Tọa đàm về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa (12:27 24/07/2018)


HNP - Chiều 23/7, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa  theo quy định của điều 11 Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm phát luật, quy định chi tiết. 

Hiện, thành phố có 5.922 di tích và là địa phương có di tích lớn nhất cả nước. Tuy vậy, Hà Nội cũng có hàng nghìn di tích bị xuống cấp, trong đó có khoảng 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Do số lượng di tích xuống cấp lớn nhưng nguồn lực đầu tư chủ yếu từ ngân sách cấp huyện, cấp xã bố trí còn hạn hẹp và từ nhân dân đóng góp tự nguyện chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, nguồn kinh phí chỉ để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống đổ sập, hủy hoại di tích đối với di tích xuống cấp trầm trọng cũng bị thiếu, hiện đang có nguy cơ sập đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão.
 
Theo bà Lê Cẩm Tú, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Tại các quận nội thành đã cân đối được nguồn vốn để đầu tư tu bổ di tích, nhưng ở rất nhiều huyện, đặc biệt ở các huyện quản lý khối lượng lớn di tích, hiện nay chưa bố trí được nguồn kinh phí, cũng chưa huy động được nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư tu bổ. Kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn giai đoạn 2013-2015 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt để hỗ trợ đầu tư nhưng nhiều di tích chưa được đầu tư hoặc đầu tư dở dang do huyện không cân đối được nguồn vốn đối ứng.
 
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.206 lễ hội truyền thống. Trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, kéo co ngồi ở hội đền Trấn Vũ và kéo mỏ ở hội đền Vua Bà (hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co), 1 di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO là ca trù. Hà Nội cũng có 39 nghệ nhân có những đóng góp đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản được Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015.
 
Mặc dù vậy, nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị lụi tàn, mai một do sức ép của quá trình đô thị hóa, không đủ sức tồn tại, cạnh tranh. Trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp như: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ), hát trống quân Khánh Hà (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín), hát trống quân thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên), hát ví xã Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai), hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), hát ca trù xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai)...
 
Sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Hà Nội đã chủ động đa dạng các nguồn đầu tư (kinh phí cấp Trung ương, cấp Thành phố, cấp huyện và huy động xã hội hóa) để bảo tồn kho tàng di sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nguồn lực huy động xã hội hóa cho các tác tu bổ mới chỉ tập trung được vào một vài di tích được thổi phồng yếu tố tâm linh. Đối với các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, đình, đền… vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư của Thành phố thì có hạn…
 
Tại buổi tọa đàm, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã bày tỏ mong muốn ngành văn hóa Thủ đô cần rà soát lại các danh mục di sản cần phải bảo tồn, từ đó đưa ra các đề xuất giải pháp và cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn và bảo tồn. Song, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, các đại biểu cho rằng địa phương sở hữu các di sản có giá trị lớn không nên chỉ tập trung huy động tiền mặt cho công tác bảo tồn mà cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư. Đồng quan điểm với lãnh đạo Sở Tư pháp, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng cho rằng, để tăng nguồn lực đầu tư cho tu bổ di tích xuống cấp cần đa dạng hóa nguồn đầu tư, một mặt mở rộng hình thức đầu tư, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đầu tư…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t