Hợp tác liên kết xúc tiến tiêu thụ nông sản: Mở rộng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (12:05 28/12/2020)


HNP - Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các hoạt động tiêu thụ nông sản. Song nhờ chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là hợp tác với các tỉnh, thành phố trong kết nối, tiêu thụ nông sản, qua đó tiếp tục mở rộng các chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ. Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng tới nhiều ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh, vậy việc hợp tác, kết nối, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố có bị đứt gãy hay không, thưa ông?
 
- Dù tác động ít hay nhiều, hoạt động hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố cung ứng nông sản an toàn cho người Tiêu dùng Thủ đô trong năm 2020 cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, các hoạt động vẫn duy trì bình thường. Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm. Đến nay, đã xây dựng, phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 243 chuỗi (tăng 44,7%) so với năm 2018, trong đó, có 253 chuỗi thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Một số địa phương có một số chuỗi phát triển tăng như tỉnh Hà Nam năm 2015 có 13 chuỗi cung ứng cho thị trường Hà Nội, đến năm 2020, con số này được nâng lên 21 chuỗi, tăng 160%. Giai đoạn 2013-2016, tỉnh Sơn La có 28 chuỗi cung ứng, đến nay đã tăng lên 144 chuỗi, tăng 51,4%...
 
- Số lượng chuỗi cung ứng cho Hà Nội là khá nhiều. Song mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Thủ đô là vấn đề an toàn thực phẩm. Việc này được kiểm soát như thế nào, thưa ông?
 
- Theo tôi, việc hợp tác quản lý chất lượng, an toàn nông sản, thực phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khá tốt. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã không ngừng nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn các sản phẩm nông sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi. Công tác phối hợp trao đổi kinh nghiệm quản lý, tham quan học tập cũng được duy trì thường xuyên. Trong các chương trình còn có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản.
 
Không chỉ có vậy, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, công tác lấy mẫu giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm túc. Năm 2020, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.162 mẫu sản phẩm nông sản giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhập lưu thông trên thị trường Hà Nội. Ngoài ra, các đơn vị: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cũng đã tiến hành lấy 639 mẫu nông sản để phân tích. Các mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, các đơn vị đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, đồng thời tiến hành việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở có mẫu vi phạm khắc phục kịp thời. Việc hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố cũng đã được các đơn vị của Sở NN&PTNT kết hợp thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất.
 
Song song công tác thanh tra, kiểm chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, công tác phối hợp trong phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật… giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống cho 2.830 cơ sở, tăng 40% (846 cơ sở) so với năm 2018; cấp 8.589 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản đủ điều các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống, tăng 5.389 mã sản phẩm, tăng 80% so với năm 2018; đăng ký tài khoản cho trên 7.000 thành viên trên trang giao dịch trực tuyến…
 
- Thưa ông, thực tiễn cho thấy, quá trình lấy mẫu giám sát kiểm tra các chỉ tiêu an toàn nông sản thực phẩm và thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, cơ quan chức năng vẫn phát hiện vi phạm, như vậy công tác phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô vẫn còn những hạn chế, khó khăn?
 
- Đúng vậy. Trong thực tiễn, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, có nơi đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh nhưng chưa phát triển được, cũng có nơi đã định hình vùng sản xuất mới nhưng chưa thể tổ chức thực hiện theo quy hoạch. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của hầu hết các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ… Chất lượng nông sản của từng vùng, miền cũng chưa thật sự đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn yếu, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp. Hoạt động liên kết đưa sản phẩm của các hợp tác xã, hộ nông dân tiêu thụ trong các siêu thị và chuỗi cửa hàng hiện đại còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ổn định về chất lượng, giá cả, vận chuyển, bảo quản… Vấn đề vận chuyển nông sản, đặc biệt là nông sản tươi sống còn nhiều hạn chế về phương tiện vận chuyển hiện đại, ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ cung ứng, chất lượng sản phẩm, chưa xây dựng được hệ thống logistic hoàn chỉnh để có thể lưu giữ sản phẩm của các tỉnh, thành phố được bảo đảm, giá cả ổn định…
 
- Để tạo thị trường ổn định, cung cấp nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, công tác hợp tác giữa Sở NN&PTNT Hà Nội với các tỉnh, thành phố sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
 
- Bên cạnh phát huy những mặt tích cực, khắc phục hạn chế, khó khăn, để tạo thị trường tiêu thụ nông sản ổn định của cả Hà Nội và các tỉnh, thành phố, năm 2021, Sở NN&PTNT sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ. Đi đôi với tham mưu thành phố cơ chế, chính sách tiếp tục duy trì, phát triển bền vững các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sản phẩm, chúng tôi sẽ ưu tiên số một cho công tác thông tin, truyền thông. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm, kiến thức, cơ chế, chính sách liên quan đến liên kết chuỗi tới người sản xuất, kinh doanh nông sản. Hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn và tin dùng sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm theo chuỗi. Cùng với việc đa dạng kênh tuyên truyền, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân sản xuất kinh doanh nông sản an toàn vì một sức khỏe cộng đồng; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham quan học tập, đào tạo, tập huấn về công nghệ sản xuất, chế biến tiên tiến, công nghệ cao tại nước ngoài. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t