13 giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (20:42 22/04/2019)


HNP - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa triển khai một số giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố.

Theo nhận định của Sở NN&PTNT, các ổ bệnh dịch tiếp tục xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố do điều kiện an toàn sinh học không tốt. Ngoài ra, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, đặc biệt có thể xảy ra ở trại chăn nuôi quy mô lớn là rất cao. Qua bản đồ phân bố xã có dịch bệnh cho thấy các huyện chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi đều tiếp giáp với xã có bệnh dịch.

Mặt khác, việc quản lý kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường, dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, kể cả nấu chín nhưng dụng cụ, phương tiện, con người không được vệ sinh, xử lý vẫn mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai đồng bộ 13 giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới. Cụ thể: Tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng và Công điện số 08/CT-UBND ngày 22/2/2019 của Chủ tịch UBND thành phố. Đặc biệt, các huyện có chăn nuôi nhiều nhưng chưa xảy ra dịch bệnh cần chú trọng kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn.

Cùng với đó, duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, triển khai Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động theo Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 12/4/2019 của UBND thành phố để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn.

Tuyên truyền để người chăn nuôi xuất bán lợn thương phẩm nhằm giảm đàn lợn cảm nhiễm, hạn chế nhập lợn từ các tỉnh để tăng sử dụng lợn tại chỗ. Tiếp tục phát động đợt tổng tẩy uế môi trường, diệt ruồi, muỗi từ 25/4 đến 25/5/2019. Tăng cường quản lý giết mổ, kiểm tra tại các chợ về nguồn gốc để các hộ thực hiện tốt việc nhập lợn rõ nguồn gốc. Kiểm soát phương tiện ra vào trại, cần phải được phun sát trùng phương tiện vận chuyển lợn thật kỹ trước khi vào trại.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ bên ngoài vào trong trại chăn nuôi; đặc biệt lưu ý thịt lợn và các sản phẩm từ lợn chưa qua xử lý nhiệt kỹ. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng.

Tiếp tục tuyên truyền “5 không” và “4 tại chỗ” và tuyên truyền để các hộ dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ hộ gia đình. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động. Kiểm tra các hố tiêu hủy gia súc, kịp thời xử lý các hố bị xụt, lún, đào bới phát sinh dịch bệnh.

Kiểm soát an toàn sinh học đối với lực lượng tham gia tiêu hủy lợn, yêu cầu các lực lượng tham gia tiêu hủy lợn phải được trang bị đầy đủ bảo hộ khi ra khỏi ổ dịch phải được khử trùng tiêu độc kỹ. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t