Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 02-6/9/2019 (13:15 09/09/2019)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 02-6/9/2019 như sau:

Ngày 5/10/2019, tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019
 
Ngày 5/9/2019, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND thống nhất chỉ đạo tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 vào ngày 5/10/2019 tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô nhằm ghi nhận, biểu dương thành tích của các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; vinh danh các cá nhân đạt danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. 
 
Hội nghị có sự tham gia của 340 đại biểu Trung ương và thành phố…; 794 đại biểu là điển hình tiên tiến; đại biểu công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 dự kiến 10 đại biểu; đại biểu chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2019 là 2 đại biểu; đại biểu công dân Thủ đô ưu tú giai đoạn 2010 - 2018 là 82 đại biểu; đại biểu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2019 là 700 đại biểu. Tổng số đại biểu mời dự khoảng 1.159 đại biểu hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; đánh giá kết quả phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2019; phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
 
Khám sức khỏe miễn phí cho người dân tại khu vực bán kính 500m vùng ảnh hưởng vụ cháy nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông
 
Tiếp theo các nội dung chỉ đạo xử lý khắc phục vụ cháy nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3840/UBND-ĐT, ngày 5/9/2019, giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bố trí bác sĩ, y tá trực 24/24h tại phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung để tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500m nơi xảy ra vụ cháy; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn mọi người dân có các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân trong khu vực. 
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức quan trắc chất lượng không khí, lấy mẫu đất, mẫu nước (nước ngầm, nước mặt) trong vòng bán kính 500m để phân tích. Trên cơ sở kết quả thu thập được, đối chiếu kết quả quan trắc, giám định với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, WHO, tổ chức thông báo công khai, minh bạch tới người dân trong khu vực và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) thực hiện tẩy độc nhà máy và trong bán kính 500m vùng ảnh hưởng (nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép).
 
Giao Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo Cơ quan điều tra khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy; xác định nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông, làm rõ số lượng nhập, số lượng hóa chất đã sử dụng, số lượng hóa chất bị cháy và số lượng còn lại trong kho; trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định nguyên nhân gây cháy, mức độ ảnh hưởng môi trường do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường; trưng cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám định xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy; sớm có kết luận để công bố, công khai minh bạch cho người dân và dư luận.
 
Yêu cầu Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị cung cấp thông tin chính xác nguồn gốc xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình bảo quản các vật tư, thành phẩm (thủy ngân, amalgam…) để xác định chính xác số thủy ngân và amalgam bị cháy cũng như số lượng còn lại; cử cán bộ chuyên gia có chuyên môn phối hợp khắc phục hậu quả của vụ cháy; khẩn trương ổn định tình hình sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm, tinh thần cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, cảm ơn người dân khu vực, công nhân tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả.
 
Để nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị của Thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 
Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám định xác định mức độ ô nhiễm sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn và phích nước Rạng Đông
 
Liên quan nội dung trên, cùng ngày 5/9/2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3841/UBND-ĐT đề nghị Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Viện và mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm xử lý sự cố tương tự giúp Công an Thành phố thực hiện việc giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy nhà kho của Công ty, từ đó, đưa ra các giải pháp xử lý khắc phục có hiệu quả trong thời gian sớm nhất để Thành phố tổ chức thực hiện. Toàn bộ kinh phí do Thành phố chi trả theo quy định.
 
Trước ngày 30/9/2019, báo cáo kết quả xử lý các vi phạm tại 02 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô
 
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Binh, ngày 5/9/2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3832/UBND-ĐT chỉ đạo giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính; Chủ tịch UBND các quận: Ba Đình, Cầu Giấy tiếp tục xử lý dứt điểm các vi phạm trong quá trình lập, triển khai thực hiện và quản lý sau đầu tư tại 02 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2019. Đối với những nội dung còn vướng mắc, chưa hoàn thành, đề nghị các đơn vị báo cáo rõ lý do, đề xuất biện pháp xử lý, dự kiến thời gian hoàn thành. 
 
