Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2020):


Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội trong việc củng cố, xây dựng cơ sở cách mạng thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 (14:59 12/03/2020)


HNP - Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập ấy, chính sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân đã đưa cách mạng đi tới thắng lợi. Để duy trì và xây dựng tổ chức Đảng cũng như để tiện theo dõi tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, Trung ương Đảng và Ban Cán sự Đảng bộ Hà Nội sớm nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng được các cơ sở cách mạng, an toàn khu quanh Hà Nội. Từ quá trình xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Nội, có thể thấy một số điểm sau:

Thứ nhất, Hà Nội nhận thức và xây dựng được sở cách mạng từ sớm, luôn duy trì, khôi phục và mở rộng cơ sở cách mạng trong điều kiện thực dân Pháp khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng.
 
Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân, cuối năm 1926, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên của Hà Nội được thành lập tại Dịch Vọng (Từ Liêm). Sau đó, Chi bộ này phát triển thêm ở Phú Xá, Yên Thái và thành lập nhóm đọc sách báo chủ nghĩa Mác - Lê nin ở Xuân Đỉnh. Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hà Nội được thành lập. Nhiều cơ sở của chi bộ và hội viên trở thành cơ sở hoạt động của kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội.
 
Giữa năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, sau đó, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội được thành lập. Sau Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), Đảng đã cử cán bộ, đảng viên về các vùng xung quanh Hà Nội tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xây dựng cơ sở của Đảng, lập ra các “Nông hội đỏ”. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp tập trung khủng bố phong trào yêu nước và cách mạng. Tháng 9/1931, Thành ủy Hà Nội được tổ chức lại. Cùng với việc xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, Thành ủy Hà Nội tích cực chắp mối với cơ sở, xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng. Tháng 7/1932, tại một cơ sở cách mạng ở làng Trung Tự, một chi bộ Đảng được thành lập. Chi bộ đề ra nhiệm vụ: liên lạc với các đảng viên đã ra khỏi nhà giam đế quốc, lựa chọn, xác minh những người trung kiên để bàn công tác; tìm hiểu quần chúng có cảm tình với cách mạng để gây dựng cơ sở. Sau một thời gian hoạt động, chi bộ đã thành lập được một số cơ sở quần chúng ở Hàng Bột, Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa ... Đầu năm 1933, đồng chí Lê Đình Tuyển và đồng chí Nguyễn Tạo xây dựng cơ sở cách mạng ở ấp Tân Yên và Đồng Thổ (Đa Phúc). Cơ sở cách mạng dần dần khôi phục, xây dựng thêm từ Hà Nội sang Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, lên Sơn Tây... Năm 1935, nhiều cơ sở cách mạng được thành lập ở Chèm. Từ năm 1937 trở đi, phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, phong trào đấu tranh của các vùng nông thôn đã góp phần xây dựng cơ sở cách mạng thời kỳ sau.
 
Thứ hai, Đảng bộ Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, ven trung tâm Hà Nội, đảm bảo an toàn và hoạt động của Đảng bộ để lãnh đạo phong trào cách mạng.
 
Ngày 25/9/1939, Chính phủ Pháp ra sắc luật giải tán Đảng Cộng sản Pháp. Ở Hà Nội cũng như ở khắp nơi trong nước, thực dân Pháp tiến công điên cuồng vào Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Trước tình hình đó, Xứ ủy và Ban Cán sự Đảng Hà Nội ra lệnh cho cán bộ, đảng viên phải áp dụng các nguyên tắc bí mật trong việc ăn, ở, đi lại và đề phòng bọn mật thám theo dõi. Để thực hiện được điều đó, không thể tách khỏi sự chở che, nuôi giấu của các cơ sở cách mạng.
 
Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới bùng nổ. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Cuối năm 1939, Đảng từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Từ giữa năm 1940, khi địch đánh phá dữ dội vùng cơ sở Bắc Hoài Đức, lên Nam huyện Hoàn Long, rồi đánh tiếp lên phía Bắc Hoàn Long, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo việc gây dựng cơ sở chuyển qua sông Hồng. Từ làng Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc), làng Chài (xã Võng La) - những cơ sở đầu tiên được gây dựng bên Đông Anh và phát triển sang các làng khác.
 
