Làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp quận huyện trong quản lý nhà chung cư (11:45 06/07/2018)


HNP  - Tiếp tục nội dung chất vấn về công tác quản lý nhà chung cư tại kỳ họp thứ Sáu, HĐND TP khóa XV, Chủ tịch UBND các quận Hà Đông, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm đã trả lời các câu hỏi của đại biểu.

Đại biểu Lê Vinh Sơn chất vấn tại kỳ họp


Tiếp tục tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) cho biết, hiện các tòa chung cư thương mai đã thành lập được các Ban quản trị tuy nhiên hoạt động còn hạn chế do kiến thức cũng như không được cập nhật các văn bản mới... Đề nghị Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm và hướng khắc phục vấn đề này?
 
Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh chất vấn tại kỳ họp

Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn), hiện tại, nhiều chung cư thương mại xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị tòa nhà với cư dân, ví dụ như tại Toà nhà Victoria ở Hà Đông. Đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết trách nhiệm của quận ở việc kiểm tra, giám sát vấn đề này như thế nào?
 
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đặt câu hỏi về việc  bao giờ Thành phố có hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành toà nhà tái định cư? Đại biểu Hồ Vân Nga (Quốc Oai) chất vấn về việc 21 địa điểm kinh doanh tầng 1 của các nhà tái định cư do cư dân sử dụng không đúng phép, nhưng hiện nay còn 12 địa điểm chưa thu hồi, vậy nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm do ai?
 
Đại biểu Lê Vinh Sơn (Đông Anh) chất vấn: Theo quy định, UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp tình hình địa phương, nhưng vẫn còn nhiều bất cập như để xảy ra việc chậm chế tài xử lý, chậm thành lập BQT, bàn giao hồ sơ. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm tham mưu của Sở? Căn cứ nào để xử lý vi phạm? Trách nhiệm thẩm quyền nào xử lý bức xúc của cử tri?
 
Theo Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm), trên địa bàn một số quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… còn nhiều tòa nhà chưa thành lập BQT, chậm bàn giao hồ sơ, bàn giao phí bảo trì khiến cư dân bức xúc. Đề nghị UBND các quận nói trên làm rõ trách nhiệm?
 
Đại biểu Vũ Ngọc Anh phát biểu tại phiên chất vấn

Trả lời chất vấn, về ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Khánh, vấn đề trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các ban quản trị, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, theo thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết, trong đó, có quy định các ban quản trị đều do cư dân chọn. Hiện, đã bầu được 310 ban quản trị trong các chung cư thương mại và 71 chung cư tái định cư. Việc đào tạo là chính xác, và trách nhiệm này thuộc về sở Xây dựng. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và ban hành các cơ chế chính sách.
 
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Đức của Thanh Xuân, nhà chung cư tái định cư đã được hỗ trợ từ nguồn thu các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
 
Với câu hỏi của đại biểu Hồ Vân Nga về việc, từ ngày 10/2/2017, UBND TP có quyết định thu hồi 21 địa điểm diện tích kinh doanh tầng 1 các nhà chung cư tái định cư cho kinh doanh không hợp pháp nhưng vẫn có 12 địa điểm chưa thu hồi được, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong tháng 7 này, sẽ trình UBND TP thu hồi 12 điểm kinh doanh dịch vụ này và đã giao cho 3 quận Tây Hồ, Ba Đình và Cầu Giấy để triển khai thực hiện thu hồi.
 
Đại biểu Hồ Thị Vân Nga phát biểu tại kỳ họp
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Sơn về chế tài xử phạt chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không bàn giao dện tích diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, không bàn giao hồ sơ... Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thông tư số 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã có chế tài xử phạt với chủ đầu tư cố tình vi phạm. Sở Xây dựng đã tổ chức 48 cuộc thanh kiểm tra, xử phạt hơn 800 triệu đồng.
 
Theo sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch UBND các quận Hà Đông, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm sau đó lần lượt tham gia làm rõ thêm về nội dung quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn và thu hồi địa điểm điện tích kinh doanh tầng 1 các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn đã cho kinh doanh không hợp pháp.
 
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, trên địa bàn quận có 70 tòa nhà chung cư và cụm chung cư đi vào hoạt động, trong đó, đã thành lập 59 BQT, đạt tỷ lệ 67,2%. Số chung cư còn lại thuộc hai trường hợp, hoặc đủ điều kiện thành lập BQT nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư hoặc số căn hộ chưa đủ 50% nên chưa đủ điều kiện thành lập. Trong quá trình quản lý vận hành các chung cư này cũng đã xảy ra nhiều vướng mắc, mâu thuẫn giữa BQT, chủ đầu tư, người dân về các diện tích sở hữu chung riêng, kinh phí bảo trì 2%, tài chính không minh bạch, năng lực ban quản trị không bảo đảm... Trước tình hình đó, quận thường xuyên chỉ đạo các phòng ban thường xuyên kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà.
 
