Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ việc đào tạo nghề (14:07 23/04/2019)


HNP - Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, trong thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng nhiệm vụ của mình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.

Ngay sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" được ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời quán triệt đến từng cán bộ nhân viên, trong đó, thường xuyên lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW trong các chương trình hành động, Kế hoạch hoạt động các nhiệm vụ của Sở. Đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2014 - 2018 bằng việc tham mưu, ban hành hàng loạt các văn bản triển khai nhiệm vụ này.

Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm được tăng cường với nhiều giải pháp trong đó có việc đưa vào hoạt động các điểm giao dịch việc làm vệ tinh, đổi mới các phiên giao dịch việc làm; công tác dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực được tiếp tục được đẩy mạnh. Hoàn thành việc xây dựng các chương trình, Kế hoạch, Đề án được giao như: Kế hoạch thực hiện nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 lên 70 - 75%; Kế hoạch thí điểm đào tạo gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố; Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; Đề án "Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố”.

Thành phố cũng đã quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; hoàn thành hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo Kế hoạch số 190/KH-UBND của UBND Thành phố. Đặc biệt, trong năm 2017, đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm của địa phương, đồng thời phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức tốt chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Kết quả, tính đến hết 31/12/2018, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 782.429 người, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 159.849 người với số tiền cho vay 3.755 tỷ đồng; các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động đã đưa 13.950 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2014-2018, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 765 phiên giao dịch việc làm với 25.868 doanh nghiệp, đơn vị tham gia; 310.846 lao động được phỏng vấn; 115.736 lao động được tuyển dụng. Tiếp nhận 213.493 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp, Sở đã ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 211.694 người; quyết định hỗ trợ học nghề cho 9.164 người.

Trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, hiện trên địa bàn Thành phố có 369 đơn vị trong hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với đa dạng loại hình đào tạo của nhiều thành phần kinh tế. Số lượng học sinh, sinh viên vào học nghề tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tăng đều theo từng năm. Giai đoạn từ 2014 - 2018, số lượng người qua đào tạo đạt 891.153 lượt người (bình quân mỗi năm đạt 178.230 lượt người); số lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 148.992 lượt người năm 2014 lên 212.789 lượt người năm 2018. Trong đó, có 116.624 lao động nông thôn được tham gia học nghề (67.257 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp, chiếm 57,84%, còn lại là các nghề phi nông nghiệp). 3 tháng đầu năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh và dạy nghề cho khoảng 19.050 người đạt 9,3% so với kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp theo Kế hoạch số 66/KH- UBND, ngày 15/3/2017, của UBND Thành phố và phổ biến rộng mô hình này với toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã hợp tác với 753 doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp,... Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề còn được thực hiện thông qua các hoạt động: Mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề cho nhà trường; hợp tác tham gia xây dựng chương trình đào tạo,... Trong công tác hợp tác với doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố có nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả, gắn kết bền vững có tính điển hình như: Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa...

Trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, giải quyết việc làm cho 148.000 - 152.000 người/năm, tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 70-75%; đào tạo nghề cho 205.000 lượt người/năm, trong đó đào tạo nghề cho khoảng 15.000 lao động nông thôn/năm; Đào tạo nghề cho 205.000 lượt người/năm, trong đó đào tạo nghề cho 20.000 lao động nông thôn/năm.

Để đạt mục tiêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đổi mới phương thức đào tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với các ngành nghề trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho các trường được lựa chọn là trường chất lượng cao, các trường được phê duyệt các nghề trọng điểm. Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động sau học nghề…


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t