Tháng 9/1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, phát xít Nhật và thực dân Pháp câu kết với nhau ra sức áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam, nhân dân chịu cảnh một cổ hai tròng. Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 chỉ rõ kẻ thù cụ thể nguy hiểm của các dân tộc Đông Dương là phát xít Nhật, thực dân Pháp và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Hội nghị chủ trương duy trì lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tháng 12-1940, Ban Cán sự Đảng Hà Nội được phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7. Trước tình hình trên, một yêu cầu bức thiết trước mắt của phong trào cách mạng ở Hà Nội là phải tìm mọi cách có hiệu quả nhất để củng cố, duy trì bằng được cơ quan lãnh đạo và các tổ chức cơ sở chính của Đảng, các cơ sở cách mạng.
 
Từ cuối năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng an toàn khu ngay sát Hà Nội. Xứ ủy Bắc Kỳ cũng đặt cơ quan chỉ đạo bí mật tại nhiều vùng ở xung quanh Hà Nội. Nhiều ban chuyên môn của Trung ương và Xứ ủy đã cùng với các ban Thành ủy trực tiếp gây dựng cơ sở cách mạng ở nội thành.
 
Các ban Thành ủy đặc biệt chú trọng phổ biến trong cán bộ, đảng viên ở Hà Nội nhiều chủ trương biện pháp cụ thể các nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy nhằm chống lại sự khủng bố của địch. Trung ương Đảng chỉ chị cho các ban Thành ủy phải có chỗ đứng chân cho cơ quan lãnh đạo ở vùng nông thôn ngoại thành, nơi có đông đảo công nhân, nông dân, nhân dân lao động che chở ủng hộ, ở đây mạng lưới mật thám chỉ điểm của địch cũng không dày đặc như ở nội thành. Để chống lại khủng bố trắng của địch, để duy trì được tổ chức của Đảng và phong trào của quần chúng cách mạng, để xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân thành phố, Trung ương, Xứ ủy và các ban Thành ủy chủ trương kiên trì, liên tục tổ chức các cuộc tuyên truyền bí mật về đường lối chủ trương và chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh, chỉ cho nhân dân Hà Nội thấy rõ được triển vọng của công cuộc giải phóng dân tộc, sự sụp đổ tất yếu của phe phát xít và những âm mưu, thủ đoạn luận điệu xảo quyệt, bịp bợm của phát xít Nhật - Pháp.
 
Trong lúc cách mạng gặp khó khăn, ở khu an toàn thuộc ngoại thành Hà Nội và ở vùng ven nội, các khu xóm lao động, có nhiều công nhân, nông dân và nhân dân lao động giác ngộ đã bất chấp tù đày, tra tấn dã man của địch, chắt chiu từng đồng xu, nắm gạo, giành chỗ ở tốt nhất và kín đáo nhất ở trong nhà, ngày đêm tổ chức canh gác để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, đảng viên của Đảng, quý trọng cán bộ, đảng viên của Đảng như người thân ruột thịt. Ở ven nội, cuối năm 1940, đầu năm 1941, thông qua sự tuyên truyền và gây dựng cơ sở của đồng chí Trần Thị Sáu ở Liên Mạc (Phú Thượng) làm giao thông cho đồng chí Hoàng Văn Thụ và qua cán bộ cơ sở của Đoàn Thanh niên phản đế ở Yên Bái (thuộc vùng Bưởi), cơ sở của Trung ương và Xứ ủy đã được gây dựng và phát triển từ vùng Liên Mạc, Bưởi lên Xuân Đỉnh, Chèm. Nhân dân nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí cán bộ của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phan Trọng Tuệ và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Thành ủy để hoạt động. Vì vậy, trước sự khủng bố ngày càng ác liệt của kẻ thù, phong trào đấu tranh của công nhân và lao động ở nơi đầu não cai trị của kẻ thù vẫn được giữ vững.
 
