Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh (15:15 20/05/2021)


HNP - Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế Thủ đô phát triển ổn định, bền vững...

Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ TP năm 2020


Nhiều chuyển biến tích cực
 
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã các nhiệm vụ cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này thể hiện ở chỗ, ngoài tổ chức hàng loạt hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” thu hút hàng nghìn người tiêu dùng tham gia…, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật được thành phố rất chú trọng nhằm vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấy rõ trách nhiệm, tự giác chấp hành; đồng thời, tích cực hưởng ứng đấu tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tố giác với cơ quan chức năng các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cảnh giác cao đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, các sản phẩm không rõ nguồn gốc gây hậu quả về sức khỏe, hoặc thiệt hại tài chính cho người tiêu dùng.
 
Đặc biệt, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp của các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố, không hoang mang, lo lắng thái quá tích trữ thực phẩm, hàng hóa; thường xuyên thông tin, tuyên truyền khẳng định thành phố cung ứng đủ hàng hóa cho mọi người dân và bình ổn giá bất cứ khi nào có diễn biến xấu nhất về dịch bệnh; kịp thời nắm bắt tình hình, tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đơn kiến nghị về bảo vệ người tiêu dùng cũng được các cơ quan chức năng thành phố giải quyết kịp thời. Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra xử lý 7.187 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 183 tỷ đồng; Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện tổng số 1.538 vụ liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, xử phạt vi phạm hành chính 1.475 vụ và khởi tố 63 vụ việc…
 
Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2021
 
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, nên hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính. Trong bối cảnh cả nước đã và đang triển khai hiệu quả "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố với quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như quyết tâm của nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
 
Tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất
 
Phát huy kết quả đạt được, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất, năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 02/5/2019 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”… Trong đó huy động sức mạnh của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị.
 
Hội chợ giúp các doanh nghiệp, hiệp hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường 
 
Đi đôi với thường xuyên rà soát, thực hiện đồng bộ, thống nhất các quy định của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng…, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định có liên quan để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động có hiệu quả. Cảnh báo sớm cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng từ các hàng hóa không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đồng thời răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật thương mại.
 
Cùng với việc phối hợp các bộ, ngành trung ương cập nhật thông tin mới nhất liên quan chính sách bảo vệ người tiêu dùng, chống gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; phối kết hợp với các cơ quan truyền thông phản ánh công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để giáo dục, phòng ngừa vi phạm…
 
Những nỗ lực của thành phố và các cấp, các ngành sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t