Giao Thanh tra Thành phố chủ trì kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện; tham mưu giải quyết các tồn tại, vướng mắc và xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố, tổng hợp kết quả, dự thảo Báo cáo của UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 
 
8 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố đã triển khai 1.427 dịch vụ công trực tuyến, mức độ 3, 4, đạt 79%
 
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội tại văn bản số 278/BC-UBND ngày 4/9/2019, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đạt được một số kết quả nổi bật sau: 
 
- Chỉ đạo xây dựng Chương trình mục tiêu, Kế hoạch CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0). Năm 2019, Thành phố phấn đấu hoàn thành việc kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia. 
 
- Duy trì, triển khai 02 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: (i) Duy trì, khai thác hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về Dân cư, Doanh nghiệp, Bảo hiểm. Đồng thời triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về Đất đai, Tài chính. (ii)  Hoàn thiện, nâng cấp, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành trong các lĩnh vực: Nội vụ, Đầu tư, Y tế, Giáo dục, Công thương, Nông nghiệp, Quy hoạch, Xây dựng, Tài nguyên, Văn hóa. 
 
- Kể từ ngày 24/10/2018 (sau 07 tháng hoạt động), Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 03 cấp Thành phố đi vào vận hành giúp công tác quản lý, theo dõi và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết TTHC các cấp, các ngành trong Thành phố thuận lợi, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy định hiện hành giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được công khai trên hệ thống dùng chung Thành phố. Tính đến 28/8/2019 là 1.427 DVCTT/1.839 TTHC (trong đó 24 TTHC chưa đáp ứng triển khai DVCTT) đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 (đạt 79%). Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đạt 100% TTHC triển khai thực hiện DVC TT mức độ 3, 4 (không bao gồm các TTHC nội bộ, quy trình theo quy định chưa đủ điều kiện triển khai). 
 
- Trong năm 2019, Thành phố sẽ triển khai nâng cấp, triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành Thành phố tập trung, hình thành CSDL hành chính cốt lõi phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp, các ngành trong Thành phố. Đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện từng bước số hóa dữ liệu làm cơ sở tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố theo hướng dẫn của các Bộ, ngành.
 
- Trong năm 2019, trên cơ sở Thỏa thuận phối hợp giữa UBND thành phố Hà Nội và Ban Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi là hai Bên) về Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng CNTT của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã tiếp tục phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đã thỏa thuận; mời Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng - Bộ Quốc phòng tham gia, tư vấn, hỗ trợ đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT của Thành phố trong thời gian tới.  UBND Thành phố đã chỉ đạo thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Thành phố; chủ động phối hợp với Công an Thành phố các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp nhận các thông tin cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng, hướng dẫn khắc phục lỗ hổng gây mất an toàn thông tin trên các Cổng thông tin điện tử, Website của các đơn vị trong thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục, hạn chế những nguy cơ làm thay đổi giao diện, lộ, lọt, mất thông tin trên không gian mạng. Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực chuyên trách về CNTT; Hầu hết các đơn vị đã thiết lập hệ thống tường lửa, sử dụng phần mềm diệt virus; một số đơn vị có hệ thống cảnh báo truy nhập trái phép. Các hệ thống máy chủ, CSDL đều sử dụng phần mềm có bản quyền.
 
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT thành phố Hà Nội đến năm 2025
 
UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 5/9/2019 về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2025; ưu tiên, khuyến khích việc thành lập, tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị các loại hình, TDTT truyền thống, thể thao dân gian; các môn thể thao thành tích cao có tiềm năng phát triển; các môn thể thao du nhập phù hợp với thuần phong mỹ tục và sở thích của người dân Thủ đô. Triển khai các hoạt động xã hội hóa TDTT phù hợp với các vùng dân cư; chú trọng phát triển mạnh mẽ xã hội hóa các dịch vụ TDTT chất lượng cao; thúc đẩy sự sáng tạo về cách làm, tạo điều kiện thuận lợi để mọi lực lượng xã hội quan tâm hơn đến đầu tư phát triển và hưởng thụ thể dục thể thao với chất lượng ngày càng cao. Nguyên tắc xã hội hóa: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân tự bỏ vốn thực hiện; Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế chính sách không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư.
 
