Lãnh đạo TP Hà Nội viếng Giáo sư Phan Huy Lê (09:31 27/06/2018)


HNP - Sáng 27/6, đoàn Đại biểu Thành ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ TP Hà Nội, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn, đã đến Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội viếng Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú Phan Huy Lê.

Đoàn đại biểu TP Hà Nội viếng Giáo sư Phan Huy Lê


Tham gia đoàn còn có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Thành ủy - HĐND – UBND – UB MTTQ TP Hà Nội kính viếng”.
 
Xúc động ghi sổ tang tiễn biệt Giáo sư Phan Huy Lê, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng viết: Thành ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ TP Hà Nội vô cùng thương tiếc Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê – Công dân Thủ đô ưu tú; người thầy mẫu mực, nhà khoa học suốt đời tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục – văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước.
 
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23/2/1934, tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam trong nửa thế kỷ qua bằng những đóng góp to lớn với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ và có giá trị. Ông đã được tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)...
 
Cùng với những đóng góp to lớn đối với nền sử học của Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê còn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Nội. Đó là những ý kiến quý báu về việc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long để giữ gìn và phát huy giá trị của di sản quốc gia đặc biệt này, đồng thời, đóng góp công lao trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ có sức thuyết phục để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Giáo sư Phan Huy Lê còn tham gia Hội đồng Tư vấn khoa học về bộ sách 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông cũng là người đã đưa ra nhiều ý kiến để góp sức cùng lãnh đạo Hà Nội giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển khi xây dựng các công trình ở Thủ đô. Với những đóng góp cho Hà Nội, Giáo sư Phan Huy Lê đã được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú trong đợt đầu tiên, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).
 

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t