Đầu năm 1941, do Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây đều bị tổn thất nặng, nên Xứ ủy thành lập Ban Cán sự liên tỉnh A gồm Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây, do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Xứ ủy, Ban Cán sự Đảng Hà Nội thường xuyên được đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, luôn tái lập để giữ vững mối liên hệ giữa Xứ ủy với Ban Cán sự và giữa Ban Cán sự với cơ sở đảng. Tháng 5/1941, đồng chí Vũ Biểu được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự. Đến tháng 8/1941, Ban Cán sự Đảng do đồng chí Đào Duy Đểnh (tức Đào Phan) làm Bí thư. Đến tháng 4/1942, bị địch bắt. Tháng 6/1942, Ban Cán sự Đảng được tái lập do Phạm Bá Quát làm Bí thư. Tháng 11/1942, Ban Cán sự Đảng lại vỡ, đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông ra Hà Nội bắt liên lạc và gây cơ sở ở chợ Hôm, Lương Yên, nhà in Viễn Đông (I.D.E.O), nhà in Ngô Tử Hạ, nhưng sau đó, bị địch theo dõi gắt gao nên phải chuyển sang phụ trách công tác Đội của Trung ương, hoạt động ở vùng Bưởi - Nghĩa Đô. 
 
Đầu năm 1943, Xứ ủy điều động đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông ra Hà Nội làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Nội. Đến đầu năm 1943, cơ sở của tổ chức Đảng, cơ sở tổ chức quần chúng bí mật, bị đánh phá nên số lượng giảm nhiều - ở nội thành chỉ còn những tiểu tổ và những mối lẻ quần chúng. Đặc biệt, ở ngoại thành từ Nghĩa Đô đến Chèm, Thượng Cát, thuộc khu an toàn của Trung ương, các tổ chức cứu quốc vẫn hoạt động và có cơ sở ở nhiều xã như Nghĩa Đô, Bái Ân, Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Phú Gia, Phú Xá, Chèm Vẽ, Thượng Cát... Ở những nơi này, nhân dân sẵn sàng ủng hộ cách mạng thuốc men, tài chính, thường xuyên đọc sách báo, truyền đơn của Đảng và của Mặt trận, giúp đỡ che giấu những hoạt động của cán bộ cách mạng.
 
Trong lúc, Ban Cán sự Đảng liên tục bị phá vỡ, phải lập đi lập lại nhiều lần, sự liên lạc giữa nội thành và ngoại thành chưa được thông suốt do Ban Cán sự Đảng chậm xây dựng chỗ đứng chân ở ngoại thành; song, được sự quan tâm của Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy, với tư tưởng kiên quyết duy trì an toàn khu (ATK) ở ngoại thành để bắt mạch thời cuộc, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, Hà Nội dần dần khôi phục được tổ chức cơ sở đảng, cơ sở cách mạng và phong trào đấu tranh. Đó là thực lực quan trọng để Ban Cán sự Đảng Hà Nội thực hiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới.
 
Thứ ba, sau khi được Trung ương giao cho các cơ sở cách mạng ở vùng Bưởi Nghĩa Đô, Ban Cán sự Đảng Hà Nội đã củng cố và mở rộng các cơ sở cách mạng. 
 
Từ ngày 25 đến 28/2/1943, Hội nghị Thường vụ Trung ương được triệu tập. Hội nghị đề ra hai chủ trương lớn là mở rộng Mặt trận Việt Minh và đẩy mạnh mọi mặt công tác để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trên tinh thần đó, các tổ chức Đảng, các tổ chức cứu quốc cần lập ra các tổ chức đơn sơ có tính chất kinh tế, văn hóa, xã hội như các tổ chức tương tế trong công nhân lao động, các nhóm thể dục thể thao trong thanh niên, binh lính, các nhóm nghiên cứu, văn hóa trong trí thức văn nghệ sĩ, các nhóm “ủng hộ cách mạng”, “cảm tình cách mạng” trong các tầng lớp “phú hào”.
 
Hà Nội có vị trí chiến lược đặc biệt, từ giữa năm 1944, Trung ương giao vùng Bưởi - Nghĩa Đô cho Ban Cán sự Đảng Hà Nội phụ trách. Với lòng tin vào nhân dân, tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng, Ban Cán sự Đảng Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở cách mạng ở cả nội và ngoại thành. Từ làng Tân (Nghĩa Đô), cơ sở của Ban Cán sự Hà Nội phát triển sang làng Nghè, xuống An Phú, rồi Quan Hoa, Dịch Vọng... Có những gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ.
 
