Lễ hội đầu Xuân 2023: Chuẩn bị chu đáo và đảm bảo an toàn (20:35 26/01/2023)


HNP - Với hơn một nghìn lễ hội lớn, nhỏ, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, Hà Nội là một trong những địa phương sở hữu nhiều lễ hội nhất trên cả nước, trong đó, có nhiều lễ hội nổi tiếng, lễ hội vùng, lễ hội tổ chức trong thời gian dài… thu hút hàng vạn du khách hành hương, trẩy hội. Đây là niềm tự hào song cũng đặt ra những áp lực không nhỏ cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội dịp đầu Xuân mới trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong bối cảnh các hoạt động lễ hội phải tạm dừng 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Lễ hội chùa Hương 2023


Sau Tết Nguyên đán là thời điểm các lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội tưng bừng khai hội. Dó đó, thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa. Thông tin từ Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2023, năm nay, lễ hội chính thức mở từ ngày 27/1 và kéo dài đến hết ngày 23/4 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến mùng 4 tháng 3 Âm lịch). Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón tiếp du khách về trẩy hội. Cụ thể, Ban tổ chức đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát và 1 tổ kiểm tra liên ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh, vệ sinh môi trường… và nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, lễ hội năm nay sẽ chuyển đổi hình thức bán vé tham quan truyền thống sang mô hình vé điện tử.

Một trong những lễ hội tổ chức sớm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách thập phương là lễ hội Gò Đống Đa sẽ khai mạc vào ngày 26/1 (tức mùng 5 tháng Giêng Âm lịch). Năm nay, quận Đống Đa tổ chức lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, qua đó, không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc. Phần lễ diễn ra với lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu, lễ dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Phần hội có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian…

 

Lễ hội Gò Đống Đa khai mạc vào ngày 26/1 (tức mùng 5 tháng Giêng Âm lịch)


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa năm nay gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch. Cùng với đó là việc 2 năm qua, lễ hội không được tổ chức, dự báo sẽ tăng đột biến lượng khách thập phương về tham quan, trẩy hội. Xác định điều này, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được chú trọng khắc phục trong dịp này. Ban tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe, tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…

 

Lễ hội Cổ Loa năm nay gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch

 

Đối với Lễ hội Gióng ở Đền Sóc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: Địa phương đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ. Các hoạt động văn hóa như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, thi đấu vật, nấu cơm, kéo co… được tổ chức tại nhiều điểm trong không gian di sản, giảm tại việc tập trung đông người ở khu vực hành lễ. Việc phát lộc hoa tre đầu năm vẫn được duy trì như các năm trước, thay thế cho hình thức “cướp lộc” dễ phát sinh chen lấn, giẫm đạp phản cảm…

Nhằm quản lý, tổ chức tốt lễ hội đầu Xuân năm 2023, Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của lễ hội. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị các Ban Tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như bói toán; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử-văn hóa, Ban tổ chức cần nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…

Sau nhiều năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm 2023, hứa hẹn diễn ra một mùa lễ hội đông vui, nhộn nhịp và đảm bảo an toàn.


Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t