Bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” (19:21 09/09/2022)


HNP - Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trao đổi học thuật và chuyên môn chuyên sâu, chiều 9/9, Hội thảo khoa học Quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”, do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức đã bế mạc.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế


Tới dự Hội thảo, có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Nao Hayashi; Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) Marie Laure Lavenir; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart.
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia UNESCO, ICOM, ICOMOS, các chuyên gia Pháp, Italia, Nhật Bản, Anh; các đại biểu đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Viện nghiên cứu, trường Đại học, bảo tàng, khu di sản thế giới của Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm, văn hóa, mỹ thuật, bảo tồn, di sản…”.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu bế mạc Hội thảo
 
Khẳng định thành công lớn của Hội thảo là đã đưa ra được bản Tuyên bố Hà Nội 2022 về bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: “Đây là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong giai đoạn mới”.
 
“Các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển hài hòa giữa các giá trị truyền thống với các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay. Để hiện thực hóa tầm nhìn, chúng ta cần chuyển hướng từ tiếp cận bảo tồn di sản dựa trên các quy tắc cứng nhắc sang cách tiếp nhận dựa trên giá trị và tính bền vững bao trùm hơn trên tinh thần của Công ước 1972” - đồng chí Chử Xuân Dũng nói.
 
Trước đó, chiều ngày 9/9, tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; đồng thời, đưa ra hướng đi tích cực, phù hợp cho công tác này tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhằm mục tiêu quản lý bền vững, thúc đẩy, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam trên cả nước và quốc tế.
 
Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới (năm 2010), công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đây tiếp tục được triển khai một cách đầy đủ và hiệu quả, trong đó, có việc thực hiện 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO. Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản trong thời gian tới, mà trọng tâm là đưa ra phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện; đặc biệt là thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045…, góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhất là trên các phương diện kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị để Hoàng Thành Thăng Long mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam...

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t