Chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2018 (21:55 05/01/2018)


HNP - Năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, trong năm 2018, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra ATTP dịp Tết 2018 và cả năm 2018.

Lương lượng QLTT Hà Nội thu giữ số lượng lớn rượu không rõ nguồn gốc


Hơn 2.200 vụ vi phạm đã bị xử lý
 
Theo thống kê, từ ngày 11/12/2016 đến ngày 10/12/2017, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.213 vụ vi phạm về ATTP, đạt 133% so với chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2017, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, phạt hành chính 9,28 tỷ đồng, đạt 98,8% so với cùng kỳ năm 2016, trị giá hàng hóa vi phạm: 6,533 tỷ đồng.
 
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Sử dụng người lao động không khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức ATTP, không mặc trang phục bảo hộ theo quy định; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định hoặc sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đã hết hạn; kinh doanh thực phẩm đã hết hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc... Đáng chú ý, trong công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Thành phố tính từ ngày 11/12/2016 đến ngày 10/12/2017, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 1.132 vụ; xử lý 1.021 vụ; đang xử lý 2 vụ; không xử lý 108 vụ; chuyển công an 1 vụ; phạt tiền hơn 2,9 tỷ đồng... Đặc biệt, trong tháng cao điểm về tổng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Thành phố (từ ngày 16/3/2017 đến ngày 15/4/2017), Chi cục QLTT đã kiểm tra: 408 vụ; xử lý 380 vụ; phạt tiền: 843,95 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 358,777 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu 11.124 lít rượu và 814 chai rượu các loại.
 
Về kết quả kiểm tra, kiểm soát về ATTP tại các chợ, từ ngày 11/12/2016 đến ngày 10/12/2017, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra: 65 vụ; xử lý: 59 vụ; không xử lý: 06 vụ; phạt hành chính: 93,3 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm: 71,027 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả bao bì, nhãn hiệu; không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định.
 
Cần tháo gỡ các hạn chế trong quy định về quản lý 
 
Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn có những khó khăn. Cụ thể, những quy định về quản lý ATTP trong chợ được quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT- BNNPTNT-BCT của liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương ngày 09/04/2014 đã có sự không nhất quán gây khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải cam kết bảo đảm ATTP không thực hiện cam kết theo quy định. Thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm thực phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như xử lý khi phát hiện vi phạm…
 
Xác định công tác ATTP cần đặc biệt chú trọng trong năm 2018, đặc biệt trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2018, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết năm nay ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh ATTP. Nếu công tác này không được tập trung quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp.
 
Để công tác bảo đảm ATTP dịp Tết 2018 cũng như trong cả năm 2018, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương sớm báo cáo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, theo đó, phân công lại trách nhiệm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương trong quản lý đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và quản lý sản phẩm thực phẩm, đảm bảo nguyên tắc “quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm quản lý giữa các Bộ đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giao thoa hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị UBND Thành phố bổ sung kinh phí đầu tư các trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, test nhanh để phát hiện ô nhiễm thực phẩm, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghiệp vụ kỹ năng quản lý và chuyên môn về ATTP cho cán bộ công tác về ATTP…
 
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, trong năm 2018, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về ATTP; kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, vận chuyển, buôn bán, thực phẩm không rõ nguồn gốc...; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chợ cóc, chợ tạm trung tâm thương mại trên địa bàn.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t