông, chu vi 1.295 trượng (khoảng 5km?) Tường thành cao 1 trượng 3 thước 2 tấc (khoảng trên 4m?), dày 4 trượng (khoảng 16m?).

Bản đồ thành Hà Nội đầu TK 19 (Ảnh: tư liệu)


Như vậy, tòa thành này tồn tại đến năm 1895 thì bị thực dân Pháp phá hủy mà di tích còn lại nay là Cửa Chính Bắc Môn trên phố Phan Đình Phùng và nền Hành Cung (tức vị trí điện Kính Thiên đời Lê) với thềm đá có 9 bậc và 4 con rồng làm tay vịn.


 Cửa Bắc thành Hà Nội (Ảnh: tư liệu)


Cửa Tây thành Hà Nội (Ảnh: tư liệu)


Cửa Nam thành Hà Nội (Ảnh: tư liệu)


Cửa Đông thành Hà Nội (Ảnh: tư liệu)


Cửa Đông Nam thành Hà Nội (Ảnh: tư liệu)


Thành này phía dưới xây bằng đá xanh, phía trên bằng gạch hộp. Thành mở 5 cửa: Bắc, Đông, Tây, Đông Nam và Tây Nam. Bên ngoài, mỗi cửa thành có Dương Mã thành là một loại công sự bảo vệ gồm hai bức thành vuông góc nhô ra phía ngoài. Mỗi Dương Mã thành có một cửa bên rộng 1 trượng (khoảng 4m), gọi là Nhân Môn. Từ ngoài vào, phải qua cửa Nhân Môn rồi mới đến cửa chính. Chung quanh thành có hào nước rộng chừng 4 trượng (16m).

Bên trong thành, chính giữa có điện Kính Thiên vẫn ở vị trí cũ, trên núi Nùng, chỉ mở cửa khi vua ngự giá Bắc tuần, hoặc tiếp sứ thân phương Bắc. Phía trước điện Kính Thiên có cửa Đoan Môn cũng là một di tích của Hoàng thành đời Lê. Hai bên Đông và Tây là công đường, dinh thự, kho tàng và doanh trại quân lính.

Trước mặt Đoan Môn, xây Kỳ Đài tức Cột Cờ (Đây là một công trình may mà còn sót lại sau khi thực dân Pháp phá thành năm 1894 - 1896. Nay còn lừng lững đấy mà một số sách báo vẫn thường cung cấp những thông tin thiếu chính xác. Cột Cờ chính ra hình tám cạnh - chứ không phải sáu cạnh và từ mặt đất lên đến đỉnh cao 33,4 m - chứ không phải 60 m).
 

Cột cờ Hà Nội - Một kiến trúc độc đáo (Ảnh: Phương Anh)


Cột cờ được xây năm 1805 (hoặc năm 1812), gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5 mét, cao 3,1 mét, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27 mét, cao 3,7 mét có bốn cửa. Tầng ba mỗi chiều 12,8 mét, cao 5,1 mét, cũng có bốn cửa: hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh nắng ban mai), cửa Tây với “Hồi quang” (trả lại ánh sáng), cửa Nam với “Hướng minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề song có cầu thang dẫn lên đỉnh. Trên tầng này là thân cột cờ, hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2 mét, mỗi cạnh đáy chừng 2 mét. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3 mét, có tám cửa sổ tương ứng tám cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính từ 0,4 mét, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8 mét, mới làm thời Pháp). Như vậy toàn bộ cột cờ có chiều cao 33,4 mét. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 41 mét.

Năm 1831, Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (tương đương với cấp tỉnh), trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội bao gồm 4 phủ là Hoài Đức (gồm cả kinh thành Thăng Long), Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cử làm tỉnh lỵ. Năm Minh Mạng 16 (l836), vua này cho hạ thấp tường thành đi 1 thước 8 tấc (theo Phương Đình địa dư. Quyển 5, tờ 2a).

Năm 1848, Tự Đức cho giữ hầu hết những cung điện ở trong thành Hà Nội, những đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, bằng đá đều đưa vào Huế. Từ đây trở đi, tỉnh thành Hà Nội không có gì thay đổi nữa, cho đến 50 năm sau thì bị thực dân Pháp phá bỏ.


Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t