Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3


Bài 3: Ứng dụng công nghệ tiên tiến (10:01 30/09/2019)


HNP - Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" cấp THCS đã có 30 nhà giáo THCS trình bày những sáng kiến nổi bật. Tuy 1 năm nữa mới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng các thầy cô đã có những thay đổi trong phương pháp dạy học hướng tới phát triển những năng lực riêng biệt của học sinh.

Cô Vũ Bích Phương, Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy thuyết trình tại buổi xét duyệt


Phát triển tố chất nổi trội của học sinh
 
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được xem là giải thưởng cao quý với các nhà giáo. Là nơi phát hiện, khơi gợi và làm lan tỏa trong đội ngũ nhà giáo ngành Giáo dục Thủ đô về sự tâm huyết, sáng tạo trong việc giúp đỡ học sinh yếu kém, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Đây cũng là cơ hội để các nhà giáo Thủ đô cùng khơi nguồn cảm hứng để sáng tạo trong công việc, chung tay góp sức nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh.
 
Tiêu biểu trong những sáng kiến dạy học cho khối THCS của đợt xét duyệt năm nay là Giáo trình dạy học tích hợp trên nền tảng phần mềm công nghệ ONENOTE của cô giáo Vũ Bích Phương, Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Nhờ giáo trình này, cô đã phát hiện ra học sinh có tố chất đặc biệt và khuyến khích các em phát triển năng lực cá nhân. Học sinh của cô đã đạt những thành tích cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Cô còn cùng đồng nghiệp nghiên cứu và biên soạn công trình "Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững". Đây là một sân chơi trao đổi kiến thức sôi nổi dành cho các giáo viên và học sinh trên nền tảng kỹ thuật số.
 
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống giáo dục HOCMAI, thành viên Hội đồng xét duyệt cho biết: Ban giám khảo đánh giá rất cao những sáng kiến này của cô giáo Vũ Bích Phương. Cô Phương không những đã tự tin ứng dụng công nghệ cao vào dạy học mà quan trọng hơn cô đã kết nối được cộng đồng các giáo viên tâm huyết và sáng tạo lại, cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là tinh thần đồng đội mà Hội đồng chúng tôi luôn mong đợi ở các nhà giáo.
 
Kiên nhẫn bền bỉ đồng hành cùng học sinh đặc biệt
 
Tham gia Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" đều là những nhà giáo nhiều tâm huyết và có những sáng tạo độc đáo. Trong đó, điều nổi bật và gây xúc động mạnh cho hội đồng xét duyệt khối THCS là những tấm gương thầy cô tận tâm bền bỉ dạy dỗ, chăm lo cho những học sinh đặc biệt. Thầy Phạm Văn Hoan, Trường PTCS Xã Đàn, là quản lý một trường khuyết tật, thầy đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ để tiếp cận và dạy dỗ học sinh. Thầy dùng âm nhạc góp phần trị liệu cho học sinh khiếm thính, dùng thể dục thể thao trị liệu cho học sinh khiếm khuyết về vận động. Ngoài ra, thầy Phạm Văn Hoan cũng chỉ đạo nhà trường tích cực tham gia phong trào từ thiện, tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn". Theo đó, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động cộng đồng và mang về hàng nghìn suất học bổng mỗi năm giành cho học sinh khuyết tật, dành cho học sinh nghèo vượt khó, dành cho học sinh giỏi với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng…
 
Thầy Phạm Văn Hoan, Trường PTCS Xã Đàn - người thầy tâm huyết và không ngừng sáng tạo vì học sinh khuyết tật
 
Cô Đỗ Thị Thủy, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu lại có sáng kiến tổ chức "Trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối" cho học sinh sáng mắt để các em có sự thấu cảm với những khó khăn, mất mát, thiệt thòi của các bạn khiếm thị. Từ đó, cô gieo vào lòng các em những hạt mầm yêu thương, nhân ái. Đối với học sinh khiếm thị, ngoài sự chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ hơn, cô còn tổ chức chương trình "Năng động cùng thể thao", cho học sinh khiếm thị ở nội trú tập thể dục vào các buổi sáng trước giờ ăn sáng. Lần đầu tiên tổ chức cho 106 học sinh khiếm thị tập luyện Nhảy dân vũ-Giải phóng hình thể. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ kinh phí cho các dụng cụ luyện tập thể thao của học sinh khiếm thị.
 
Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Mạnh, Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, lại khiến đồng nghiệp và Hội đồng khâm phục vì sự tận tâm trong giáo dục học sinh cá biệt. Năm nào thầy cũng được nhà trường giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp cá biệt. Đó là những lớp thiếu sự đoàn kết, nhiều học sinh vi phạm nội quy, nhiều học sinh nghiện chơi game, bỏ bê việc học. Thầy đã có sáng kiến tổ chức câu lạc bộ "Goodbye games" tập hợp các em mê game lại, giao cho các em làm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký câu lạc bộ, cùng giám sát lẫn nhau. Nhờ đó, các em không còn ham chơi game nữa mà tập trung học và đạt kết quả tốt. Theo thầy Mạnh, chơi game không xấu, nhưng nếu ham chơi quá mà bỏ bê việc học thì học sinh không thể thành công trong cuộc sống. 
 
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Hội đồng đã thực sự bị thuyết phục bởi những sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của các nhà giáo THCS. Thầy cô đã thay đổi để nắm bắt được tâm tư học sinh, tôn trọng phong cách học của các em, từ đó, đưa ra phương pháp giáo dục tốt nhất cho từng em. Đó chính là sự khác biệt trong tư duy giảng dạy cho lứa tuổi học sinh THCS, lứa tuổi đang trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý và mong muốn khẳng định cái tôi rất cao.
 
Giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" đã đóng góp vào phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", Hội đồng đã tìm kiếm thêm được những dự án hay và ý nghĩa ở các cấp học.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t