Triển khai nhiệm vụ công tác Nội chính Đảng năm 2020 (14:35 06/01/2020)


HNP - Sáng 06/01, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự, chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội


Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội


Sau khi nghe báo cáo tổng kết công tác Nội chính Đảng năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, các ý kiến tham luận tại hội nghị, phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác Nội chính Đảng năm 2019. Đồng chí khẳng định: Kết quả công tác Nội chính và phòng, chống tham nhũng đã góp phần giữ gìn sự yên ổn của đất nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất, kinh doanh, phát triển đất nước. Trong những kết quả đó có vai trò rất quan trọng của Ban Nội chính Trung ương, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh đến 5 kết quả nổi bật của công tác Nội chính trong năm qua. Trước hết, Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, đồng thời, tích cực triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng về nội dung này. Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng đánh giá cao Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy cũng tham mưu với cấp ủy ban hành 308 văn bản về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

“Ngành Nội chính cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” - đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị


Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá cao việc ngành Nội chính Đảng đã sáng tạo, phát động phong trào thi đua thực hiện chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng và các hành vi tham nhũng vặt. Đến nay, đã có 59 vụ án và 54 vụ việc tham nhũng vặt được các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy chủ động phát hiện và tham mưu chỉ đạo xử lý có hiệu quả.

Ban Nội chính Trung ương cũng chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý khá kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện đông người...

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Nội chính Đảng năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, trước hết cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là là phục vụ cho chuẩn bị Văn kiện đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp. Tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của nhà nước để “không thể tham nhũng”, trọng tâm là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, công khai, minh bạch, đồng thời, xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

“Ngành Nội chính phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt; xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng”, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu. Đồng chí cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đó là trong công tác phòng, chống tham nhũng, dù rất đau lòng, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện có hiệu quả chủ trương “chống tham nhũng, trước hết trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng”.

Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm, những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng”, không để bị động, bất ngờ.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thật sự liêm chính, trong sạch, bản lĩnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, hiểu biết các lĩnh vực, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phải thật sự liêm chính, vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.


Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t