Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội sáng tạo, tâm huyết lần 3:


Bài 4: Tăng hứng thú bằng các phương pháp học hiện đại (10:01 30/09/2019)


HNP - Trong đợt xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm nay, 40 nhà giáo khối THPT đã trình bày những sáng tạo nổi bật trong đổi mới phương pháp học tập tích cực lấy học sinh làm trung tâm. 

Cô Lưu Thị Thu Hòa, Trường THPT Việt Đức thuyết trình tại buổi xét duyệt


Giảm áp lực, tăng hứng thú
 
Với tinh thần “Giảm áp lực, tăng hứng thú”, biến học tập thành niềm vui và nhu cầu tự thân, cô Lưu Thị Thu Hà, Trường THPT Việt Đức, đã áp dụng linh hoạt nhiều hình thức và phương pháp dạy học tích cực nhằm khơi gợi niềm say mê hứng thú, khám phá tiềm năng còn ẩn sâu trong các em, từ đó, nâng đỡ nhân cách học trò, hướng tới giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Trong giờ học, cô thường lồng ghép các buổi talkshow “Tại sao không?”, trong đó, học sinh đóng vai MC, giáo sư Sử học... cùng thảo thuận về bài học. Cô cũng hướng dẫn học sinh khai thác tư liệu từ thư viện Hà Nội để tự tay làm ra những cuốn sách, cuốn tạp chí văn học, nghệ thuật. Học sinh nhờ thế đã phát huy được những cá tính và tài năng nghệ thuật độc đáo.
 
Cô Vũ Thị Hiền, Trường THPT Quốc Oai, lại khuyến khích học sinh sáng tác thơ Haiku của Nhật và thơ lục bát của Việt Nam, nhằm khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo, đưa giờ văn trở thành một sân chơi trí tuệ, giàu cảm xúc và hào hứng. Đây là công trình sáng kiến mà cô tâm đắc nhất và dự định sẽ thực hiện nhiều năm. Trên thực tế giảng dạy, mặc dù không có một đề kiểm tra hay bài thi nào yêu cầu học sinh sáng tác một tác phẩm thơ nhưng cô nhận thấy tạo cho các em học sinh một tâm thế chủ động của người sáng tạo sẽ kích thích sự hứng thú trong các giờ học văn và thu được hiệu quả học tập cao.
 
Cùng với những cách làm sáng tạo giúp tăng hứng thú cho học sinh, các giáo viên cũng có những cố gắng nổi bật để chuẩn bị tâm thế cho học sinh trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường THPT Nguyễn Siêu, khi tổ chức chương trình giao lưu hai chiều của học sinh của trường với trường Galile của Ý hay sự kiện “Ngày hội văn hóa Việt Nam - Đan Mạch”. Cô Nhàn cho biết đích đến của học sinh Nguyễn Siêu không chỉ là đỗ đại học mà còn là phải nổi trội về khả năng sử dụng Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
 
Sản phẩm công nghệ giáo dục có giá trị thực tiễn cao
 
Để lôi cuốn học sinh trong giờ học lịch sử, cô Nguyễn Thị Phượng, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông, hướng dẫn các em tìm hiểu, thu thập, thông tin, nghiên cứu tài liệu, những câu nói nổi tiếng để lập nên những trang cá nhân cho các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Ví dụ như facebook của Trần Hưng Đạo, Instagram của Lê Lợi…. Các em đã vô cùng hào hứng tham gia và lồng vào nội dung lịch sử khô khan những câu nói rất hồn nhiên đúng lứa tuổi các em.
 
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Hà Nội, thành viên Hội đồng xét duyệt rất ấn tượng với sáng kiến đưa mạng xã hội vào để tạo môi trường học tập phù hợp với học sinh hiện nay. Theo ông, trong khi nhiều trường học cấm học sinh sử dụng mạng xã hội thì các thầy cô giáo lại tận dụng được lợi thế của mạng xã hội vào công tác giảng dạy, lôi cuốn học sinh tham gia vào giờ học một cách tự giác và sôi nổi.
 
Thầy Vũ Tất Tạo, Trường THPT Lê Ngọc Hân gây xúc động vì sự tâm huyết và sáng tạo với nghề
 
Trong khi đó, cô Chu Thị Thu Hương, Trường THPT Tân Lập luôn tìm kiếm giải pháp công nghệ để hỗ trợ học sinh tự học hóa học. Cô đã tạo nên và nhân rộng mô hình website hoahocthatladongian.com, gồm những video bài giảng kèm bài tập và đáp án cung cấp toàn bộ nền tảng hóa học phổ thông cho học sinh.
 
Các thành viên Hội đồng xét duyệt đã đánh giá rất cao sáng kiến của cô Chu Thị Thu Hương và mong muốn sẽ cung cấp cho cô những công cụ, kiến thức, nền tảng để xây dựng một sản phẩm chuyên nghiệp hơn. Ngược lại, cô Hương cũng có mong muốn sẽ nhận được sự trợ giúp để mở rộng mô hình sáng tạo của mình, sao cho tiếp cận với học sinh nhiều hơn, tạo nên những thay đổi thiết thực hơn nữa. 
 
Các nhà giáo trẻ cũng đã được truyền cảm hứng về lòng tận tâm theo đuổi con đường dạy học từ thầy giáo Vũ Tất Tạo, Trường THPT Lê Ngọc Hân. Thầy Tạo đã ngoài 80 tuổi vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục, bền bỉ và tin tưởng sẽ tạo nên một trường học hạnh phúc, ở đó học sinh biết tự phấn đấu và phát huy được năng lực tiềm ẩn của mình…
 
Đổi mới và sáng tạo
 
Năm 2019, đánh dấu mốc năm thứ 3 Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các nhà giáo trên khắp địa bàn Thành phố Hà Nội. Đây là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học. Đồng thời, quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động.
 
Kết thúc 5 ngày xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 3, bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội nhận định: Giải thưởng năm nay đã có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo, các đề tài đã vận dụng được những phương pháp giáo dục tiên tiến phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Do đó, chất lượng năm nay có nhiều điểm mới và kết quả đạt được cũng tốt hơn.
 
Hội đồng xét duyệt hy vọng các thầy cô luôn giữ vững tinh thần nhiệt huyết và sáng tạo để bồi dưỡng niềm đam mê cho học sinh qua từng tiết học. Qua đó, truyền cho các em động lực học tập và nuôi dưỡng những khát vọng khám phá và chinh phục cuộc sống trong trái tim các em.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t