Đến cuối năm 1944, các tổ chức cứu quốc trong nông dân, thợ thủ công bắt đầu có cơ sở ở vùng Cầu Giấy, Dịch Vọng. Vùng này trở thành vùng đứng chân và “bàn đạp” vào nội thành của riêng Ban Cán sự Đảng thành phố. Cán bộ lãnh đạo đi lại, hội họp ở đây và phát triển rộng cơ sở cách mạng vào nội thành cũng như nông thôn ngoại thành ở phía Nam thành phố cũng rải rác bắt đầu có các mối hội viên Thanh niên cứu quốc hoạt động ở trong tổ chức Hội truyền bá học quốc ngữ.
 
Như vậy, nhờ xây dựng được các cơ sở cách mạng trở thành chỗ đứng chân riêng cho cơ quan lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Hà Nội ở vùng Bưởi, Cầu Giấy, nên qua nhiều lần địch phá ta lập, địch lại phá, ta lại lập, các đồng chí đảng viên của Hà Nội hết sức kiên trì và ngoan cường vật lộn với địch để duy trì bằng được cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ. Do đó, tổ chức đảng của Hà Nội vẫn được duy trì để chỉ đạo phong trào cách mạng ở thành phố, từ đó, bắt mối phát triển phong trào ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân.
 
Trước tình hình phát xít Nhật, thực dân Pháp đẩy mạnh việc vơ vét thóc gạo, thực phẩm, phá màu của nông dân để trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh, củng cố mở rộng sân bay, đồn bốt... Nhân dân ở khắp vùng vành đai đều hết sức phẫn nộ trước các hành động của bọn phát xít Nhật - Pháp và tay sai hàng ngày đốc thuế, phá màu, cưỡng bức mua rẻ lương thực, thực phẩm. Họ sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh và nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng. Ở khu vực từ Bưởi chạy lên Chèm Vẽ, Thượng Cát thuộc khu an toàn của Trung ương ở bên này sông Hồng, các tổ chức cứu quốc bí mật của nông dân, thợ thủ công, thanh niên và phụ nữ, tuy chưa đuợc mở rộng nhưng có cơ sở hầu khắp các làng như ở Yên Thái, Nghĩa Đô, Bái Ần, Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Phú Xá, Phú Gia, Đông Ngạc, Chèm, Thượng Cát. Xã nào cũng có địa điểm ăn, ở, hội họp hoặc giao thông liên lạc cho cán bộ của Trung uơng và của Xứ ủy, là cơ sở để các đồng chí trong Đảng bộ Hà Nội hoạt động.
 
Ngoài những khu vực thuộc an toàn khu của Trung uơng và của Xứ ủy ra, cả vùng vành đai phía Tây và phía Nam thành phố còn chưa có cán bộ đến hoạt động, chưa có cơ sở tổ chức cứu quốc bí mật. Các Đảng bộ các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh đều có phái cán bộ tổ chức một số cơ sở cách mạng ở một số nơi thuộc ngoại thành. Các Đảng bộ này giới thiệu lại cho Đảng bộ Hà Nội một số hội viên cứu quốc ở ngoại thành hoặc đi lại làm ăn ở nội thành. Các ban Thành ủy Hà Nội cũng chua đặt vấn đề tổ chức vận động quần chúng nhân dân ở các vùng này.
 
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Thành ủy Hà Nội thi hành bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12/3/1945), chủ trương tập trung làm một số công việc chính sau: Chống khủng bố trắng của phát xít Nhật bằng cách huấn luyện các nguyên tắc hoạt động bí mật cho các đoàn viên cứu quốc. Tích cực phát triển cơ sở cách mạng trong lính bảo an, trong cảnh sát thành phố, trong các cơ sở quan trọng của địch để điều tra nắm tình hình địch.
 