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng trả lời tại phiên chất vấn

Riêng Toà Victoria đã thành lập BQT, chủ đầu tư đã chuyển 100% phí bảo trì. Tuy nhiên, cư dân có đơn thư ý kiến nghị, tập hợp hơn 775 chữ ký yêu cầu "phế truất" BQT cũ do hoạt động không minh bạch, yêu cầu thành lập BQT mới. Quận Hà Đông đã chỉ đạo phường Phú La có 5 cuộc làm việc với BQT, cư dân tòa nhà để giải quyết các vướng mắc này. Dự kiến, trong tháng 7, sẽ tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm BQT tòa nhà.
 
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, hiện, trên địa bàn quận có các loại chung cư gồm: chung cư cũ, chung cư cao tầng, chung cư thương mại, chung cư tái định cư. Nội dung được quan tâm nhất là công tác PCCC và công tác vận hành quản lý hoạt động của các tòa chung cư cũ. Hiện nay, với 123 chung cư cao tầng đã thành lập 89 Ban quản trị. Các chung cư chưa đủ điều kiện đang thành lập 31 Ban quản trị, trong đó, có 13 ban quan trị của các chung cư thương mại, 18 Ban quan trị của các chung cư tái định cư. Các tòa chưa thành lập được Ban quản trị là do các chủ đầu tư vẫn đang trì hoãn. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà tái định cư không có quỹ bảo trì, đảm bảo tài chính duy tu nên cư dân không muốn thành lập ban quản trị. Về vấn đề này, TP đã có chỉ đạo Ban quản lý các công trình xây dựng VHXH và quận để bổ sung các hạng mục PCCC và hạng mục sửa chữa. Trong thời gian tới, quận sẽ phối hợp với các đơn vị để thành lập ban quản trị. 
 
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quận đã thành lập được 72/106 Ban quản trị tại các nhà chung cư, đối với những căn chung cư còn lại chưa thành lập Ban quản trị thì có nguyên nhân cụ thể. Thứ nhất là tại nhiều khu nhà, cư dân ở đó rất đồng tình với việc chủ đầu tư điều hành, quản lý và cho rằng, nhiều tòa nhà sau khi thành lập Ban quản trị thì việc duy tôn, duy trì nhà kém hơn so với thời điểm chủ đầu tư quản lý. Thứ 2 là có nhiều tòa nhà chưa đảm bảo đủ số người dân vào ở. Thứ 3 là việc khi tổ chức hội nghị nhà chung cư, thì có khá nhiều cư dân không tới tham dự.
 
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu trả lời các ý kiến chất vấn

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, hiện, trên địa bàn quận có 123 công trình, cụm công trình toà nhà chung cư và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, 38% dân số quận đang sống tại các chung cư. Trong đó, có 63 trường hợp nhà chung cư được hình thành trước năm 2005, không có quỹ bảo trì nên rất khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, tại các toà nhà này, người dân cũng chưa hoàn toàn mong muốn thành lập BQT, mà cho rằng để chủ đầu tư tự vận hành sẽ tốt hơn. Nhưng về lâu dài, việc này sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật nên Quận đã có kế hoạch vận động người dân bầu ra Ban Quản trị.
 
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt phát biểu tại phiên chất vấn

Bên cạnh đó, tại Nam Từ Liêm hiện có 60 công trình, cụm công trình chung cư đủ điều kiện nhưng mới thành lập được 55 Ban Quản trị; 5 nhà chung cư còn lại chưa thành lập được Ban Quản trị vì chủ đầu tư cố tình chây ì, gây khó khăn. Với các trường hợp này, UBND quận Nam Từ Liêm sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, kiên quyết yêu cầu thành lập Ban Quản trị theo đúng chỉ thị của UBND TP và quy định của pháp luật. 
 
Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, trên địa bàn quận Long Biên có 71 tòa chung cư, trong đó, có 49 tòa chung cư đã thành lập BQT, còn lại 22 tòa chung cư chưa thành lập BQT. Đối với 22 tòa nhà chung cư chưa thành lập BQT, quận Long Biên xin làm rõ, hiện có 14 chung cư chưa đủ 50% số cư dân, do vậy, không đủ điều kiện để thành lập BQT. Bên cạnh đó, có 8 tòa chung cư đã đủ số dân sinh sống, tuy nhiên, tổ chức hội nghị chung cư thì chưa có đủ số lượng bầu BQT theo quy định, căn cứ vào thực tế cũng chưa đủ điều kiện để thành lập BQT. Đối với 8 tòa nhà chung cư chưa đủ số lượng, quận đã có chỉ đạo tới UBND các phường, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu được BQT. Tại thời điểm HĐND quận tiến hành giám sát, có 6 đơn vị chưa bàn giao quỹ bảo trì, quận đã làm việc với chủ đầu tư và đề nghị bàn giao, cả 6 chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t