10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 9: Xây dựng nông thôn mới - Diện mạo mới cho khu vực nông thôn (09:20 27/07/2018)


HNP - Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2012/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, đến nay, khu vực nông thôn của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, được chú trọng đầu tư về mọi mặt, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% và là địa phương dẫn đầu cả nước.

Giếng làng trong kiến trúc làng quê nông thôn mới


Đến nay, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018 Thành phố đang chỉ đạo và giao chỉ tiêu 4 huyện (Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai) đạt chuẩn nông thôn mới. Nếu như tính số xã, thì đến nay, thành phố có 294/386 xã (chiếm 76,16%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí, bình quân đạt 18,19 tiêu chí/xã tăng 0,47 tiêu chí/xã so với 2015. Trong số các tiêu chí, nhiều tiêu chí được thực hiện quyết liệt hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Như tiêu chí về giao thông, hiện nay, toàn thành phố có 368 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông, có 377 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, 100% xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về điện.

 
Các tiêu chí về văn hóa xã hội, tính đến nay, có 318 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí trường học, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa có 357 xã đạt và cơ bản đạt. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ huyện đến xã tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đã có 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, có 49,4% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
 
Trong 10 năm qua, không chỉ có cơ sở vật chất khu vực nông thôn được đầu tư mà lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của thành phố cũng có những bước tăng trưởng ngoại mục. Trong đó có sự phát triển ấn tượng của các lĩnh vực như: Chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành các vùng lúa hàng hóa, vùng rau an toàn, hoa, cây ăn quả tập trung... Các mô hình trồng trọt và chăn nuôi này đã làm giá trị sản xuất tăng gấp hơn 4,3 lần. Đặc biệt, toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có địa phương có nhiều mô hình như: Huyện Mê Linh với 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ có 8 mô hình, Đông Anh có 8 mô hình, Đan Phượng có 8 mô hình,...
 
Sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, trung bình, hàng năm, thành phố huy động hơn 1.800 tỷ đồng cho khu vực nông thôn, tạo cơ sở thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, không chỉ coi trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng, Hà Nội còn chú trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân ở huyện thị xã tăng từ 7,4 triệu đồng/người/năm 2008 lên 33 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đã có 362 xã đạt và cơ bản đạt về tỷ lệ hộ nghèo.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp nhiều địa phương nhanh chóng thay da, đổi thịt. Đánh giá về kết quả 10 năm hợp nhất Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 5,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 lên 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 16,73% giảm xuống còn 5,6% theo chuẩn nghèo đa chiều. Văn hóa được quan tâm rất lớn, nhất là văn hóa truyền thống được phát huy rõ nét hơn.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Trong vòng 3 năm, TP đã hoàn thành quy hoạch chung, phân khu, trong đó có quy hoạch nông thôn mới, đến nay Hà Nội đã có diện mạo quy hoạch đồng bộ. Trước đây, huyện tiếp nhận thêm 3 xã, thời điểm bắt đầu kinh tế khó khăn nhưng sau 10 năm hợp nhất, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 12% trong 10 năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp 62%, thương mại - dịch vụ 22%...). Trong 10 năm, ngân sách đầu tư 4 nghìn tỷ đồng, chưa tính nguồn huy động xã hội hóa cho hạ tầng, kết quả điện đường trường trạm của Thạch Thất phát triển; trên 70% hộ dân sử dụng nước sạch sông Đà, phấn đấu 2020 là 100%; tỷ lệ hộ nghèo từ 9,3% đến nay chỉ còn 1,18%. Thu nhập bình quân tăng từ 13 triệu đồng/người/năm lên 52 triệu đồng/người/năm; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Có thể nói trong 10 năm qua thành phố đã quan tâm hơn đến đầu tư nguồn lực để phát triển nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Thành phố đầu tư nhiều hơn vào các hình thức sản xuất tập trung, vào mô hình hợp tác xã chuyên canh, mô hình sản xuất theo chuỗi… là điểm sáng để thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nhiên để thành phố phát triển một cách đồng bộ cần có sự đầu tư đồng bộ hơn nữa như: Hệ thống giao thông, chiếu sáng, cần triển khai nhanh các dự án các nhà máy xử lý chất thải rắn, cần đầu tư hỗ trợ để giải quyết vấn đề môi trường cho người dân; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt về nước sạch; tập trung hỗ trợ các chuyện về phát triển thị tứ; củng cố tổ chức cơ sở đảng, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc…
 
Qua 10 năm hợp nhất, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Một số địa phương có thu nhập bình quân/người/năm cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng, Hoài Đức 42,5 triệu đồng, Đông Anh 42 triệu đồng, Gia Lâm 41,2 triệu đồng... Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được 1.928 nhà (năm 2016 là 1083 nhà, năm 2017 là 845 nhà). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 86,06% (tăng 13,26% so với cuối năm 2015 và tăng 3,26% so với Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 của UBND Thành phố). Trong đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t