Để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố, Xứ ủy cũng như Ban Cán sự Đảng Hà Nội chủ trương mở rộng tổ chức công nhân cứu quốc, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân, nhất là các xí nghiệp lớn và quan trọng. Có nhiều hội viên Công nhân cứu quốc đem báo chí, truyền đơn của Việt Minh về phân phát tại các làng quê ở ven nội, ở ngoại thành hay ở các vùng kế cận Hà Nội như ở Phú Xuyên, Thuờng Tín, Hoài Đức, Gia Lâm... và gây dựng các tổ cơ sở của Việt Minh ở những nơi này.
 
Sau ngày 9/3/1945, phong trào cách mạng ở vùng ngoại thành và kế cận Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Tại nhiều xã ở ngoại thành như ở vùng Dịch Vọng, Cầu Giấy, Buởi, chùa Sét (làng Giáp Nhị), làng Giáp Tứ (làng Tứ)... cán bộ đi lại hoạt động hầu như công khai. Trước những ngày khởi nghĩa, Việt Minh làm chủ nhiều xã ở ngoại thành và các vùng nông thôn kế cận.
 
Sau hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ (tháng 4/1945), Trung ương và Xứ ủy điều động một số cán bộ của Xứ ủy về công tác ở Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy đuợc bổ sung thêm các đồng chí Thành ủy viên: Thôi Hữu (tức Nguyễn Đắc Giới), Nguyễn Duy Thân, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Văn Phương. Nhờ đó, Đảng bộ thành phố có thêm sức mạnh mới, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, của Trung ương và Xứ ủy, Ban cán sự Đảng Hà Nội không những được vũ trang bằng đường lối chủ trương đứng đắn có sức thuyết phục rất lớn mà còn dựa chắc vào tổ chức Công nhân cứu quốc, tranh thủ được sự ủng hộ triệt để của nông dân, của nhân dân lao động thành thị và lôi cuốn được đông đảo lực lượng thanh niên, học sinh và tiểu tư sản ở thành phố.
 
Trong điều kiện ngặt nghèo, địch khủng bố liên tục, phá tan cơ quan đầu não của cách mạng, nhờ có chủ trương sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng và tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của Hà Nội vẫn được duy trì, phát triển. Đó là do Đảng bộ Hà Nội đã xây dựng được các cơ sở cách mạng. Do đó, Ban Cán sự Đảng Hà Nội càng thấy rõ việc củng cố, xây dựng các cơ sở cách mạng, đẩy mạnh mọi hoạt động để chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trở nên cấp bách. Các làng xã thuộc ATK của Trung ương và Xứ ủy được mở rộng và củng cố vững chắc ở phía Đông Bắc - Bắc - Tây Bắc thành phố, tạo thành bàn đạp vững chắc để Đảng chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ. Thành ủy Hà Nội cũng nhận định cần tổ chức đều khắp cơ sở cách mạng ở vùng ngoại ô sát thành phố. Cùng với ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ, ở Tây Mỗ, Đại Mỗ, Vân Canh, Vạn Phúc, ATK của Thảnh ủy Hà Nội được xây dựng ở Dịch Vọng, Yên Hòa, Nghĩa Đô.
 
Suốt thời gian từ giữa năm 1941 đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, các cơ sở cách mạng đã bảo vệ và nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy và Ban Cán sự Đảng Hà Nội được an toàn, bất chấp mật thám địch dày đặc. Ở những nơi bị địch khủng bố, các chi bộ, đảng viên các tổ chức cách mạng, các gia đình cơ sở vẫn vững vàng. Qua các cơ sở cách mạng và ATK của Ban Cán sự Đảng Hà Nội, lực lượng chính trị được xây dựng và củng cố sâu rộng, vững chắc và là điều kiện thuận lợi cho Ban Cán sự Đảng Hà Nội nắm bắt và phát động quần chúng khi thời cơ khởi nghĩa đến, đưa đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội. Như vậy, chính là lòng dân đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, để lại bài học lịch sử sâu sắc về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.
 
Hiện nay, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hà Nội cũng như nhân dân cả nước đang thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế trong bối cảnh có nhiều thời cơ, vận hội mới, đồng thời phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, điều đó càng đòi hỏi Đảng bộ Thành phố Hà Nội cần quán triệt và phát huy ý nghĩa bài học lớn nhất trong Cách mạng Tháng Tám là phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

TS Nguyễn Thị Mai - Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t