Hà Nội còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư (21:45 29/03/2019)


HNP - Ngày 29/3, tại “Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” đã diễn ra buổi trao đổi - tọa đàm của các doanh nghiệp Nhật Bản với lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Tọa đàm là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của UBND TP Hà Nội.

Các đại biểu chủ trì buổi trao đổi - tọa đàm


Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam
 
Giới thiệu về sản phẩm than tre, giấm tre, ông Yumito Tojimbara, Giám đốc Công ty Tojinbara Syoten cho biết: Công ty có thể sản xuất ra than tre chất lượng cao từ phương pháp than điện. Than điện sản xuất ra than tre trong vòng 2 ngày. Khi làm than tre, lúc làm mát khói có thể tạo ra giấm tre. 
 
Than tre và giấm tre có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc, thúc đẩy sự sinh trưởng, tăng năng suất của cây trồng. Nó cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng nước và phòng chống dịch bệnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Giấm tre làm từ phương pháp than điện có thể ngăn ngừa virus.
 
Ông Yumito Tojimbara nhấn mạnh, chỉ có phương pháp than điện mới có thể sản xuất ra giấm tre chứa lượng lớn Phenol và Axit axetic, đồng thời, tạo ra độ PH ổn định, chất lượng cao, có khả năng sản xuất 500l giấm tre mỗi ngày trong 1 lò. 
 
Từ những công dụng của giấm tre, ông Yumito Tojimbara khuyên rằng mọi người nên sử dụng nhiều giấm tre để phòng ngừa bệch dịch ở vật nuôi và mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất giấm tre bằng phương pháp than điện.
 
* Tiếp đó, ông Honma Kenichi, Giám đốc Công ty Xây dựng Penta - Ocean Construction đã giới thiệu kết quả và kế hoạch phát triển đầu tư, xây dựng tại nước ngoài. Theo đó, Công ty đã có kinh nghiệm 54 năm đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài với các thị trường như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Ai Cập, Ấn Độ,…
 
Tại Việt Nam, Penta - Ocean Construction đã đầu tư, thực hiện nhiều công trình, dự án như: Công trình cải tạo cảng Hải Phòng (Giai đoạn 1); Công trình mở rộng cảng Cái Lân; Công trình xây dựng Nhà máy công nghiệp Koyo Việt Nam; Công trình mở rộng Nhà máy Vina-Bingo; Công trình xây dựng cảng quốc tế Lạch Huyện,… với kinh nghiệm hơn 20 năm hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, ông Honma Kenichi mong muốn trong thời gian tới sẽ được tham gia đầu tư vào các công trình, dự án của Thủ đô Hà Nội.
 
* Tham luận về công nghệ dây chuyền sản xuất dành cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ông Okada Goro, Chủ tịch Công ty Fives - Instralogistics cho biết: Fives chuyên thiết kế sản xuất máy móc, thiết bị xử lý, dây chuyền sản xuất dành cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Fives là đối tác mà các doanh nghiệp lớn toàn cầu có thể tin tưởng, Fives đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong các ngành: Không gian vũ trụ (công nghiệp hàng không vũ trụ); Công nghiệp nhôm; Ô tô (Công nghiệp sản xuất ô tô);  Xi măng, khoáng sản; Năng lượng; Logistics,… Hiện nay, Five có 8.700 nhân viên, với doanh thu 250 tỷ Yên và đơn đặt hàng lên tới 280 tỷ Yên. 
 
Fives hiện đang sản xuất nhiều loại máy móc, điển hình như: Máy phân loại subia; Máy phân loại đai thép; Máy phân loại slide; Máy phân loại E. Đặc biệt, máy phân loại Subia có nhiều ưu điểm như: Phạm vi các vật được phân loại rộng từ loại cỡ lớn đến loại mỏng (Có thể phân loại từ tấm thư mỏng đến vali); Năng suất phân loại tối đa 15.000 chiếc/giờ; Cơ chế phân loại dễ dàng (dạng băng tải); Độ chính xác phân loại cao (99,99% trở lên); tiếng ồn thấp (65 dB). Chủ tịch Công ty Fives cho rằng thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng và mong muốn sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
 
Hà Nội chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
 
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đặt câu hỏi để UBND TP hướng dẫn, trả lời về các vấn đề như: Cơ chế ưu đãi giá đất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp; quy định về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quy định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; những ưu đãi về thuế khi công ty nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải tại Hà Nội; Những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội,...
 