Hoạt động xã hội hóa TDTT cụ thể như sau: (1) Xã hội hóa Thể dục thể thao quần chúng bao gồm TDTT trên địa bàn quận, huyện, thị xã; TDTT trong trường học; TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. (2) Xã hội hóa Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp. Về thể thao chuyên nghiệp: từng bước khuyến khích việc xã hội hóa các môn thể thao theo 3 mức: các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức 10%: Thể dục, Điền kinh, Bơi lội, Bóng ném, Cử tạ, Bi sắt. Các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức dưới 30%: Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật, Xe đạp, Đấu kiếm, Cầu mây, Đua thuyền, Vật. Các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức trên 70%: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Khiêu vũ thể thao.
 
UBND Thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động xã hội hóa TDTT trên tinh thần bình đẳng trước pháp luật, được hưởng những chính sách đãi ngộ, chính sách khen thưởng của nhà nước một cách thuận lợi. Khuyến khích và cho phép cá nhân, tổ chức ngoài công lập được đầu tư xây điểm vui chơi giải trí, hoạt động TDTT từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ sở. Xây dựng các chính sách đối với hoạt động tài trợ, quảng cáo, môi giới, chuyển nhượng VĐV, HLV trong lĩnh vực TDTT; khuyến khích thành lập các công ty tiếp thị và quảng cáo thể thao để tạo điều kiện nhanh chóng phát triển thị trường TDTT.
 
Đẩy mạnh các phong trào phát triển TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025
 
Nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động Thể dục thể thao quần chúng, hình thành nề nếp rèn luyện thân thể thường xuyên cho người dân, tại Kế hoạch số 199/KH-UBND, UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị đẩy mạnh các phong trào phát triển Thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu sau: Về tiêu chí số người tập luyện TDTT thường xuyên: 42-43% dân số; Về tiêu chí số gia đình thể thao: 30-33% tổng số hộ gia đình; Về tiêu chí HLV, HDV, cộng tác viên TDTT: 100% có trình độ chuyên môn TDTT; Về tiêu chí số câu lạc bộ TDTT: 100% CLB TDTT được thành lập theo quy định, tổ chức các hoạt động thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và thành tích thể thao cho người tập; Về tiêu chí số công trình thể thao: Mỗi xã phường thị trấn có: Nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng. Bể bơi đơn giản hoặc bể bơi thông minh. Sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời. Tối thiểu 50% xã phường thị trấn có điểm tập TDTT miễn phí ngoài trời. Về tiêu chí số giải thể thao quần chúng: Cấp thành phố: từ 55-60 giải/năm; Cấp quận, huyện, thị xã: từ 30-35 giải/năm; Cấp xã, cơ quan, trường học: từ 5-6 giải/năm.
 
Về xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, công trình cho hoạt động TDTT quần chúng, Tiếp tục thực hiện đề án, quy hoạch về TDTT trong đó tập trung đầu tư, nâng cấp, xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, quỹ đất cho hoạt động TDTT đạt: 5,5m2/người dân.- Đầu tư cơ sở vật chất dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời tại các điểm công trình công cộng (Công viên, vườn hoa, hành lang xanh) quận, huyện, thị xã phục vụ nhân dân rèn luyện sức khỏe). Sử dụng có hiệu quả các Nhà văn hóa - khu thể thao, các thiết chế văn hóa TDTT xã phường thị trấn. Cấp quận, huyện, thị xã: Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các công trình TDTT theo quy định tại Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010. Tiếp tục nâng cấp và xây mới các công trình TDTT đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tổ chức các hoạt động TDTT TP, quốc gia, quốc tế.
 
Đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phương án tổng thể phát triển không gian văn hóa thương mại dịch vụ tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên quận Hoàn Kiếm
 
Ngày 5/9/2019, tại Thông báo số 1042/TB-UBND, Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất kết luận như sau: Đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phương án tổng thể phát triển không gian văn hóa thương mại dịch vụ tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên quận Hoàn Kiếm và ý tưởng phân chia chức năng khu vực sử dụng theo chủ đề. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, trình duyệt phương án thiết kế quy hoạch theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/9/2019. 
 
Giao UBND quận Hoàn Kiếm đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế tổng thể và chi tiết dự án; đề xuất mô hình cơ chế đầu tư, cơ chế khai thác kinh doanh đảm bảo đúng quy định về quản lý và sử dụng tài sản công; đề xuất hình thức đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo UBND Thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 10/9/2019.

Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t