Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam” (20:40 09/10/2018)


HNP - Sáng 9/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam”. Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tham dự hội thảo và có bài tham luận với nội dung “Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội học tập và làm theo tấm gương đồng chí Lương Khánh Thiện”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại hội thảo


Đồng chí Lương Khánh Thiện, sinh năm 1903, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm (nay thuộc thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Đồng chí là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và lý lưởng cao đẹp của Đảng. 
 
Đối với Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện là người con ưu tú, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt gương mẫu, trí tuệ, sáng tạo và có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô Hà Nội, thời kỳ từ năm 1936 đến năm 1941, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Năm 1923, khi tròn 20 tuổi, đồng chí Lương Khánh Thiện bắt đầu được giác ngộ cách mạng. Với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, không sợ khó khăn, gian khổ, ác liệt và có những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Tháng 5/1930, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt và bị kết án tù khổ sai chung thân. Năm 1932, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo, trong nhà tù, đồng chí vẫn bí mật hoạt động, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản.
 
Tháng 6/1936, Chính phủ mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, trước phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương phát triển rất mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều chiến sỹ cách mạng bị tù ở Côn Đảo được trả tự do. Tháng 11/1936, ngay sau khi ra tù, đồng chí Lương Khánh Thiện đã liên hệ với tổ chức Đảng ở Hà Nội để tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong giai đoạn này, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động tại các tờ báo công khai ở Hà Nội để vận động, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần yêu nước và đấu tranh cách mạng cho công nhân, thanh niên và quần chúng nhân dân.
 
Một mốc son rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện là vào tháng 3/1937, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí được tín nhiệm bầu vào Xứ ủy, được cử là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong thời gian này, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô.
 
Trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo sát sao, sâu sát cơ sở, triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất lúc bấy giờ, là xây dựng phát triển cơ sở đảng, vận động quần chúng, chắp mối liên lạc với những đảng viên đang hoạt động bí mật ở Hà Nội. Cử cán bộ, đảng viên tăng cường vào các nhà máy, xí nghiệp, các ngành nghề và các vùng nông thôn ngoại thành. Thành ủy Hà Nội thường xuyên mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Nhờ những hoạt động tích cực, nhiều cơ sở đảng được xây dựng và phát triển mạnh như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Khuy, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Diêm…và trong các ngành nghề như: in, ảnh, dệt, mộc, xẻ đã lập được chi bộ đảng.
 
Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1940, đồng chí Lương Khánh Thiện được Đảng phân công phụ trách khu B (gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương) và trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 1/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt, lúc đó đồng chí là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Trước mọi cực hình tra tấn rất dã man của kẻ thù, đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường và khí tiết cao đẹp của người đảng viên cộng sản. Biết không thể nào khuất phục được đồng chí, sáng ngày 01/9/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Lương Khánh Thiện, tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng).
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, đồng chí Lương Khánh Thiện đã anh dũng hy sinh, nhưng hình ảnh một người chiến sỹ cộng sản trung kiên, bất khuất, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội vẫn còn sống mãi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của cách mạng Việt Nam và trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô và đất nước. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn ghi nhớ, biết ơn với những đóng góp to lớn của đồng với phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, nguyện mãi học tập và làm theo tấm gương mẫu mực, sáng ngời của đồng chí.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t