Hà Nội quan tâm và chăm lo đời sống người khuyết tật (21:18 11/01/2017)


HNP - Chăm lo cho người khuyết tật là một trong những chương trình lớn của cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng. Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, giúp họ vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, toàn Thành phố có 98.792 người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số, trong đó, nữ chiếm 47%. Trong tổng số người khuyết tật có 13.264 người thuộc hộ nghèo, chiếm 13%; 27.092 người khuyết tật cao tuổi, chiếm 27%; 11.723 trẻ em khuyết tật, chiếm 12%. Về mức độ khuyết tật, có 12.024 người khuyết tật đặc biệt nặng; 62.236 người khuyết tật nặng và 24.352 người khuyết tật nhẹ… Có 3.662 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng và 1.341 người khuyết tật được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố, trong đó, có 785 người tâm thần. 
 
Tính đến năm 2016, Thành phố đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho 81.452 người. Hội đồng Giám định y khoa Thành phố tổ chức giám định mức độ khuyết tật cho trên 400 người khuyết tật có nhu cầu. 100% người khuyết tật đang nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Danh sách người khuyết tật được lập và theo dõi quản lý tại các xã, phường, thị trấn. Trong năm 2016, có 44.982 người khuyết tật được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Số người khuyết tật được chỉnh hình phục hồi chức năng là 2.780 người, 98 người được cấp xe lăn; 100% người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Bên cạnh đó, Thành phố còn tập trung vào công tác giáo dục cho người khuyết tật với 1.170 người được trợ giúp học văn hóa. Tổ chức các lớp học xóa mù chữ, tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật trong độ tuổi có nhu cầu, có khả năng học văn hóa được đến trường. Đồng thời, phát triển những mô hình giáo dục hòa nhập; khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở các trường lớp chuyên biệt. 
 
Đặc biệt, Thành phố đã bố trí nguồn kinh phí và chỉ đạo triển khai thực hiện dạy nghề cho gần 200 người khuyết tật với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho trên 1.353 người khuyết tật, tạo việc làm cho 1.145 người khuyết tật. Tổ chức các chương trình tọa đàm, tập huấn, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản. Hội người khuyết tật đã tham gia thực hiện một phần của dự án hợp tác với tổ chức lao động quốc tế nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật vào thị trường lao động với sự tham gia của hơn 30.000 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố… Đáng chú ý, Hội người khuyết tật Thành phố đã cùng với tổ chức của Hàn Quốc triển khai dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật”. Song song với đó là các dự án tại 8 quận, huyện về dạy nghề tin học cho người khuyết tật. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền thanh Hà Nội xây dựng các chương trình truyền hình có phụ đề phục vụ người khiếm thính, các phương tiện báo chí có khả năng  tiếp cận với người khiếm thị… 95% tổ chức thành viên người khuyết tật Thành phố có thể sử dụng máy tính, thông tin liên lạc qua Internet.
 
Mặc dù ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Đáng chú ý là việc xây dựng các công trình mới, sửa chữa, cải tạo những công trình công cộng, nhà chung cư, đường giao thông đi lại trên địa bàn Thành phố để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận, sử dụng còn chậm, chưa đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Phần lớn trình độ học vấn của người khuyết tật còn thấp, thiếu tự tin trong cuộc sống, nhiều người khuyết tật chưa được đánh giá đúng năng lực, trình độ, do đó, cơ hội kiếm việc làm bị hạn chế. Chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động là người khuyết tật nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp sử dụng lao động là đối tượng này…
 
Thời gian tới, để chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội một cách có hiệu quả nhất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình một số kiến nghị lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan cùng TP Hà Nội như: Bổ sung người khuyết tật nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa gia tăng người khuyết tật cũng như tăng cường các biện pháp phát hiện và can thiệp sớm dị tật của trẻ sơ sinh. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hội đoàn thể tích cực tuyên truyền trợ giúp người khuyết tật, phối hợp thực hiện tốt Công ước và Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật của Thành phố…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t