Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững (09:57 16/02/2021)


HNP - Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có nhiều đổi mới do TP đã đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới


Chủ động, linh hoạt điều hành tái cơ cấu
 
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chuyển sang công ty cổ phần 56/56 doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. 
 
Ngay từ đầu năm 2016, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện rà soát nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thực hiện các biện pháp tăng thu (nhất là các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất, nợ thuế). Thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, bám sát yêu cầu phát sinh thực tế, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Cơ cấu vốn đầu tư công thay đổi theo đúng chủ trương, đường lối của Thành phố, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các chương trình, dự án trong nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững vốn đầu tư công được TP tập trung đầu tư, không dàn trải. Các dự án được bố trí vốn đáp ứng triển khai theo tiến độ, thời gian khởi công ngắn nhất có thể, góp phần tiết giảm kinh phí dự phòng của từng dự án. 
 
Bên cạnh đó, TP đã đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các kế hoạch, chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được TP thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020... Sản xuất nông nghiệp đã theo hướng tập trung, quy mô lớn. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu GTSX chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt, cụ thể: Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 50,72% năm 2015 lên 54,17% vào năm 2020; tỷ trọng ngành trồng trọt giảm tương ứng từ 46,13% xuống 42,74% vào năm 2020. TP đã có 13 huyện và 368 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ đạt 96,3%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn NTM dẫn đầu cả nước. 
 
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, việc cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp được triển khai bài bản. TP đã ban hành và tổ chức triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025. Đã triển khai xây dựng và tổ chức triển khai các đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, cụ thể: Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị, điều hành; Đề án đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực các doanh nghiệp cơ khí Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2016-2020... Giai đoạn 2018-2020, đã lựa chọn, công nhận được 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; trong đó, có 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, Nano, Plasma, laser, công nghệ sinh học...
 
Cùng với đó, TP đã thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP. Hàng năm, Thành phố đều xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 44,8 tỷ USD, gấp 1,24 lần so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 gấp 1,53 lần năm 2015, tăng trung bình 8,9%/năm. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu 12,1%/năm; năm 2019, đón hơn 7 triệu khách quốc tế - Hà Nội nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới. Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2016-2018 ổn định, lượng hàng khá dồi dào, tình hình giá cả được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. Trung bình 5 năm 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 9,10%.
 
Các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các Thủ đô và các nước tiếp tục được mở rộng, triển khai hiệu quả, bước đầu tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào Thủ đô. Quan hệ hợp tác với các nước ngày càng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, xây dựng, y tế... Công tác liên kết phát triển vùng, hợp tác với các địa phương trong cả nước và hội nhập quốc tế được quan tâm đẩy mạnh. TP đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các các tỉnh, thành phố, kết quả đạt được bước đầu trên nhiều lĩnh vực như du lịch, công nghiệp, dịch vụ - thương mại, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, văn hóa, xã hội… ; phối hợp tổ chức các chương trình quảng bá nét văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền ngay tại Thủ đô.
 
Tăng trưởng tích cực nhờ tái cơ cấu
 
Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, với việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện, đóng góp tích cực trong tăng trưởng cả nước. Giai đoạn 2016-2019, GRDP tăng bình quân 7,36% trong khung kế hoạch (7,3-7,8%). Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tăng trưởng ước đạt 3,98% (KH là 7,5%) nên trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 6,68%. Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (45,2%). Cơ cấu theo các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng các nhóm ngành phi nông nghiệp luôn ở mức cao trong nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,75% lên 86,5%. Theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã trở thành khu vực có đóng góp lớn nhất trong GRDP, với tỷ trọng đóng góp được nâng dần từ 37,50% năm 2015 lên 38,99% năm 2019. 
 
Đáng chú ý, TP đã huy động được nguồn vốn với quy mô tương đối lớn vào đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,729 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,25% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển theo ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Cơ cấu vốn đầu tư công thay đổi theo đúng chủ trương, đường lối của Thành phố, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các chương trình, dự án trong nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Năm 2020, đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp...

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t