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành Hà Nội đã trả lời các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Về những vấn đề liên quan đến cơ chế ưu đãi giá đất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đức Quang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp hiện nay hoạt động trên cơ sở các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương. Cụ thể, về Trung ương, Điều 16, khoản 1, Luật Đầu tư quy định rất rõ các ngành nghề ưu đãi đầu tư như: Công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, công nghệ thông tin,... Về địa bàn ưu đãi đầu tư, theo Luật Doanh nghiệp, Khoản 2, Điều 16 quy định rõ, nếu các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các khu công nghiệp thì được hưởng các chính sách ưu đãi trong đó có cả giá thuê đất. Về địa phương, khi các doanh nghiệp đầu tư tại các KCN thì được hưởng các hệ thống kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước và các yếu tố liên quan được kéo đến chân hàng rào để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Về thủ tục hành chính, một số thủ tục đã được các Bộ Trung ương và UBND Thành phố đã ủy quyền cho Ban quản lý cấp để đảm bảo xu hướng một cửa, tại chỗ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
Về vấn đề ưu đãi đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố Hà Nội xác định ưu đãi theo từng thế mạnh và từng quốc gia. Với Nhật Bản, Hà Nội tập trung kêu gọi các DN đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng, đô thị để tạo ra cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như lĩnh vực giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng thoát nước; các lĩnh vực về sản xuất và gia công ưu tiên những lĩnh vực như chế biến, dịch vụ áp dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, may mặc, da giày, chế biến thực phẩm,... lĩnh vực dịch vụ, ưu tiên đầu tư vào các ngành du lịch, thương mại, logistic,... các lĩnh vực xã hội sẽ tập trung vào giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ dược phẩm, y tế,... 
 
Về trình tự cấp thủ tục cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, căn cứ theo các điều 30, 32, 33, 34 của Luật Đầu tư và Nghị định 118 năm 2018, qua đó cụ thể hóa theo các quy trình, các bước và đăng tại đầy đủ trên Cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (http://hapi.gov.vn), các doanh nghiệp có thể truy cập vào website để tham khảo các quy trình, các bước của thủ tục. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký, cấp phép đầu tư xuống còn 30 ngày. Tuy nhiên, từ năm 2018, Hà Nội cũng đã thành lập tổ liên ngành để trực tiếp xem xét đối với các dự án quan trọng, cần thiết qua đó xem xét các yêu cầu của các chủ đầu tư qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư xuống còn 10 ngày.
 
Hà Nội tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, hợp tác kinh doanh
 
Trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản về cơ hội đầu tư vào TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: Hà Nội đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Minh chứng cụ thể là 6 năm trước đây Hà Nội từ xếp thứ 52 đến năm 2018 đã vươn lên xếp thứ 9, nằm trong top 10 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Qua đó, cho thấy sự cố gắng của TP trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã được các DN đánh giá cao, trong đó, có các DN Nhật Bản.
 
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác rất quan trọng, đóng góp đến 25% vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Trong những năm tới, Hà Nội tiếp tục tập trung mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển TP, nhất là vốn đầu tư trong lĩnh vực môi trường như xử lý ô nhiễm nước thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải,… Hà Nội cũng đang gặp thách thức về cơ sở hạ tầng, các phương tiện giao thông phát triển nhanh hơn, đô thị phát triển mạnh do vậy cần đầu tư phát triển về giao thông, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, đây cũng là cơ hội để các đầu tư, nhất là hỗ trợ nguồn vốn ODA.
 
Về thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản khẳng định: Hà Nội là nơi có nguồn lao động chất lượng cao tốt nhất cả nước với những trường đại học lớn, các viện nghiên cứu trên địa bàn. Hiện nay, Hà Nội tiếp tục chú trọng công tác này để khi DN nước ngoài vào đầu tư sẽ có ngay nguồn nhân lực để làm việc. Về tiếp cận các thông tin, TP cũng sẽ chỉ đạo các sở ban, ngành công khai các thủ tục, các dự án đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên vào tháng 6 hàng năm và và các hội nghị xúc tiến đầu tư tại thị trường của các nước. Về thủ tục đầu tư, TP đã chỉ đạo thực hiện theo hướng liên thông, rút ngắn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư vào Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản mong rằng các DN Nhật Bản tiếp tục quan tâm và đầu tư vào những lĩnh vực TP đã và đang ưu tiên thu hút, ưu đãi đầu tư.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t